Báo Đồng Nai điện tử
En

Án hành chính còn tồn đọng nhiều

09:05, 15/05/2018

Tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây về việc thực hiện pháp luật tố tụng hành chính ở TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch cho thấy vẫn còn xảy ra tình trạng một số vụ án hành chính tồn đọng kéo dài.

Tại buổi giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh mới đây về việc thực hiện pháp luật tố tụng hành chính ở TP.Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch cho thấy vẫn còn xảy ra tình trạng một số vụ án hành chính tồn đọng kéo dài.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm với UBND TP.Biên Hòa về thực hiện pháp luật tố tụng hành chính.
Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm với UBND TP.Biên Hòa về thực hiện pháp luật tố tụng hành chính.

Đa số các vụ án hành chính chậm được giải quyết hiện nay đều liên quan đến vấn đề đất đai như: việc tranh chấp, khiếu nại về hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... Người bị kiện trong các vụ án hành chính này đều là UBND các cấp.

* Nguyên nhân án tồn đọng

Tại huyện Nhơn Trạch, ngoài việc tham gia tố tụng trong 25 vụ án hành chính mới thì UBND huyện còn phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị kiện trong 18 vụ, việc khác. Đến nay, nhiều vụ, việc hành chính ở địa phương đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Ông Trần Văn Quang, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện pháp luật tố tụng hành chính, đã yêu cầu các ngành liên quan phải tích cực phối hợp với các địa phương trong việc sớm giải quyết các vụ án hành chính, tránh tình trạng “ngâm” lâu, gây khó khăn trong quá trình xử lý; thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc UBND huyện Nhơn Trạch chưa cử được cán bộ tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện nên thời gian qua, UBND huyện đều vắng mặt tại các buổi làm việc, phiên tòa theo triệu tập của tòa án.

Ông Mai Văn Sinh, Trưởng phòng Kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và phá sản doanh nghiệp (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), cho rằng việc xin xét xử vắng mặt không trái quy định pháp luật, nhưng đã gây khó khăn cho công tác giải quyết án do không làm rõ được các nội dung liên quan đến việc khởi kiện, không đối thoại để thỏa thuận được và trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện cũng phải được sự đồng ý của người bị kiện…

Không chỉ huyện Nhơn Trạch mà TP.Biên Hòa cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ án hành chính cao chưa được giải quyết. Trong tổng số 82 vụ mà UBND thành phố là bên bị kiện, đến nay chỉ có 18 án có hiệu lực pháp luật (bao gồm cả án sơ thẩm, phúc thẩm và án đang bị kháng cáo). Nguyên nhân giải quyết chậm trễ được cho là việc đi thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan để phục vụ giải quyết án tại tòa còn gặp nhiều khó khăn.

* Gỡ vướng từ đâu?

Tại buổi giám sát, nhiều ý kiến cho rằng, hồ sơ quản lý của các cơ quan chức năng (sổ địa chính, bản đồ địa chính…) lưu trữ không đầy đủ hoặc còn thiếu nên khi phát sinh khiếu nại, tố cáo không đủ tài liệu để xem xét, kết luận giải quyết… điều này làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các vụ án hành chính.

Bên cạnh đó, các hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đều do 2 đơn vị là Trung tâm phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai thuộc Sở Tài nguyên - môi trường quản lý nên khi tòa án yêu cầu UBND cấp huyện cung cấp nhằm phục vụ giải quyết án thì địa phương kêu khó.

Liên quan đến vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho rằng: “Nên chuyển văn phòng đăng ký đất đai cho cấp huyện quản lý, để khi tòa án yêu cầu cung cấp chứng cứ thì địa phương mới nhanh chóng thực hiện. Chỉ có như vậy mới sớm giải quyết được vấn đề, tránh để khiếu kiện kéo dài; có những vụ càng kéo dài thì Nhà nước càng gặp bất lợi do tăng tiền đền bù”.

Bà Trương Thị Mỹ Dung, Phó chánh Thanh tra tỉnh, phân tích giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định hành chính phải xuất phát từ địa phương; chỉ khi nào đối thoại, hòa giải không được thì mới khởi kiện ra tòa. Do đó, nếu địa phương chưa làm hết trách nhiệm, làm qua loa thì khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt.

“Để hạn chế khiếu kiện và sớm giải quyết nhanh các vụ án hành chính thì địa phương cần tăng cường và kiên trì trong đối thoại, hòa giải giữa 2 bên” - bà Dung nhấn mạnh.

Thanh Hải

Tin xem nhiều