Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp: Lối đi không trải hoa hồng (bài 2)

10:05, 28/05/2017

Giới trẻ khởi nghiệp hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ có chính sách khuyến khích cho khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp vẫn là những câu chuyện đầy thử thách, đặc biệt đối với lớp trẻ khi kinh nghiệm còn ít và khả năng chống chọi sóng gió chưa nhiều.

[links()]Giới trẻ khởi nghiệp hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh Chính phủ có chính sách khuyến khích cho khởi nghiệp.

Bài 2: Khởi nghiệp ở “thì hiện tại”

Tuy nhiên, khởi nghiệp vẫn là những câu chuyện đầy thử thách, đặc biệt đối với lớp trẻ khi kinh nghiệm còn ít và khả năng chống chọi sóng gió chưa nhiều. Sau thất bại, có những người nhìn nhận lại và bắt đầu lại để tiếp tục con đường khởi nghiệp trong thời hiện tại - thời điểm thị trường cạnh tranh đến nỗi “ngành nào cũng đã có người làm rồi”.

Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).
Sản xuất nệm tại Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa).

* Mò mẫm khởi nghiệp

Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - đầu tư), trong quý I-2017, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động chờ giải thể là hơn 23,9 ngàn doanh nghiệp. Bình quân mỗi ngày có 265 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Cụ thể trong 3 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước gần 10 ngàn doanh nghiệp, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là trên 10,6 ngàn doanh nghiệp, trong khi đó số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 3 tháng đầu năm 2017 của cả nước là gần 3,2 ngàn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốt nghiệp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Hoan về huyện Nhơn Trạch làm việc. Ở đây anh nhận thấy một công việc có thể làm được đó là sản xuất pallet. “Tôi thấy nhà máy nào cũng phải sử dụng sản phẩm pallet. Nguồn nguyên liệu là gỗ tràm cao sản ở Đồng Nai khá nhiều. Quan trọng hơn cả là vốn đầu tư để sản xuất pallet không nhiều” - anh Hoan bộc bạch. Sau nhiều tháng nghiên cứu, anh Hoan cùng 2 người bạn quyết định chung vốn mở xưởng sản xuất. Sản xuất không gặp quá nhiều khó khăn vậy mà chỉ hơn 1,5 năm hoạt động, anh Hoan phải giải thể cơ sở sản xuất. Anh cho hay do không kiểm soát được nên công ty rơi vào tình trạng “lời giả, lỗ thật”. Anh Hoan lý giải: “Bán hàng không thu được nợ dẫn đến bị đọng vốn. Ngoài ra kinh nghiệm đóng pallet chưa có nên không kiểm soát được công nhân khiến gỗ nguyên liệu hao hụt nhiều. Đó là những lý do khiến tôi phải bán nhà xưởng”.

Với ngành cà phê, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Quang Trí Thành (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), lại khá thận trọng khi khởi nghiệp. Sau gần 1 năm đi học nghề rang xay cà phê, ông Quang về lập cơ sở chế biến cà phê cung cấp cho các quán. Thời gian đầu, ông Quang đi chào hàng có khi cả tháng mới bán được 1kg cà phê. Dấn thân vào lĩnh vực mà tưởng chừng như bão hòa nên thực sự không phải dễ tìm cơ hội, trong khi ông Quang lại quyết đưa ra thị trường sản phẩm tốt để cạnh tranh với hàng bát nháo. Sở dĩ cà phê của ông khó bán bởi giá cao gần gấp đôi so với cà phê bán dạo trên thị trường. “Lúc đó cà phê bán dạo đại trà chỉ có 40 ngàn đồng/kg nhưng cà phê của tôi giá tới 70 ngàn đồng/kg. Giá cao bởi cà phê được rang xay nguyên chất không pha trộn nguyên liệu khác” - ông Quang nói. Để tồn tại, ông Quang phải chọn cho mình một thị trường riêng đó là nhắm vào những quán cà phê có nhu cầu chất lượng cao. Hướng đi này khiến ông Quang đã thoát được thế bế tắc về đầu ra. Không chỉ tiêu thụ được sản phẩm mà trong vòng 3 năm ông Quang còn mở được một chuỗi 6 quán cà phê cả ở ngoài tỉnh với thương hiệu Arobi. Không chỉ vậy, doanh nghiệp của ông còn tiến đến sản xuất và tung ra thị trường dòng sản phẩm cà phê hòa tan.

Ở lĩnh vực dịch vụ, anh Nguyễn Đình Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Bói Cá Việt (ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), chọn khởi nghiệp bằng tổ chức dịch vụ du lịch homestay. Dù không tốt nghiệp ngành du lịch nhưng do làm việc cho một công ty du lịch, thường tiếp chuyện với khách nước ngoài nên anh Hiếu đã bén duyên với nghề này. Anh Hiếu vay tiền bạn bè đi một chuyến du lịch đến Singapore, nơi đang tổ chức hội chợ quốc tế lớn về du lịch, để mở mang thêm kiến thức về cách làm du lịch cộng đồng. Năm 2012, anh Hiếu cùng vài người bạn thành lập Công ty TNHH du lịch Bói Cá Việt.

Anh Hiếu chia sẻ: “Thời gian đầu, công ty hầu như không hoạt động. Tuy không thiếu ý tưởng nhưng khi bắt tay vào làm, tôi mới thấy bơ vơ vì mô hình này còn quá mới, bản thân tôi lại không có vốn, không biết phải học những gì, học từ ai”. Hiếu mày mò học về lập kế hoạch kinh doanh, lập chiến lược cho doanh nghiệp, cách quản lý, xây dựng lại đội ngũ con người... Và chính mỗi khách hàng là người chỉ cho anh cần cải thiện, thay đổi những gì để có quy trình, sản phẩm du lịch tốt hơn... Nhờ đó, anh Hiếu thu hút khách trong và ngoài nước khá tốt, biến Bà Đất Homestay cùng vùng rừng núi Mã Đà, Hiếu Liêm trở thành một địa điểm du lịch rừng hấp dẫn.

* Nhìn nhận đúng để khởi nghiệp đúng

Thương hiệu Z! Café xuất hiện trên thị trường từ ý tưởng kinh doanh cafe dưới dạng “shop & go”, thức uống mang đi, nhanh và tiện lợi của 2 chàng trai trẻ Hà Vũ Bảo Giang và Ngô Công Tuấn. Năm 2009, ki-ốt đầu tiên ra đời và chỉ trong thời gian ngắn, cả chục ki-ốt, cửa hàng Z! Café được mở rộng. Nhưng gần đây, 2 ông chủ trẻ này quyết định đi chậm lại để tập trung cho việc xây dựng chuẩn hóa hệ thống vận hành, chất lượng và dịch vụ. Anh Hà Vũ Bảo Giang chia sẻ về con đường khởi nghiệp từ chính kinh nghiệm nhiều lần ngã đau của mình: “Người trẻ có lợi thế là nhiệt tình, năng động, sáng tạo và giàu ý tưởng. Nhưng cái khó là thường thiếu kinh nghiệm, lại ham phát triển nhanh. Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp. Ở đây có 2 cách, các bạn tự bỏ vốn đầu tư hoặc là xin vào làm việc trong những doanh nghiệp trẻ vừa khởi nghiệp. Đây là bước chuẩn bị rất tốt cho sự phát triển sau này của bản thân”.

Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là một trong những doanh nghiệp tư nhân đi tiên phong xuất khẩu được dòng sản phẩm chocolate vào Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính vào bậc nhất trên thế giới. Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc thuộc thế hệ 8X của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức, kể: “Cách đây hơn 10 năm, gia đình tôi chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp và dồn toàn bộ tài sản tích cóp cả đời, từ TP.Hồ Chí Minh lặn lội về huyện vùng sâu Định Quán đầu tư trồng cây ca cao. Từ năm 2009, chúng tôi đã đầu tư cho nông dân và phát triển được vùng nguyên liệu với cả ngàn hécta ca cao. Cũng chính vì sự phát triển quá nhanh đó đã khiến doanh nghiệp điêu đứng khi nông dân đua nhau chặt bỏ cây trồng này do cây ca cao phát triển kém, thị trường gặp khó”.

Ông Khanh đã phải nhìn nhận lại những thất bại đó, nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng hơn và bắt tay gầy dựng lại, như: bắt đầu từ việc đầu tư chế biến sâu và phát triển thị trường; liên kết với nông dân hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trọng Đức tìm hiểu rất kỹ đầu ra và nhu cầu thị trường, coi lại thế mạnh và điểm yếu của mình và chọn đầu tư vào khâu chế biến sâu, đa dạng nhiều dòng sản phẩm, như: bột ca cao, rượu vang ca cao, chocolate... Đến nay dù vẫn còn khó khăn, song ông Khanh cho rằng sự “nhìn lại mình” khi thất bại đó đã giúp Trọng Đức con đường đi đúng đắn hơn.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Phó giám đốc Công ty Luật Việt Á (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp do các bạn trẻ mới ra trường thành lập tỷ lệ phải ngưng hoạt động khá cao, chủ yếu do ít kinh nghiệm trong quản lý điều hành. “Tôi theo dõi số doanh nghiệp của các bạn trẻ mới ra trường tạo dựng thấy phần lớn bị giải thể ở năm thứ 2. Những doanh nghiệp nào tồn tại được 3 năm trở lên thì tỷ lệ “sống sót” sẽ cao hơn. Nhiều bạn có ý tưởng tốt nhưng khi triển khai chỉ vài tháng là chết yểu” - ông Phú nhận xét.

Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm cũng cho rằng các ý tưởng kinh doanh tốt của các bạn trẻ phải có sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp thành công mới không bị phá sản. Ông Điềm nói: “Dĩ nhiên đầu tiên phải là ý tưởng, nhưng ngay sau đó là việc làm sao để một ý tưởng kinh doanh có thể “sống” được, vẫn là những câu hỏi như làm gì? Bán cho ai? Bán thế nào? Đến nay, Hội mới chỉ hỗ trợ vốn cho 3 dự án khởi nghiệp và các bạn vẫn đang chạy dự án khá tốt. Chúng tôi ngồi ghế tư vấn, giám khảo... cho nhiều dự án khởi nghiệp, chủ yếu là các bạn trẻ và mong các bạn có thêm trải nghiệm trước khi bắt tay vào khởi nghiệp”.

Nhóm phóng viên Kinh tế

Bài 3: Khởi nghiệp trong mắt chuyên gia

Tin xem nhiều