Báo Đồng Nai điện tử
En

Những cánh rừng bình yên

10:03, 24/03/2017

Hoàng hôn dần buông, những cánh rừng thuộc Trạm Kiểm lâm Bù Đăng (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) quản lý nhộn nhịp tiếng chim và muông thú. Bình minh lên, muông thú lại rủ nhau "hợp ca".

Hoàng hôn dần buông, những cánh rừng thuộc Trạm Kiểm lâm Bù Đăng (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) quản lý nhộn nhịp tiếng chim và muông thú. Bình minh lên, muông thú lại rủ nhau “hợp ca”. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Phan Ngọc Phương tự hào cho biết nhờ bảo tồn tốt nên các loài chim, khỉ, gà, bò tót, heo, nai… kéo về các cánh rừng do trạm quản lý trú ẩn, sinh sản ngày càng nhiều.

Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng kiểm tra cây rừng, động vật rừng.
Các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng kiểm tra cây rừng, động vật rừng.

Để vào được Trạm Kiểm lâm Bù Đăng phải vượt qua các cửa rừng: Suối Ràng, Suối Cốp, Đa Kiade với những con đường đất đỏ mù bụi, nhiều con dốc cao, thấp. Còn luồn lách theo đường rừng dành cho cán bộ kiểm lâm đi tuần thì người thường không thể và không được phép. Vì vậy, những cánh rừng do Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý hầu như không có dấu chân người lạ.

* Bầu bạn với rừng

Trạm Kiểm lâm Bù Đăng có 5 tiểu khu, diện tích rừng tự nhiên trên 45 ngàn hécta, với 7 kiểm lâm viên. Trạm được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn, cùng với sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng kiểm lâm các trạm: Suối Cốp, Suối Ràng, Đa Kiade. Tuy nhiên, vùng vành đai dài 11km dọc con suối Mã Đà (ranh giới giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước) thật sự là cánh cửa rộng để người dân xâm nhập vào những cánh rừng do trạm bảo vệ.

Trạm trưởng Phan Ngọc Phương cho biết với đặc thù rừng tự nhiên, không bị con người tác động, rừng do Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý là môi trường sống, sinh sản của nhiều loài thú lớn, như: voi, bò tót, nai và các loài thú nhỏ, như: heo, khỉ, dọc, chồn... Riêng chim, gà rừng các loại và ong rừng thì cứ vào rừng sẽ gặp chúng khắp nơi. Vì vậy, dù thiếu bóng dáng con người nhưng bước chân tuần rừng của kiểm lâm viên trong trạm sớm xóa tan mệt nhọc, cô đơn khi có muông thú bầu bạn.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Phan Ngọc Phương có 17 năm gắn bó với những cánh rừng già: Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh An.
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Phan Ngọc Phương có 17 năm gắn bó với những cánh rừng già: Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh An.

17 năm gắn bó với các cánh rừng già: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An, kiểm lâm viên Nguyễn Văn Sự vẫn mãi là “người lính độc thân, vui tính”.

Kiểm lâm viên Sự cho hay loài chích chòe lửa một thời được đưa vào sách đỏ, nay chúng hót réo rắt khắp nơi trên cây cao, bụi rậm. Khỉ, voọc, heo rừng, gà rừng… thì hồn nhiên quẩn quanh nơi trạm mà chẳng sợ người. Nhờ chúng mà anh Sự và đồng đội Nguyễn Hải Phong không cảm thấy cô đơn khi chưa tìm được người để thương nhớ.

Rừng ở Trạm Kiểm lâm Bù Đăng có nhiều dốc đứng, dốc cao làm lộ ra những khe suối, bàu cạn. Mùa mưa, các loài cá chọn nơi đây làm nơi trú ngụ, sinh sản. Mùa nắng, cá tìm đường về suối Mã Đà, ra sông lớn vẫy vùng trong lưới ngư dân. Chỉ có bước chân người kiểm lâm viên của trạm nặng trình trịch lúc tuần rừng để định vị cây to, sự di chuyển của các loài thú. “Dù quân số ít, hàng ngày trạm đều phân công lực lượng thành 2 tổ trực với mục tiêu đảm bảo trực 24/24 giờ trên khắp các cánh rừng. Mùa khô thì lực lượng trong trạm có thêm nhiệm vụ phòng chống cháy rừng, dọn dẹp các đường băng cản lửa” - Trạm phó Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Nguyễn Viết Thiện bộc bạch.

* Tình yêu rừng

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đăng Phan Ngọc Phương cho biết khu vực rừng Vĩnh An có địa hình đồi dốc và bị chia cắt bởi nhiều khe suối nên thật sự gây khó khăn cho việc thi công đường băng cản lửa và triển khai lực lượng chữa cháy khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, nhờ khu vực rừng này cách xa khu dân cư, không có dân sinh sống và các phương án phòng chống cháy rừng mùa khô được triển khai khoa học nên rừng, thú rừng thỏa sức reo vui trong suốt mùa nắng nóng.

Mùa khô đến, những cánh rừng do Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quản lý vẫn mát lạnh. Những con suối, bàu nước dành cho công tác phòng chống cháy rừng dù đậm đục màu phù sa đất đỏ bazan vẫn đủ nước uống cho muông thú và để xử lý tình huống cấp bách.

Trạm trưởng Phan Ngọc Phương tâm sự, ông được điều động từ Trạm Kiểm lâm Thủy sản về đây được 3 năm. Thời gian  qua, rừng ở đây luôn bình yên với mưa lũ, nắng hạn và sự tác động của con người. Vì không có trường hợp nào lén lút vào rừng để săn bẫy thú, khai thác lâm sản trái phép nên mọi người trong trạm rất tự hào.

Dân không vào rừng có nghĩa là tất cả đều thân thiện nhìn muông thú, gỗ quý và ngược lại. Thấu hiểu điều đó, Trạm Kiểm lâm Bù Đăng liên tục phối hợp với các lực lượng kiểm lâm bạn vượt suối Mã Đà sang tỉnh Bình Phước tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, thú rừng, phòng chống cháy rừng và tạo nhiều việc làm cho họ trong mùa phòng chống cháy rừng. “Mùa khô đến, người dân tỉnh Bình Phước vượt suối Mã Đà qua hỗ trợ anh em trong trạm phát dọn đường băng cản lửa, trực các điểm phòng chống cháy rất trách nhiệm và nhiệt tình” - Trạm phó Nguyễn Viết Thiện nói.

Chính vì thấu hiểu tình cảm của các cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng dành cho mình mà ông Bùi Trí Nhân và người em Bùi Hoàng Ân cứ mùa nắng đến lại gọi vợ con và những người thân tình vượt suối Mã Đà sang Trạm Kiểm lâm Bù Đăng nhận việc.

Ông Bùi Trí Nhân cho biết mỗi ngày trực điểm phòng chống cháy rừng được 180 ngàn đồng/người; còn phát đường băng cản lửa, thực bì thì công khoán mỗi người cũng được trên 200 ngàn đồng/ngày. Công việc đó không quá vất vả với người chuyên làm nông nghiệp như ông.

Bữa cơm trưa ở Trạm Kiểm lâm Bù Đăng đạm bạc, nhưng thật sự làm ấm lòng những người bên kia suối Mã Đà và từ xã Phú Lý vào. Nồi cơm bốc khói giữa nắng trưa giúp những người làm rừng sớm lấy lại sức để tiếp tục phần việc buổi chiều.

Ông Bùi Hoàng Ân tâm sự, được các cán bộ, nhân viên trong Trạm Kiểm lâm Bù Đăng quý mến, tin tưởng, ông và mọi người cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với trạm trong việc bảo vệ rừng và thú rừng.

Có thêm người trò chuyện, bước chân tuần rừng của các kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Bù Đăng thoăn thoắt lướt trên lớp thực bì giòn tan bởi nắng tháng 3 khô khốc. Thêm một lần đi qua lối rừng quen thuộc, các kiểm lâm viên Nguyễn Văn Sự và Nguyễn Hải Phong vẫn không thấy mình cô đơn giữa rừng già. Bởi, trong suốt chuyến tuần rừng của mình, các anh thỉnh thoảng gặp được đồng nghiệp ở các trạm bạn đang tuần tra hoặc người dân đang canh lửa, phát đường băng. Còn trên đầu và trước mặt các anh, lúc nào cũng rộn ràng tiếng chim hót, khỉ đu cành trêu ghẹo. “Rừng nơi chúng mình canh giữ thật sự bình yên với nắng mưa và tình yêu thương của con người” - kiểm lâm viên Phong khẽ nói.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều