Báo Đồng Nai điện tử
En

Vui buồn với hom tràm

10:06, 06/06/2014

Để cắt 100 bó hom tràm (1 bó/100 hom) với tiền công 220 ngàn đồng, chị Hai Đẹp (ngụ KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) phải làm việc từ lúc 6 giờ sáng đến khi mặt trời sụp bóng. Dù lao động vất vả, chị Hai Đẹp vẫn gắn bó với các chủ vườn ươm tràm để mưu sinh.

Để cắt 100 bó hom tràm (1 bó/100 hom) với tiền công 220 ngàn đồng, chị Hai Đẹp (ngụ KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) phải làm việc từ lúc 6 giờ sáng đến khi mặt trời sụp bóng. Dù lao động vất vả, chị Hai Đẹp vẫn gắn bó với các chủ vườn ươm tràm để mưu sinh. “Nhờ người ta lập vườn ươm tràm lấy hom giống mà tụi tui có công ăn việc làm. Nay các chủ vườn than lỗ dữ quá, tụi tui cũng lo lắng theo vì sợ mất việc”- chị Hai Đẹp tâm sự.

* Niềm vui có việc

Hôm nay là ngày thứ hai chị Hai Đẹp cắt hom tràm thuê cho chủ vườn Bảy Nghiệp (KP.4, thị trấn Vĩnh An). Chị Hai Đẹp cho biết, do vườn tràm lấy hom của ông Bảy Nghiệp khá rộng nên chị và những người làm thuê khác có việc làm suốt tuần. Hết việc ở vườn ông Bảy Nghiệp, chị lại sang vườn khác làm thuê. Hiện chị Hai Đẹp là “mối ruột” của 5 chủ vườn tràm, nên không bị thất nghiệp. “Chu kỳ thu hoạch hom tràm là 15 ngày. Vườn này thu hoạch xong, tui đến vườn khác làm công và chờ 15 ngày sau thì quay lại làm cho chủ cũ. Công việc tuy nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi phải chăm chỉ, lẹ tay và chịu đựng được mưa nắng” - chị Hai Đẹp tỏ bày.

Người thu hoạch hom tràm vui vì có việc làm, còn chủ vườn khổ tâm vì lỡ chạy theo phong trào trồng tràm bán hom giống.
Người thu hoạch hom tràm vui vì có việc làm, còn chủ vườn khổ tâm vì lỡ chạy theo phong trào trồng tràm bán hom giống.

Vốn vui tính, chị Hai Đẹp luôn miệng pha trò với nhóm bạn làm thuê để quên đi cái nắng chói chang trên đầu. Dù vậy, thành quả lao động trong ngày của chị vẫn luôn đứng đầu so với các chị em trong nhóm. “Hôm nào khỏe thì tui ráng cắt cho đạt 100 bó mới về. Bữa nào người mệt mỏi cũng ráng làm được 70 bó. Làm công việc này chỉ cần nhanh tay chứ không cần nhanh miệng, nhưng vừa làm vừa pha trò tui vẫn thấy vui hơn là im ỉm cái miệng suốt ngày” - chị Hai Đẹp thẳng ruột nói.

Tuy không xinh đẹp như cái tên của mình, nhưng chị Hai Đẹp được ông trời phú cho sức khỏe dẻo dai, tâm hồn vô tư khi một mình nuôi 2 con nhỏ mà không có chồng cạnh bên. “Tui sống đơn thân, vậy mà tui vẫn sướng hơn lúc sống với ông chồng say xỉn, làm biếng. Nói vậy thôi, chứ lúc nào tui cũng ước mơ mình đẹp như cái tên để lấy được chồng giàu, không phải xa con, xa quê lên đây làm mướn nữa” - chị Hai Đẹp nửa đùa, nửa thật tâm sự.

* Khi hom tràm rớt giá

Không vui như người làm thuê, các chủ vườn trồng tràm bán hom giống tại xã Mã Đà, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu)… lại buồn rười rượi khi hom tràm rớt giá, cung vượt cầu.

Vốn là dân thu hoạch hom thuê cho các chủ vườn, anh Lê Yên (KP.4, thị trấn Vĩnh An) táo bạo thuê 5 sào đất của một hộ dân địa phương với giá 3 triệu đồng/sào/năm để trồng tràm bán hom với mong muốn được đổi đời. Nay hom tràm rớt giá thê thảm, anh Yên huy động vợ con ra thu hoạch mong vớt vát được phần nào vốn đầu tư.

Công việc thu hoạch hom đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Công việc thu hoạch hom đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Anh Yên cho biết, năm 2010 phong trào lập vườn tràm giống bán hom cho các vườn ươm trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom lãi hơn trồng mì, trồng mía. Vì vậy, anh bàn với vợ vay vốn, thuê đất trồng 5 sào tràm giống lấy hom để sớm thoát cảnh làm thuê. Giá hom tràm lúc đó dao động từ 8-9 ngàn đồng/bó 100 hom. Cứ 15 ngày, anh thuê nhân công thu hoạch một lần. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh bỏ túi được 5 triệu đồng/5 sào. “Vốn đầu tư chỉ 10 triệu đồng/sào và một tháng sau là có thu hoạch. Các tháng tiếp theo thì năng suất và lãi tăng lên gấp đôi, gấp ba. Vì vậy, nông dân ở đây đổ xô nhau trồng tràm bán hom cho các chủ vườn ươm giống trong và ngoài huyện. Nhưng dần dà, do cung vượt cầu nên các chủ vườn hom giống giờ đang sống dở chết dở” - anh Yên nói.

Nông dân Lê Tám (ngụ ấp 1, xã Mã Đà) cho hay, diện tích trồng tràm lấy hom tăng nhanh đã kéo theo nhu cầu nhân công thu hoạch hom khan hiếm. Để giữ chân người làm thuê, dù giá hom giống đang xuống dốc, chủ vườn vẫn phải vay mượn để thanh toán tiền công. Riêng tiền bán hom giống thì vẫn bấm bụng cho người thu gom nợ nhiều tháng liền. Nếu họ không mua, người trồng hom giống chỉ còn biết phá vườn, chuyển sang trồng cây khác để giảm thiệt hại.

Còn anh Hồ Thái H. (ngụ ấp 1, xã Mã Đà) thì buồn rầu ca thán, do thấy người ta trồng tràm lấy hom lãi cao nên anh bắt chước chuyển 1 hécta đất trồng mì sang trồng hom tràm. Bỏ ra gần 50 triệu đồng khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới, phân, giống…, rồi chạy đôn chạy đáo tìm nhân công mỗi khi thu hoạch hom đã làm anh Hậu sụt mất 3 ký. “Năm đầu lãi nhiều nên tui tham lam nâng diện tích vườm ươm lên 2 hécta. Chưa được bao lâu thì hom giống mất giá, tiêu thụ khó. Gay nhất là việc họ ngâm vốn của mình suốt một năm, sau đó thì trốn biệt, để tui phải ôm nợ cả trăm triệu đồng” - anh H. nói như mếu.

KP.4, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) có gần 200 hộ làm vườn tràm bán hom. Do trồng tự phát nên khi hom tràm mất giá, tiêu thụ khó, nông dân chỉ biết cầu trời và bỏ công sức ra thu hoạch để giảm thua lỗ.

Nông dân Đỗ Văn Hạnh phân tích, giá hom tràm hiện ở mức 3,5 ngàn đồng/bó, nhưng chủ vườn phải trả công thu hoạch mất 2,2 ngàn đồng/bó. Số tiền 1,3 ngàn đồng/bó còn dôi ra hiện chỉ tạm đủ bù đắp chi phí tiền điện tưới tiêu, phân bón. “Giá thấp chúng tôi không lo bằng việc những người thu gom hom giống ngâm vốn của mình vài ba tháng, hoặc xù nợ, trong khi tiền nhân công mình phải trả ngay trong ngày thì họ mới chịu làm. Cứ cái đà này người trồng tràm bán hom như chúng tôi chỉ còn cách phá vườn, chuyển đổi cây trồng khác để tránh lỗ, tránh nợ” - nông dân Hạnh bộc bạch.

Mặc cho các chủ vườn hom tràm than thở, chị Hai Đẹp và các bạn làm công vẫn hồn nhiên vui đùa trong lúc lao động. Mọi người càng cố nhấp kéo cắt hom để thu về tiền công lao động trong ngày càng nhiều thì chủ vườm hom càng méo mặt khi cuối ngày cộng sổ trả tiền công. “Phá vườn thì tiếc của, nhưng cố cầm cự lại càng lỗ thêm. Thôi thì tụi tui ráng tạo công ăn việc làm cho người lao động được ngày nào hay ngày đó. Dù sao trước kia tụi tui cũng ăn đậm rồi, nay chịu lỗ một tí cũng ráng chịu đựng” - nông dân Lê Tý (KP.4, thị trấn Vĩnh An) tự an ủi lòng và động viên người làm công.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều