Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai nên chú ý đến doanh nghiệp nhỏ

09:05, 05/05/2017

Hơn 5 năm làm việc tại Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Ngọc Thạch đã tư vấn cho nhiều tỉnh, thành trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Theo ông, Đồng Nai nên đặc biệt chú ý đến doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban Pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban Pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam

Hơn 5 năm làm việc tại Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Ngọc Thạch đã tư vấn cho nhiều tỉnh, thành trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Theo ông, Đồng Nai nên đặc biệt chú ý đến doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ.

DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm trên 80% trong tổng số DN. Hầu hết các DN nhỏ, siêu nhỏ trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu tỉnh tạo điều kiện tốt để những DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển sản xuất - kinh doanh thuận lợi, đồng nghĩa với việc giúp cho nền kinh tế thêm lớn mạnh, năng lực cạnh tranh tăng giúp thu hút đầu tư vào tỉnh ngày càng nhiều.

* Được thế giới công nhận

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban Pháp chế VCCI đưa ra một số đề xuất cho chính quyền Đồng Nai để cải thiện năng lực cạnh tranh tăng thu hút đầu tư là xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng với mọi thành phần DN: tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai, quy hoạch... Đặc biệt, tỉnh cần tăng hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, xây dựng, hải quan; giảm gánh nặng cho DN trong quá trình thanh tra, kiểm tra; nâng cao nguồn lao động, dịch vụ hỗ trợ DN và tăng tham vấn DN, xây dựng niềm tin với cộng đồng DN.

 Năm 2016, chỉ số năng lực cạnh tranh của Đồng Nai đã tăng 3 bậc, nhưng so với các tỉnh, thành lân cận vẫn thấp hơn nhiều. Các sở, ngành của tỉnh cho rằng việc đánh giá này chưa chuẩn mực khi chỉ lấy ý kiến hơn 200 DN, số lượng đó không thể đại diện cho hơn 20 ngàn DN của tỉnh?

- Trên thế giới, khi tiến hành điều tra DN, có thể điều tra toàn bộ hoặc chọn một số lượng nhỏ ngẫu nhiên. Điều tra toàn bộ là chỉ khi ở bình diện nhỏ, song cách điều tra này rất tốn kém, mất nhiều công sức và thời gian. Chúng tôi lấy mẫu, đánh giá ngẫu nhiên và bằng phương pháp sàng lọc, đánh giá phân tích trên máy vi tính để cho ra kết quả. Những đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI được thế giới công nhận, và đây là phương pháp mà nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng để nắm bắt năng lực cạnh tranh của mỗi địa phương.

Tuy quá trình lấy mẫu tại Đồng Nai chỉ với hơn 200 DN nhưng là lấy ngẫu nhiên, phân tầng đánh giá nên mức độ sai sót không quá 5%. Vì thế, quá trình tính toán có thể có sai sót song tỷ lệ rất nhỏ. Các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào địa phương nào thường hay tham khảo về chỉ số năng lực cạnh tranh. Mục tiêu đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm giúp các địa phương biết được những điểm yếu, điểm mạnh của mình trong cải cách, điều hành để điều chỉnh từ đó tăng thu hút đầu tư vào tỉnh.

 Ông có thể cho biết rõ hơn đâu là những điểm sáng của Đồng Nai trong cải cách điều hành?

- Tôi làm công tác nghiên cứu, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh nhiều năm nên thấy Đồng Nai không có nhiều bứt phá so với một số tỉnh lân cận, như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng chỉ số cạnh tranh. Cụ thể, những năm trước chỉ số tiếp cận đất đai của Đồng Nai được các DN đánh giá rất thấp thì năm 2016 đã cải thiện.

Bên cạnh đó, các chỉ số, như: đào tạo lao động, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh cũng được DN đánh giá tốt hơn. Nhưng vẫn còn những chỉ số chưa cao và DN còn phàn nàn nhiều về chi phí thời gian trong giải quyết các thủ tục, hồ sơ, thiết chế pháp lý và dịch vụ hỗ trợ DN. Đây cũng là những chỉ số Đồng Nai đã bị giảm điểm so với năm 2015.

 Vậy theo ông, chính quyền Đồng Nai cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh?

- Theo tôi, chính quyền tỉnh nên đặc biệt chú trọng đến DN nhỏ và  siêu nhỏ trên địa bàn vì họ “thiếu và yếu”, rất cần hỗ trợ về chính sách để ổn định sản xuất - kinh doanh và lớn dần lên.

