Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nông dân vì cộng đồng

10:02, 03/02/2017

Hàng chục năm trước, những con đường đi vào các ấp ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) chỉ là đường đất xuyên qua những ngọn đồi, vườn rẫy vốn nắng bụi, mưa lầy.

Hàng chục năm trước, những con đường đi vào các ấp ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) chỉ là đường đất xuyên qua những ngọn đồi, vườn rẫy vốn nắng bụi, mưa lầy. Vài năm gần đây, nhiều nông dân ở xã đã tích cực hiến đất mở rộng đường, khiêng đá, đổ đất san đường… để khoác lên “tấm áo” bê tông cứng cáp cho những con đường, giúp đời sống người dân ngày một đi lên.

Xe ủi đất làm việc ráo riết để có con đường bằng phẳng.
Xe ủi đất làm việc ráo riết để có con đường bằng phẳng.

Nắng trưa gay gắt phả hơi nóng ngột ngạt vào mặt những người đàn ông đang theo dõi tiến độ làm đường ở tổ 6, ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung. Chiếc xe tải kéo theo xe ủi gồng hết sức để đưa xe ủi vào đúng vị trí, nhưng do đường dốc, mặt đất ẩm ướt sau cơn mưa chiều qua nên đã nhiều lần xe tải suýt bị lật, khiến mọi người xung quanh hốt hoảng.

Mỗi nhà một ít, ai cũng có lợi

Ông Vũ Viết Châu, người đã hiến trên 3 ngàn m2 đất làm nhiều con đường trong xã, hốt một nắm đất lên rồi nói: “Đất ở đây trồng cây rất tốt, nhưng địa hình đồi dốc nên việc đi lại khó khăn lắm. Mùa khô đỡ lầy nhưng bụi bặm, còn mùa mưa thì lầy lội, xe càng lớn, càng nặng thì càng khó đi lại. May mắn là đất ở đây được cây cối bám rễ chắc nên không bị trôi, trượt lúc mưa lớn. Người lớn thì đau đầu chuyện vận chuyển nông sản từ trong rẫy ra ngoài bán, mấy đứa nhỏ đang đi học tới trường thì hay bị lấm lem quần áo…”.

Được hình thành từ năm 1960 đến nay, đường tổ 6 nhỏ (bề ngang chỉ hơn 2m), gồ ghề, các mô đất đá lởm chởm nhô ra nên việc đi lại khó khăn, mọi người phải len vào các kẽ nhỏ để đi. Cộng thêm việc một số phương tiện như xe công nông, xe tải nhỏ đi lại nhiều, lâu dần tạo thành các rãnh sâu ở 2 bên và phần “sống lưng” con đường nhô cao ở giữa, khiến việc đi lại ngày một khó khăn.

Ông Vũ Viết Châu trên con đường tổ 6, ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung  đang được nâng cấp.
Ông Vũ Viết Châu trên con đường tổ 6, ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung đang được nâng cấp.

“Việc vận chuyển nông sản khó khăn lắm, xe công nông đi vào, đi ra rất dễ bị lật. Chưa kể, khi có xe chở nông sản đi trên đường, các phương tiện khác phải nép vào một bên vì đường hẹp. Do đó, các hộ dân sống ở đây đã bàn nhau hiến đất, góp tiền để cùng với địa phương nâng cấp con đường cũ. Đường tổ 6 mới có chiều dài trục chính 1,2km, tính luôn các nhánh phụ nữa là tầm 1,5km; mặt đường sẽ được đổ bê tông dày 18cm, rộng 4-6m tùy đoạn (đường cũ chỉ rộng 2,5m). Chỉ với những số liệu đó thôi đã khiến mọi người ở đây thấy vui vì đường mới sẽ rộng hơn, đi lại thuận tiện hơn, tạo đà nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Vũ Ngọc Chất, người hiến 150m2 đất và góp hơn 30 triệu đồng để làm đường, cho hay.

“Hiến đất cũng là giúp cho đời sau…”

Ông Trần Văn Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thống Nhất, cho hay đa số người dân ở huyện Thống Nhất làm nông và ngay từ khi thành lập huyện (năm 2004), người nông dân đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của huyện Thống Nhất. Bằng những hành động hết sức cụ thể, như: hiến đất làm đường giao thông nông thôn, người nông dân đã tự tay gây dựng nền tảng giúp đời sống của chính họ ngày một đi lên. Đường tốt, xe đi lại nhiều, việc vận chuyển nông sản dễ dàng hơn…, sống bà con nông dân tốt hơn từng ngày.

Trong khu vực có con đường tổ 6, ấp Nguyễn Huệ 2 đi qua hiện có hơn 35 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề trồng chuối, bơ… và gần như toàn bộ người dân ở đây đều hiến đất, góp tiền làm đường. Một số người lúc đầu không đồng tình, nhưng sau này thấy được lợi ích của con đường sạch đẹp nên cũng hiến đất, góp công sức chung tay cải tạo con đường. Nhờ đó, các hộ dân sống ở đây sẽ có điều kiện đi lại thuận tiện hơn, các xe cơ giới vào thu mua nông sản sẽ dễ dàng hơn. Quan trọng nhất là mùa khô đường không còn bụi vào mùa nắng và mùa mưa sẽ hết lầy lội, học sinh đi học sẽ an toàn hơn, nhanh hơn.

Con đường mới này được dân trong tổ góp tay xây dựng từ tháng 9-2016; người thì chặt bớt cây bụi ven đường, người khiêng đá, dọn cỏ… Hầu như ngày nào máy ủi, máy cuốc làm việc là có những thanh niên trong tổ túc trực phụ khuân đá, vận chuyển những khối đá lớn để mặt đường bằng phẳng hơn.

Ông Nguyễn Đình Thân, nông dân ở tổ 6, cho biết hầu như chủ đề bàn tán của người dân nơi đây trong suốt thời gian qua là về con đường này. Đoạn đường nào được cán phẳng là y như rằng có một vài người lấy xe máy ra chạy thử và nói rằng mong con đường hoàn thành sớm vì đường rộng chạy xe thoải mái hơn.

“Khi được vận động hiến đất, tôi cũng thấy tiếc của vì đất đai bây giờ rất có giá, nhất là với người làm nông. Nhưng khi nghĩ đến tương lai, tôi lại thấy rất lợi. Này nhé, con cái đi học thuận lợi, đêm hôm có đau bệnh thì xe cấp cứu vào được tận nhà, nếu lấy xe máy đưa ra bệnh viện thì cũng an toàn hơn. Tôi nghĩ, nếu ai cũng sống với nhau bằng tình yêu mến với nhau, vì lợi ích của cộng đồng thì sẽ bỏ qua những lợi ích trước mắt của cá nhân để hướng đến lợi ích lâu dài của cộng đồng” - ông Thân bộc bạch.

Theo dự kiến của người dân tổ 6, ấp Nguyễn Huệ 2, con đường sẽ hoàn thành vào cuối tháng 2-2017 nên ngay từ giờ này, nhiều hộ dân đã có ý định mở rộng sản xuất.

Anh Vũ Sơn Lâm chia sẻ: “Ở đây có nhiều hộ trồng bơ, gia đình tôi cũng sẽ mở rộng thêm diện tích trồng bơ nếu con đường xong sớm. Con đường này là ước mơ bao đời của người dân ở đây, chúng tôi gắn bó với mảnh đất này nên luôn mong muốn có con đường khang trang để đi lại. Do đường dài mà số hộ dân không nhiều nên việc vận động hiến đất rất khó. Nhưng giờ đây, chính chúng tôi đã tự tay hoàn thành giấc mơ của mình, chỉ cần có người đứng ra vận động, thống nhất ý kiến lại thì người dân sẽ làm được tất cả”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều