Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa cử của ông Sáu Em

10:02, 05/02/2017

Ước mơ về ngôi nhà của gia đình ông Út Em (quê tỉnh Bạc Liêu) sớm thành hiện thực khi được ông Đinh Long Huỳnh (còn gọi là Sáu Em, ngụ ấp 2, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) bán trả góp cho ngôi nhà họ đang thuê ở tại Bến Gỗ (xã An Hòa).

Ước mơ về ngôi nhà của gia đình ông Út Em (quê tỉnh Bạc Liêu) sớm thành hiện thực khi được ông Đinh Long Huỳnh (còn gọi là Sáu Em, ngụ ấp 2, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) bán trả góp cho ngôi nhà họ đang thuê ở tại Bến Gỗ (xã An Hòa).

Ông Đinh Long Huỳnh bên những giấy khen, bằng tri ân của các địa phương ghi nhận sự đóng góp của ông về công tác xã hội, từ thiện. Ảnh: Đ. Phú
Ông Đinh Long Huỳnh bên những giấy khen, bằng tri ân của các địa phương ghi nhận sự đóng góp của ông về công tác xã hội, từ thiện. Ảnh: Đ. Phú

Vốn là người nghĩa tình, ông Sáu Em không tính chi li với vợ chồng ông Út Em khi ngôi nhà có “sổ hồng” trị giá 500 triệu đồng của ông, vợ chồng ông Út Em mua chỉ trả trước 200 triệu đồng, số còn lại trả góp bằng với số tiền thuê nhà hàng tháng trước đó. “Tui thấy vợ chồng Út Em siêng năng làm ăn, thân thiện với người dân Bến Gỗ nên tui mới bán nhà thiếu” - ông Sáu Em nói.

Thoát cảnh hàn vi

Ngày lập gia đình với bà Dung, ông Sáu Em không có nổi “cục đất chọi chim”. Túp lều hạnh phúc của vợ chồng ông nằm trơ trọi trên cái gò đất cao, giữa khu ruộng trũng của một người bà con trong làng Bến Gỗ cho nương nhờ. Vùng đất Bến Gỗ năm 1985 toàn ruộng lúa, kênh rạch, ao hồ càng làm cho túp lều hạnh phúc của vợ chồng ông Sáu Em thêm lẻ loi giữa đồng.

Ông Sáu Em tâm sự, vợ chồng ông sống cảnh làm thuê làm mướn ngót 10 năm mới dành dụm được tiền tậu 1,5 hécta ruộng, cất được căn nhà lá. Từ ngày có ruộng để cày bừa, vợ chồng ông mới thoát được cảnh nông dân không có đất sản xuất.

Chị Út Em (trái) vui mừng vì gia đình được mua nhà trả góp nhà ông Sáu Em (phải).
Chị Út Em (trái) vui mừng vì gia đình được mua nhà trả góp nhà ông Sáu Em (phải).

Cuộc sống ổn định khi có ruộng đất ông Sáu Em lại may mắn trúng số 100 triệu đồng nên cười tít mắt. Khổ nỗi, ông Sáu Em chẳng biết tranh thủ cơ hội trời cho để làm giàu. 100 triệu đồng do trúng số mà có, ông dùng cất nhà, mua sắm vật dụng gia đình và làm từ thiện hết sạch. Tuy vậy, nhờ cái phước chia sẻ với người nghèo khi trúng số, ông được địa phương chọn là nông dân kiểu mẫu để đầu tư vốn trồng sen, nuôi vịt, cá, tôm.

Cơ duyên lại đến với ông Sáu Em khi mấy năm liên tiếp trúng mùa lúa, sen, cá, vịt, tôm và trở thành nông dân sản xuất giỏi của xã An Hòa. Nhờ đồng tiền kiếm được từ sức lao động, ông chuyển qua đầu tư quán nhậu đặc sản, mua thêm ruộng, ao để mở rộng sản xuất; đồng thời thuê thêm ruộng, ao của người dân trong vùng để đầu tư sản xuất. Dù làm ăn khá giả, ông vẫn không quên những tháng ngày khốn khó nên thường hay giúp đỡ những người khó khăn ở trong và ngoài xã An Hòa.

Năm 2006, trước sự đô thị hóa mạnh mẽ của xã An Hòa, ông Sáu Em chuyển hướng sang đầu tư bất động sản để bắt nhịp với thời đại. Cách làm của ông chẳng giống ai, khi đất ruộng được giá thì ông bán ruộng của gia đình và tìm mua ruộng, ao của nông dân khác với giá rẻ hơn rồi san lấp mặt bằng bán lại kiếm lời. Công việc mua ao, bán ruộng sớm giúp ông Sáu Em dư dả, nên ông mạnh dạn chuyển qua việc phân lô đất nền, xây nhà giá rẻ bán cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Ông Sáu Em cho biết, bán mỗi nền đất ông chỉ lời được 7-10 triệu đồng. Số tiền lời đó, ông dùng phần lớn vào việc làm từ thiện. Ngoài ra, ông Sáu Em để lại nền đất với giá gốc trước những lời tâm sự chân tình của các đôi vợ chồng trẻ mua đất xây nhà.

Không dám ăn, nhưng dám cho

Dù công việc kinh doanh bất động sản thuận lợi, vợ chồng ông Sáu Em vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4 cạnh cái vuông tôm. Ông vốn thích ăn chay, mặc quần tà lỏn tiếp khách nên rất dễ gần.

Ông Sáu Em cho biết ông không dám cất nhà lầu để ở vì phải để dành vốn kinh doanh và từ công việc kinh doanh đó ông mới có điều kiện giúp đỡ người khó khăn ít gạo, tiền và nơi ở giá rẻ. Vì vậy, dân trong xóm trêu đùa rằng, vợ chồng ông ăn không dám ăn nhưng lại dám cho người khác nên chẳng giống ai.

Kiểu đem của cho người khác ở ông Sáu Em cũng khác người. Bán được lô đất có lời là ông mua ít gạo, mì tôm để trong nhà, chờ những người nghèo tìm đến thì cho. Người đến mua đất than nghèo kể khổ, ông mủi lòng bán hòa vốn hoặc cho trả góp mỗi tháng vài triệu đồng mà không tính lãi. Do khách hàng phần lớn là công nhân, lao động thu nhập thấp nên ông Sáu Em vô tình hình thành nên xóm công nhân, lao động thu nhập thấp tại làng Bến Gỗ sau 10 năm làm nghề kinh doanh nhà ở.

Sau khi lo xong thủ tục chuyển nhượng đất, nhà cho người mua xong, ông Sáu Em còn liên hệ với chính quyền địa phương lo việc nhập hộ khẩu, đăng ký tạm trú và chuyện học hành cho mấy đứa nhỏ khi người mua nhờ. Vì lẽ đó, người có tiền tìm đến ông mua đất chỉ vài câu xã giao là bỏ đi, còn người thu nhập thấp đã đến thì ít khi về tay không, cứ nài nỉ ông bán cho lô đất rẻ để cất nhà ở, dù trong tay họ chỉ có số tiền khoảng 1/3 giá trị đất.

Nhờ vậy, mà gia đình các ông: Út Em (quê tỉnh Bạc Liêu), Tư Khá (quê tỉnh Trà Vinh), Ba Hải (ngụ huyện Long Thành)… và trên 10 hộ khác, dù không đủ tiền vẫn có thể mua được căn nhà giá vài trăm triệu đồng của ông Sáu Em để ở. Ông Sáu Em cũng thông cảm cho cái sự tính toán khôn ngoan của họ là tiền trả góp hàng tháng như vậy sẽ bằng với tiền thuê nhà trọ để ở. Cứ chịu khó tích góp trả nợ cho ông vài năm thì họ có nhà, đất với đầy đủ “giấy hồng, giấy đỏ”.

Ông Sáu Em biết bán buôn như vậy không có lời, bị chôn vốn, nhưng lòng ông vẫn vui vì ông nghĩ tiền lời từ việc kinh doanh sớm muộn gì ông cũng đem làm từ thiện; việc bán nhà, đất trả góp cho công nhân, người lao động nghèo cũng là việc làm công đức.

Thêm một mùa xuân nữa lại về, gia đình ông Út Em có ngôi nhà của riêng mình để tiếp đón bạn bè đến thăm.

Ông Út Em cho biết, nghe những người công nhân trong công ty rỉ tai nhau chuyện ông Sáu Em bán nhà, bán đất giá rẻ nên ông tìm đến. Được ông Sáu Em đồng ý bán nhà, đất có sổ hồng mà chỉ trả trước một nửa số tiền, ông mừng lắm. Vì vậy, ông lập tức về quê bán khu đất được 200 triệu đồng để giao cho ông Sáu Em. Dù còn thiếu hơn một nửa số tiền như giao ước, nhưng ông Sáu Em vẫn sang tên nhà, đất cho ông Út Em.

Cái sổ ghi chép việc bán nhà, đất trả góp của ông Sáu Em chi chít dấu tích các ông: Út Em, Tư Khá, Ba Hải… trả góp tiền mua nhà, đất mỗi tháng từ 2-5 triệu đồng. Ông Sáu Em cười khà khà rồi sảng khoái nói: “Nhà ở xã hội người ta bán giá cao quá, làm sao người nghèo, công nhân, người lao động có thu nhập thấp mua nổi. Kiểu làm của tui dù không được nhiều, nhưng người thu nhập thấp quyết chí mua là được. Điều quan trọng là đôi bên phải biết giữ chữ tín cho nhau, mục đích mua nhà để ở, chứ đừng mua đi bán lại kiếm lời là được”.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều