Báo Đồng Nai điện tử
En

Dưới bóng hoa anh đào

10:03, 24/03/2017

Những ngày này, người dân Nhật Bản bắt đầu náo nức chờ đón lễ hội hoa anh đào sẽ diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Lễ hội có tên gọi là "Hanami", được ghép từ "Hana" có nghĩa là hoa và "mi"  là ngắm nhìn.

Những ngày này, người dân Nhật Bản bắt đầu náo nức chờ đón lễ hội hoa anh đào sẽ diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Lễ hội có tên gọi là “Hanami”, được ghép từ “Hana” có nghĩa là hoa và “mi”  là ngắm nhìn. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất ở xứ sở Thái dương thần nữ, ra đời từ hơn 500 năm và đã trở thành nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật.

Rất đông người dân địa phương và du khách đến lễ hội hoa anh đào ở lâu đài Osaka (TP.Osaka, Nhật Bản). Ảnh: T.THÚY
Rất đông người dân địa phương và du khách đến lễ hội hoa anh đào ở lâu đài Osaka (TP.Osaka, Nhật Bản). Ảnh: T.THÚY

Hoa anh đào (Sakura) tuy chưa chính thức công nhận là quốc hoa, nhưng được người Nhật xem như là biểu tượng của đất nước, dân tộc. Hoa được trồng ở khắp nơi trên nước Nhật từ công viên cho đến góc phố, nghiêng mình soi bóng bên các dòng kênh, thậm chí được trồng ở các trang trại để thu hoạch trái như loại nông sản giá trị cao.

Mùa xuân sang có hoa anh đào

Để quảng bá văn hóa và thể hiện ước muốn hòa bình, Chính phủ Nhật Bản đã tặng hoa anh đào và trồng ở nhiều nước trên thế giới, như: Mỹ, Úc… Những năm gần đây, trên nền quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, nhiều lễ hội hoa anh đào đã được Nhật Bản phối hợp với các địa phương trong nước (Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng…) tổ chức, gây tiếng vang trong công chúng.

Theo tư liệu, lễ hội hoa anh đào có từ năm 1603 khi các quần thần dâng hoa lên Thiên hoàng, sau đó tổ chức vui chơi, ca hát và ngắm hoa. Từ đó, hoa anh đào ngày càng được trồng phổ biến trên khắp đất nước Nhật và hầu như địa phương nào cũng tổ chức lễ hội ngắm hoa.

Do thời tiết khác nhau nên thời gian anh đào nở hoa ở các vùng cũng chênh lệch nhau, như: hoa vùng Okinawa ở phía Nam ấm áp nở vào cuối tháng 1, đầu tháng 2; hoa vùng Osaka, Tokyo nở cuối tháng 3, đầu tháng 4, còn hoa ở vùng lạnh nhất là Hokkaido thì mãi đến đầu tháng 5 mới bung cánh. Hàng năm, chính phủ Nhật Bản sẽ thông tin về dự báo ngày hoa nở của từng vùng và quyết định lịch cho sự kiện Hanami tại các địa phương. Chính vì vậy, mỗi vùng sẽ có thời điểm tổ chức lễ hội khác nhau, người dân có cơ hội ngắm hoa suốt từ Nam đến Bắc.

Thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục kimono truyền thống dự lễ hội hoa anh đào ở thủ đô Tokyo.
Thiếu nữ Nhật Bản trong trang phục kimono truyền thống dự lễ hội hoa anh đào ở thủ đô Tokyo.

Tuy nhiên, do mật độ dân cư đông, giao thông thuận lợi nên lễ hội hoa anh đào thường tập trung tại các đô thị lớn, như: Tokyo, Osaka, Yokohama, diễn ra từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Chỉ tính riêng Tokyo đã có 21 điểm chính thức tổ chức lễ hội hoa anh đào vào tháng 3, 4 ở các công viên lớn, như: Ueno (quận Taito), Shinjuku (quận Shinjuku), Yoyogi (quận Harajuku)...

Nghe nói, hoa anh đào có đến hơn 200 loài, và không phải loài nào cũng cho trái mà chỉ có một vài loài, còn hầu hết chỉ nở hoa. Hoa anh đào có vẻ đẹp mong manh, từ lúc nở rộ cho đến lúc tàn chỉ khoảng 7-14 ngày. Hoa có 3 màu chủ yếu: trắng, hồng, đỏ. Những loài anh đào được trồng phổ biến là: Yama (màu trắng), Oyama (màu hồng đậm hoặc đỏ), Edohigan, Oshima
(có mùi thơm, cánh dầy, có thể dùng làm thức ăn), Kasumi (trắng phớt hồng), Someiyoshino (hồng phấn). Dường như người dân Nhật Bản yêu thích hoa màu hồng phấn hơn nên loài này trồng rất nhiều, đi đến đâu cũng bắt gặp, còn màu đỏ thì hiếm thấy. Hoặc cũng có thể do loài Someiyoshino sakura dễ trồng, nhanh phát triển, tán rộng, cánh hoa dày và đẹp, lại có mùi thơm dịu rất dễ chịu nên được ưa chuộng.

Tôn vinh văn hóa Nhật Bản

Vào dịp lễ hội hoa anh đào, thời tiết Nhật Bản còn trong mùa xuân nên khá ấm áp, sáng sớm và chiều tối chỉ hơi se lạnh, rất thích hợp để dã ngoại, vui chơi ngoài trời. Vì thế, trong những ngày lễ hội người dân Nhật thường chọn những địa điểm trồng nhiều hoa anh đào như công viên, dọc bờ sông hoặc những khu đất rộng để tổ chức picnic, ngắm hoa, trò chuyện, ca hát cả ngày lẫn đêm. Công viên Ueno tại thủ đô Tokyo, nơi trồng khoảng 1.100 cây hoa anh đào là một trong những địa điểm tổ chức lễ hội thu hút rất đông người dân địa phương lẫn du khách. Ở TP.Osaka, lâu đài Osaka với hơn 4.200 cây anh đào được chọn là nơi ngắm hoa lý tưởng nhất. Còn ở tỉnh Shizuoka, du khách thường chọn thị trấn Kawazu (quận Kamo), nơi có khoảng 8 ngàn cây hoa anh đào. Thị trấn Kawazu đã được lấy làm tên cho loài hoa anh đào Kawazu.

Đặc biệt, để đảm bảo tính thẩm mỹ, các địa điểm tổ chức lễ hội hoa anh đào thường không đặt nhiều thùng rác, mà tập trung ở những bãi đậu xe khá xa. Mặc dù vậy, người Nhật dự lễ hội sau khi ăn uống vẫn chịu khó mang rác bỏ đúng nơi quy định. Dù mỗi ngày lễ hội có hàng ngàn người đến dự, nhưng không hề có tình trạng xả rác bừa bãi. Gọi là lễ hội, nhưng không có “lễ” với quan chức tham dự, diễn văn khai mạc hay kết thúc, chỉ đơn giản là người dân đến vui chơi, giải trí xả stress.

Người Nhật rất thích mặc trang phục võ sĩ, kimono truyền thống tham dự lễ hội. Từng tốp, từng tốp người trong gia đình, bạn bè ngồi dưới bóng hoa anh đào, thưởng thức những món ăn truyền thống như sushi, bento, uống rượu sake hay một loại rượu thường uống khi ngắm hoa được gọi là Hanamizake, ca hát, nhảy múa rất vui nhộn. Mỗi một làn gió thoảng qua, những cánh hoa anh đào mỏng manh rụng lả tả và bay khắp nơi như những cơn mưa hoa, thật lãng mạn. Trong khi uống rượu, nếu có cánh hoa rơi vào chén, mọi người thường hân hoan cho đó là điều may mắn.

Hoa anh đào không hẳn là loài hoa đẹp nhất. Khoảng tháng 5-6 hàng năm, trên đất nước Nhật Bản có loài hoa tử đằng (Fuji) cũng nở rộ thơm ngát, động lòng người. Nhưng vì sao chỉ có lễ hội hoa anh đào? Đó là vì hoa anh đào tượng trưng cho sức mạnh tinh thần, tập quán đoàn kết, bất khuất không đầu hàng nghịch cảnh của dân tộc Nhật Bản. Ngoài ra, theo truyền thuyết mỗi gốc cây anh đào đều có một vị thần linh trú ngụ, mang lại may mắn, hạnh phúc cho mọi người. Vì vậy, lễ hội hoa anh đào không chỉ là dịp vui chơi giải trí, mà còn chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc được trao truyền từ đời này sang đời khác.

Người dân  tổ chức vui chơi, ăn uống, nhảy múa dưới tán hoa anh đào.
Người dân tổ chức vui chơi, ăn uống, nhảy múa dưới tán hoa anh đào.

Thanh Thúy 

 

Tin xem nhiều