Ngày 8-3, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại Chile. Đây là một sự kiện đang các doanh nghiệp Đồng Nai hết sức quan tâm...
Ngày 8-3, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước tham gia ký kết tại Chile. Với sự kiện này, vấn đề các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai mong mỏi nhất là thông tin về tỷ lệ nội địa hóa của hàng hóa xuất khẩu để được hưởng các ưu đãi về thuế.
Giày dép là ngành sẽ được hưởng lợi nhiều khi CPTPP có hiệu lực. Trong ảnh: Sản xuất giày dép xuất khẩu tại một công ty ở TP.Biên Hòa. |
Theo nhiều DN, nếu các quy định về xuất xứ hàng hóa của CPTPP không thay đổi nhiều so với TPP trước đây thì cơ hội cho ngành dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ... là khá lớn. Dự tính năm 2019, hiệp định có hiệu lực và nhiều dòng thuế xuất, nhập khẩu sẽ giảm về 0%.
CPTPP gồm 11 nước tham gia là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của hiệp định được đăng tải trên website của Bộ Công thương. |
* Nhiều ngành hưởng lợi lớn
Khi CPTPP có hiệu lực, dự kiến những lĩnh vực Việt Nam được hưởng lợi lớn là dệt may, giày dép, sản phẩm từ gỗ, điện tử... Đây cũng là những mặt hàng mũi nhọn trong xuất khẩu của Đồng Nai. Do đó, các DN có xuất khẩu đều rất quan tâm đến thị trường gần 500 triệu dân và có GDP chiếm trên 13% toàn cầu của các nước tham gia CPTPP.
Tại Đồng Nai, nhiều DN đã có sự chuẩn bị từ trước nên nếu CPTPP không có thay đổi nhiều so với TPP thì khi hiệp định có hiệu lực có thể tận dụng ngay những ưu đãi.
Ông Mai Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH giày dép Hưng Đạt ở xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom), cho hay: “Các DN rất trông đợi CPTPP sớm có hiệu lực để thuế giảm dần về 0%. Như vậy, giày dép xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng được sức cạnh tranh. DN cũng thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Hiện các DN đang tìm hiểu các thông tin về hiệp định thương mại này để có sự chuẩn bị trước nhằm điều chỉnh sản xuất cho phù hợp.
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (ảnh: tư liệu). |
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam ở khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Hàng hóa của công ty chủ yếu xuất khẩu sang Canada, Mexico, đây đều là các đối tác nằm trong CPTPP nên công ty rất mong hiệp định nhanh chóng đi đến thỏa thuận cuối cùng và có hiệu lực sớm. Công ty chuẩn bị trước bằng cách nhập nguyên liệu sản xuất từ những đối tác trong khối để khi hiệp định chính thức có thể hưởng được ngay ưu đãi về thuế”.
Hiện mỗi tháng công ty này xuất khẩu hơn 100 container trị giá 4-5 triệu USD, trong đó hơn 90% vào Mexico và Canada nên nếu thuế về 0%, DN giảm được khoản chi phí lớn.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ - thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, trong 6 thị trường chính xuất khẩu sản phẩm gỗ của DN trên địa bàn tỉnh thì có 3 thị trường nằm trong CPTPP là Australia, Nhật Bản và Canada. Đồng thời các DN cũng nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Chile, Malaysia, New Zealand.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) đã có khu chuyên sảng xuất công nghiệp hổ trợ để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu |
“CPTPP được ký kết đem lại cơ hội lớn cho ngành sản xuất gỗ. Với nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khối nên sản phẩm dễ dàng đáp ứng được tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Như vậy khi các dòng thuế về 0%, DN gỗ Đồng Nai tiếp cận ngay các ưu đãi và xuất khẩu vào các nước trong CPTPP sẽ tăng lên”- ông Bình nói.
* Nông nghiệp gặp khó khăn?
Theo các chuyên gia về kinh tế, khi CPTPP chính thức có hiệu lực ngành gặp khó khăn chính là nông nghiệp, nhất là chăn nuôi heo, gà và cây ăn trái. Những mặt hàng trên sẽ gặp cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà lẫn xuất khẩu sang những nước trong CPTPP.
Sẽ có hướng dẫn cụ thể Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho biết sở đang đợi những thông tin cụ thể chính thức từ Bộ Công thương sau đó sẽ tiến hành tập huấn cho các DN với từng lĩnh vực khác nhau để chủ động trong sản xuất và xuất khẩu. Hiện các DN đã khá chủ động nên tới đây CPTPP có hiệu lực sẽ đem lại nhiều thuận cho DN trong xuất khẩu hàng hóa. Đây đều là những thị trường lớn của Đồng Nai trong xuất khẩu sản phẩm và nhập nguyên liệu sản xuất nên khi thuế về 0% sẽ tăng sức cạnh tranh cho DN Việt Nam với các nước xuất khẩu cùng ngành hàng nhưng không tham gia CPTPP. |
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận định chăn nuôi sẽ là ngành phải đối mặt với khó khăn lớn nhất vì giá thành heo, gà của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước. Gần 2 năm nay, chăn nuôi heo của Đồng Nai đang trong cơn khủng hoảng thừa lại gặp thêm tác động này sẽ khiến khả năng cạnh tranh càng thấp.
“Theo tôi, có khả năng chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ phá sản chỉ còn lại chăn nuôi tập trung của các trang trại lớn, các DN nước ngoài và một số DN trong nước có đủ tiềm lực” - ông Đoán bày tỏ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh đánh giá: “Đồng Nai có một số loại cây trồng vật nuôi đang xếp nhất, nhì cả nước về diện tích và tổng đàn là chôm chôm, chuối, xoài, sầu riêng, heo, gà. Theo dự báo khi CPTPP có hiệu lực đây là lĩnh vực sẽ bị tổn thương nhiều nhất cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”.
Để khắc phục khó khăn, tỉnh đã đề xuất Trung ương giao trách nhiệm cho các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cập nhật kịp thời các thông tin về nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thịt heo, gà của các nước, những rào cản kỹ thuật... Từ đó ngành nông nghiệp sẽ có quy hoạch, hướng dẫn người dân sản xuất theo nhu cầu của từng thị trường để xuất khẩu.
Phải phát triển theo chuỗi Theo ông Châu Minh Nguyện, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai, trong thời gian tới DN rất cần những thông tin về CPTPP, vì thế tỉnh nên mời các chuyên gia có tham gia đàm phán về hiệp định này về Đồng Nai hướng dẫn cho các DN. Đồng thời, tỉnh làm cầu nối để các DN liên hệ được với các tham tán thương mại ở các nước để có trao đổi về các rào cản kỹ thuật, những tranh chấp có thể xảy ra trước khi ký hợp đồng xuất, nhập khẩu hàng hóa sẽ tránh được các rủi ro. |
* Cần thêm thông tin về CPTPP
Qua trao đổi với nhiều DN, hiệp hội hầu hết đều cho hay mới có thông tin ban đầu là CPTPP đã được ký kết, còn những thông tin liên quan như quy tắc xuất xứ hàng hóa cho từng ngành hàng chưa được đề cập đến.
Thực tế đây là việc các DN đang rất cần để có sự chuẩn bị tìm đối tác mua nguyên liệu, quy trình sản xuất nhằm đáp ứng được những rào cản kỹ thuật giúp sản phẩm vào được các thị trường trong khối
Theo ông Lê Đức Vinh, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), muốn được hưởng các ưu đãi về thuế thì DN phải đáp ứng được quy tắc về xuất xứ hàng hóa. Vì thế Nhà nước cần sớm công bố rộng rãi cho DN biết nhu cầu của từng thị trường.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (TP.Biên Hòa), cho hay: “DN muốn hưởng các ưu đãi phải đáp ứng được những yêu cầu về nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện nguyên liệu sản xuất của ngành dệt may chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là nước nằm ngoài CPTPP nên nếu DN không tìm nguyên liệu từ các nước trong khối sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế”. Vì thế các DN đang chờ đợi thông tin cụ thể từ CPTPP để có sự chuẩn bị.
Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương cho biết: “Hiệp định này ký kết mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của tỉnh chắc chắn sẽ tăng cao vì 10 nước trong CPTPP đang là đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn của Đồng Nai. Hiện các DN chờ đợi nhất là thông tin cụ thể về CPTPP. Phía Hội đã liên hệ với tỉnh, Bộ Công thương để khi có thông tin cụ thể sẽ tập huấn cho các DN”.
Hương Giang