Báo Đồng Nai điện tử
En

Những xạ thủ của núi rừng

12:06, 07/06/2014

"Người Chơro chúng tôi xưa kia có tập quán dùng nỏ đi rừng săn bắn, được truyền từ đời này qua đời khác. Giờ tuy không còn phải đi săn kiếm miếng ăn nữa nhưng với thế hệ trẻ bây giờ, việc học bắn nỏ là một cách vừa để duy trì nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, vừa là cách mà chúng tôi nối liền quá khứ với hiện tại, gắn kết thế hệ trước với thế hệ sau…"

“Người Chơro chúng tôi xưa kia có tập quán dùng nỏ đi rừng săn bắn, được truyền từ đời này qua đời khác. Giờ tuy không còn phải đi săn kiếm miếng ăn nữa nhưng với thế hệ trẻ bây giờ, việc học bắn nỏ là một cách vừa để duy trì nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, vừa là cách mà chúng tôi nối liền quá khứ với hiện tại, gắn kết thế hệ trước với thế hệ sau…” - anh Điểu Duy Thà (23 tuổi, ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) tâm sự với chúng tôi trong lúc đợi mọi người trong đội bắn nỏ của huyện Thống Nhất đến luyện tập.

Anh Điểu Duy Bình tập tư thế quỳ bắn.
Anh Điểu Duy Bình tập tư thế quỳ bắn.

* Bước chân thợ săn

Đội bắn nỏ của người Chơro ở huyện Thống Nhất có số lượng thành viên khoảng từ 6-8 người, ngoài ra còn một số người trẻ tuổi nằm trong thành phần dự bị. Ông Điểu Chung (56 tuổi, ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, đội trưởng đội bắn nỏ), cho biết thường thì một người ở độ tuổi từ 13-16 là đã có thể huấn luyện cách sử dụng nỏ được rồi, nhưng hiện nay người ở độ tuổi này phần lớn phải tập trung vào việc học nên không thể tập đều được. Hơn nữa, để kéo được sợi dây nỏ căng cứng phải đòi hỏi có sức khỏe và độ bền, đa phần thiếu niên hiện nay không có được những tố chất đó.

“Nỏ của người Chơro được cầm bằng hai tay, một tay giữ chắc phần đuôi bằng cách sử dụng ngón tay trỏ và ngón tay cái, tay còn lại vừa dùng để đỡ phần thân nỏ bằng ngón trỏ vừa dùng để kéo lẫy bằng ngón tay giữa. Với người thuận tay phải thì tay phải sẽ là tay cầm đuôi nỏ, còn tay trái sẽ dùng kéo lẫy, vì vậy so với nhiều loại nỏ khác, nỏ của người Chơro khó sử dụng hơn” - anh Điểu Duy Bình cho biết.

Buổi tập hôm nay ngoài ông Chung còn có 2 người nằm trong thành phần dự bị của đội là anh Điểu Duy Thà và Điểu Duy Bình (32 tuổi). Trước khi buổi tập bắt đầu, ông Chung yêu cầu anh Bình biểu diễn những động tác của một thợ săn khi tiếp cận mục tiêu để chúng tôi hiểu rõ hơn cách người xưa đi săn thú là như thế nào. Treo tấm bia lên cành cây ở vườn tràm cách bãi tập không xa, anh Bình bắt đầu bước từng bước nhẹ nhàng tiếp cận mục tiêu, đôi mắt không rời khỏi tấm bia trong khi hai tay nhanh nhẹn kéo căng dây và lắp tên vào nỏ. Còn cách bia khoảng 10m, anh Bình chậm rãi quỳ xuống, đưa nỏ ngang tầm mắt rồi bắn, mũi tên trượt mục tiêu rồi găm vào thân cây. Nhanh như cắt, anh Bình liền kéo dây và nạp tên một lần nữa, lần này anh ngắm lâu hơn và mũi tên cũng đã đi vào vạch 9 điểm trên bia.

Ông Điểu Chung (bên phải) hướng dẫn cách sử dụng nỏ cho anh Điểu Duy Bình (bên trái) và Điểu Duy Thà (ở giữa).
Ông Điểu Chung (bên phải) hướng dẫn cách sử dụng nỏ cho anh Điểu Duy Bình (bên trái) và Điểu Duy Thà (ở giữa).

Ông Chung cầm lấy cây nỏ từ tay anh Bình rồi giải thích cho chúng tôi: “Ngày xưa chúng tôi đi săn phải đi chân đất, dù có hơi nguy hiểm nhưng bước chân rất êm, không bị con mồi phát hiện. Vừa rồi Bình đã để nỏ cướp cò, mũi tên không những không trúng mục tiêu mà còn có nguy cơ khiến mục tiêu phát giác và bỏ chạy nếu như vừa rồi là một cuộc đi săn thật. Tầm sát thương của loại nỏ này nằm trong khoảng từ 20-25m nên yếu tố quan trọng nhất chính là không để bị phát hiện, rồi nhanh chóng bắn hạ con mồi trong mũi tên đầu tiên. Con mồi của thợ săn người Chơro phần nhiều là những con thú nhỏ như sóc, chồn nên đòi hỏi sự chính xác rất cao” - ông Chung vừa đưa chúng tôi về lại bãi tập bắn vừa bộc bạch.

* Khó bắn hơn súng rất nhiều

Tại bãi tập bắn, tâm bia tiêu chuẩn của hội thi bắn nỏ các dân tộc được đặt cách vị trí bắn 20m, anh Thà cho biết mỗi người sẽ được bắn 7 mũi tên, trong đó 2 mũi bắn thử và 5 mũi tính điểm. Anh nói thêm, anh từng thực hiện nghĩa vụ quân sự nên có dịp so sánh độ khó và sự khác nhau khi sử dụng súng và nỏ. “Các loại súng như AK hay CKC đều có thước ngắm, “đầu ruồi”, báng súng giúp việc ngắm bắn dễ dàng hơn dù ở tư thế nào đi chăng nữa. Còn với nỏ thì việc bắn mũi tên có trúng đích hay không đều dựa vào trực giác hoặc kinh nghiệm lâu năm. Do không có thước ngắm hay bất kỳ thứ gì tương tự nên chúng tôi ngắm bằng cách so đuôi, đầu mũi tên trên một đường hướng đến tâm mục tiêu rồi điều hòa nhịp thở sao cho khi kéo lẫy sẽ chính xác hơn. Điều quan trọng là phải chú ý đến kết cấu thô sơ của nỏ, do đó rất dễ xảy ra tình trạng “cướp cò” nếu người bắn sơ sẩy trong lúc lắp tên vào nỏ. Tôi chỉ vừa biết sử dụng nỏ khoảng vài tháng nay nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng để nỏ “cướp cò”, cá nhân tôi thấy nỏ khó sử dụng hơn súng nhiều…”. Anh Điểu Duy Thà đưa cho chúng tôi cầm thử chiếc nỏ rồi giới thiệu từng bộ phận.

Anh Điểu Duy Thà tập tư thế đứng bắn .
Anh Điểu Duy Thà tập tư thế đứng bắn .

Trong lúc anh Thà tập bắn theo sự hướng dẫn của ông Chung, chúng tôi bắt chuyện với anh Bình và được anh kể lại, lần đầu tiên anh học sử dụng nỏ là cách đây 15 năm trong những lần được những người lớn trong họ đưa đi bắn sóc, bắn chồn ở con suối gần nhà. Người Chơro không có kích thước tiêu chuẩn nào cho cây nỏ, chỉ cần phù hợp với người bắn, vóc người nhỏ sử dụng nỏ ngắn, người cao lớn thì dùng nỏ dài hơn. Mũi tên cũng vậy, dài hay ngắn cũng không quan trọng, miễn là vừa tầm với cây nỏ và phải đảm bảo thẳng, đuôi tên không bị lệch là được.

Giờ tuy không còn đi săn nữa nhưng những kỹ năng về săn bắn vẫn được thế hệ đi trước truyền lại cho lớp người đi sau. Nỏ hiện nay được dùng trong những lần hội thao, hội thi giữa các dân tộc hoặc dùng trang trí. Riêng với những người Chơro lớn tuổi, cây nỏ là phần “hồn” của dân tộc còn được lưu lại trong mỗi người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ.

“Người mới cầm nỏ lần đầu sẽ rất ngượng nghịu, do mải chú ý đến phần tay kéo lẫy mà quên cầm chặt đuôi nỏ. Khi bắn, sợi dây căng cứng bung hết sức sẽ giật rất mạnh, nếu không cầm chặt thì nỏ sẽ bị rơi dẫn tới ảnh hưởng kết quả bắn lần sau. Nếu thay đổi thiết kế của nỏ để cầm cho chắc hơn thì lại thành ra thứ đồ lai tạp, không phải nỏ truyền thống của chúng tôi. Ngay trong khi thi, ban tổ chức cũng không chấp nhận chuyện thay đổi thiết kế khác với hình dáng truyền trống của mỗi dân tộc” - ông Chung vừa chỉnh lại cách ngắm cho anh Thà, vừa giải thích cho tôi hiểu cách cầm nỏ của người Chơro.

Ông Chung kể đối với người Chơro, cây nỏ để đi săn giống như cánh tay phải của họ, người Chơro không xài cung là do tính linh hoạt và độ chính xác của nỏ cao hơn. Nỏ có thể vừa di chuyển vừa kéo dây, nạp tên, và đặc biệt là mũi tên của nỏ chỉ dài khoảng 30cm nên không bị vướng khi di chuyển trong rừng. Khi đưa lên ngắm bắn, người dùng nỏ chỉ phải nhẹ nhàng kéo lẫy, còn với cung tên thì phải dùng sức giữ sợi dây căng nên dễ bắn trượt hơn. “Thời xưa mỗi thanh niên đều phải biết dùng nỏ đi săn, con mồi họ đem về giống như một bằng chứng thể hiện sức mạnh, sự khéo léo. Bây giờ nỏ chỉ còn dùng để đi thi, những gì người xạ thủ đem về là tấm huy chương. Điều đó không những đem lại tự hào cho bản thân, gia đình mà còn là niềm tự hào của dân tộc khi bản sắc văn hóa được các thế hệ sau gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay” - ông Điểu Chung đưa tôi chiếc nỏ để bắn thử trong khi trút bầu tâm sự của một người đang cố gắng truyền lại cho thế hệ sau những giá trị truyền thống để không nhạt phai theo năm tháng.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều