Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính chuyện hội nhập trong khủng hoảng

10:05, 28/05/2017

"Giải cứu" heo là đề tài nóng suốt thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác thông tin, tuyên truyền có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy các nhóm giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi...

“Giải cứu” heo là đề tài nóng suốt thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công tác thông tin, tuyên truyền có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy các nhóm giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi trước mắt và lâu dài.

TS.Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm.
TS.Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, phát biểu tại buổi tọa đàm.

Làm sao để ngành chăn nuôi phát triển bền vững trong hội nhập cũng là nội dung chính của buổi tọa đàm “Ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập” do Hội Nông dân tỉnh và Câu lạc bộ phóng viên kinh tế Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức vào ngày 26-5.

* Cần tuyên truyền đúng

Theo Hội Nhà báo tỉnh, trong suốt quá trình giải cứu heo và nhiều mặt hàng nông sản khác, báo chí nói chung và báo chí Đồng Nai đã đóng vai trò chủ lực trong việc thông tin, tuyên truyền. Cụ thể, trong hơn  1,5 tháng qua, riêng Phòng Thời sự của Đài PT-TH Đồng Nai đã đưa gần 30 tin, bài liên quan. Tương tự, chỉ tính từ đầu tháng 5 đến nay, Báo Đồng Nai đã có hàng chục tin, bài, loạt bài về khó khăn của ngành chăn nuôi, chương trình giải cứu và phân tích nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này.

Báo chí cũng đã tập trung thông tin về những giải pháp cấp bách mà Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đề ra, góp phần giải quyết áp lực hàng tồn của mặt hàng này. Trong đó, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện rất tốt nhóm giải pháp mở chuỗi các điểm bán heo giá bình ổn, góp phần giảm giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Một số ý kiến cho rằng những chương trình tọa đàm, hội thảo giữa báo chí và người chăn nuôi, doanh nghiệp, các sở, ngành liên quan là rất cần thiết cho báo chí tiếp cận thông tin. Thời gian qua, không chỉ con heo mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác cũng cần được giải cứu. Từ góc nhìn báo chí, các cơ quan truyền thông đã đặt vấn đề cần giải quyết bài toán thị trường trước khi đầu tư sản xuất; đặt câu hỏi cho cơ quan chức năng về việc quy hoạch lại để sản xuất nông nghiệp thật sự bền vững.

Chỉ ra sự nguy hại của việc đầu tư sản xuất mà mù mờ về thông tin, TS.Nguyễn Quang Thiệu, Phó trưởng khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: “Người quản lý cần đi điều tra để có số liệu thực làm căn cứ đưa ra chính sách đúng, làm cơ sở tư vấn cho các nhà đầu tư. Từ đó, nông dân và doanh nghiệp mới đủ cơ sở để chọn lựa đúng trong đầu tư”.

* Tính chuyện đường dài

Tham gia tọa đàm, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam chỉ rõ: “Ngay trong giai đoạn ngành chăn nuôi phát triển huy hoàng nhất đã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc nhưng không có thông tin nào cảnh báo nên nông dân vẫn đua nhau tăng đàn. Người chăn nuôi đừng hy vọng thời gian tới giá heo sẽ lên đến 50-60 ngàn đồng/kg như trước. Vì sau hội nhập, ngành chăn nuôi còn cạnh tranh quyết liệt hơn. Nếu chúng ta không triệt tiêu ngay các khâu trung gian, tập trung người chăn nuôi, quy hoạch vùng nguyên liệu... thì sẽ không còn cơ hội”.

TS. Nguyễn Hữu Tỉnh, Phó giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, lại cho rằng: “Các giải pháp giải cứu nông sản hiện nay đang can thiệp thô bạo vào thị trường. Cách làm này khiến việc giải cứu sẽ còn tiếp diễn dẫn đến diễn biến xấu cho thị trường. Ở đây phải thay đổi từ ý thức sản xuất của nông dân về việc tham gia chuỗi, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc. Để làm tốt yêu cầu này phải có vai trò của các hiệp hội”.

Ông Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, đưa ra ý kiến: “Tổng đàn heo nái của Việt Nam hiện khoảng 4,2 triệu con. Theo suy nghĩ của tôi phải giảm tổng đàn nái chỉ còn lại 2 triệu con là đủ cung cấp nguồn giống cho chăn nuôi. Giảm đàn heo nái nhưng vẫn phải đầu tư mạnh tiếp tục phát triển các trang trại chăn nuôi quy mô lớn chứ không phải tạm ngừng cấp phép. Ngành chăn nuôi phải nâng cao tiêu chuẩn về giống, đầu tư trang trại... Và chính các trại nhỏ cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung này. Cần thu hút đầu tư cho chế biến. Các nước khác, Nhà nước cũng không đổ tiền ra xây lò mổ, nhà máy cấp đông mà do chính người chăn nuôi, hiệp hội góp cổ phần để đầu tư”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều