Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm rau mầm cho chợ nông thôn

10:05, 28/05/2017

Tuy mới góp mặt trên thị trường không lâu nhưng các mặt hàng rau an toàn của Cơ sở rau mầm Đình Biên (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) đã có chỗ đứng ở nhiều khu chợ nông thôn tại địa phương và các huyện lân cận.

Tuy mới góp mặt trên thị trường không lâu nhưng các mặt hàng rau an toàn của Cơ sở rau mầm Đình Biên (xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) đã có chỗ đứng ở nhiều khu chợ nông thôn tại địa phương và các huyện lân cận.

Ông Nguyễn Đình Biên giới thiệu sản phẩm rau mầm của cơ sở.
Ông Nguyễn Đình Biên giới thiệu sản phẩm rau mầm của cơ sở.

Cơ sở này cũng là đầu mối cung cấp nguồn rau mầm cho các dịch vụ nấu tiệc. Ông chủ cơ sở này đang tiếp tục mở rộng sản xuất với mục tiêu trở thành nguồn cung cấp rau mầm quy mô lớn vào khu chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất) vừa đi vào hoạt động.

* Rau giá cao vào chợ quê

Là cán bộ công chức, với ông Nguyễn Đình Biên, hoạt động sản xuất rau mầm chỉ là nghề tay trái. Nhưng nhận thấy cơ hội của sản phẩm này còn rất lớn, ông Nguyễn Đình Biên quyết định thành lập Cơ sở rau mầm Đình Biên vào năm 2012.

Ông Biên kể: “Ban đầu, lo rau mua bên ngoài mất an toàn nên tôi làm vài khay rau mầm cho gia đình để có nguồn rau sạch sử dụng. Thấy món rau mầm ngày càng được chuộng ở vùng nông thôn, không chỉ các đám tiệc mà nhiều bà nội trợ mua về dùng cho bữa cơm gia đình nên tôi mở rộng diện tích trồng rau mầm để bán”.

Thời gian đầu, mỗi ngày cơ sở chỉ bán ra được vài ký rau cho người quen. Ông Biên tăng dần diện tích khi có thêm các mối tiêu thụ là các nhà hàng, quán ăn và dịch vụ đám tiệc. Hiện quy mô trồng rau mầm của cơ sở đã tăng lên 400 m2 với sản lượng trung bình 50-70kg rau mầm/ngày. Ông Biên chia sẻ: “Vì rau mầm là dòng thực phẩm sạch, giá cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của mặt hàng rau nên chủ yếu chỉ vào các trung tâm siêu thị hoặc các chợ ở khu vực thành thị. Ở các chợ huyện, khi có người đặt rau mầm tiểu thương mới lấy nguồn rau từ các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh về. Tôi chọn cách đi ngược lại, thị trường chính là những khu chợ quê. Từ cơ sở, rau được đưa đến tận tay tiểu thương bán lẻ mà không cần qua thêm một kênh trung gian nào khác nên sản phẩm có mức giá cạnh tranh hơn. Các bà nội trợ nông thôn cũng không quá băn khoăn khi chọn loại rau an toàn này cho bữa cơm gia đình”.

* Xây dựng thương hiệu rau an toàn

Tuy tiêu thụ chính tại các chợ nông thôn nhưng ngay từ những ngày đầu mới thành lập, ông chủ Cơ sở rau mầm Đình Biên đã chuẩn hóa theo quy trình sản xuất an toàn. Ông Biên chấp nhận chi phí cao hơn để lấy nguồn giá thể và các nguyên liệu sản xuất từ các địa chỉ cung cấp uy tín. Ông cũng đã đưa mẫu nước, mẫu rau đi kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Biên cho hay: “Rau của cơ sở luôn đảm bảo 4 không: không sử dụng thuốc, không phân hóa học, không sử dụng nước nhiễm bẩn và đặc biệt là không dùng thuốc tăng trưởng. Tôi cũng đang làm chứng nhận rau an toàn để khi sản phẩm có thương hiệu thì đầu ra mới bền vững được”.

Khi đã chuẩn hóa ở khâu sản xuất, ông nông dân trồng rau ở vùng quê miền núi này bỏ công sức và chi phí đưa sản phẩm đi tham gia các hội chợ, chương trình kết nối cung - cầu để mở rộng thị trường. Ngoài 2 dòng sản phẩm phổ thông được sử dụng nhiều là mầm rau muống và mầm cải, ông Biên đã không ngừng đa dạng các mặt hàng rau mầm, nhất là các dòng rau ít phổ biến, như: rau mầm hướng dương, rau mầm đậu Hà Lan... để các bà nội trợ cần là có.

Lê Quyên

Tin xem nhiều