Đặc biệt, nhóm thông tin mà DN dân doanh, DN nước ngoài còn rất khó tiếp cận là: thông tin bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, tài liệu về ngân sách, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới, chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các DN rất mong tỉnh sẽ công khai các thông tin này để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phát triển ngắn hạn, dài hạn cho phù hợp. Hiện DN nhỏ, siêu nhỏ chiếm số đông nhưng lại rất khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ nên tỉnh cần có các biện pháp giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn. Các DN cũng mong giảm số lần thanh tra, kiểm tra để bớt gánh nặng. Trong đó, DN than phiền nhiều nhất là kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ, thanh tra về môi trường, lao động, thuế.

* Nâng cao dịch vụ hỗ trợ

 Vì sao ông luôn nhấn mạnh là chính quyền Đồng Nai nên chú trọng nâng cao dịch vụ hỗ trợ DN?

- Bởi Đồng Nai là tỉnh có nền công nghiệp phát triển vào loại sớm nhất tại Việt Nam và cũng là tỉnh có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất, song dịch vụ hỗ trợ DN lại chưa xứng tầm. Các thông tin về tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, dịch vụ công nghệ, đào tạo quản trị doanh nghiệp...chưa nhiều. 

Nếu dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, DN dễ dàng tiếp cận các thông tin về thị trường, lên kế hoạch sản xuất phù hợp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hoặc tìm đối tác liên kết trong đầu tư và tiêu thụ. Bên cạnh đó, DN dễ dàng tiếp cận các thông tin về những chính sách, quy định mới của Chính phủ, tỉnh để thực hiện sẽ có lợi cho công tác quản lý, điều hành.

 Năm 2016, tính năng động của chính quyền tỉnh Đồng Nai có mức điểm thấp nhất trong 10 chỉ số về năng lực cạnh tranh. Vậy có giải pháp nào để cải thiện?

- Giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh phụ thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi tỉnh, thành. Điều này không chỉ phụ thuộc vào năng lực thực thi của các sở, ngành mà còn liên quan đến đặc điểm của các DN ở địa phương. Tuy nhiên, tỉnh nên có những giải pháp khả thi với từng nhóm DN và biết được DN trên từng lĩnh vực đang gặp khó khăn gì để đưa ra cách thức hỗ trợ tháo gỡ cho phù hợp.

Nếu tỉnh chỉ đưa ra những giải pháp, cam kết chung chung thì kết quả đạt được sẽ không như mong muốn và DN tự bươn chải, vượt qua sóng gió sẽ khó khăn hơn nhiều.

Với địa phương có đông DN như Đồng Nai thì trong đối thoại trực tiếp nên phân theo từng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và yêu cầu các sở, ngành liên quan có mặt để trả lời và giải quyết nhanh những vướng mắc; đồng thời, tỉnh có thể tiếp nhận ý kiến và trả lời DN thông qua website chính quyền tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước ở những lĩnh vực DN đang gặp nhiều khó khăn nên thường xuyên gặp gỡ trực tiếp DN để ghi nhận và tìm ra cách giải quyết sớm nhất. Bên cạnh đó, các DN cũng có thể thông qua các hiệp hội phản ánh, kiến nghị và đóng góp cho các chính sách của tỉnh.

 Qua điều tra, phân tích ông thấy DN dân doanh của Đồng Nai đang gặp những khó khăn gì và vượt qua bằng cách nào?

- DN dân doanh Đồng Nai gặp khó khăn lớn là tìm kiếm khách hàng, tiếp đến là tìm kiếm nguồn vốn, nhân sự thích hợp, mặt bằng kinh doanh phù hợp, nhà cung cấp, sử dụng công nghệ thông tin. Tìm kiếm khách hàng DN buộc phải linh hoạt chủ động, không thể chờ đợi vào những hỗ trợ của chính quyền. DN tự mình nắm bắt thông tin về chính sách, pháp luật kịp thời, liên doanh liên kết với các DN khác và hiệp hội để giúp nhau cùng phát triển bền vững.

Tự bản thân mỗi DN tìm hiểu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng với sản phẩm mình làm ra và nâng cao năng lực cạnh tranh. Khi gặp khó khăn, vướng mắc DN nhanh chóng phản ánh đến cơ quan nhà nước để được tháo gỡ kịp thời. DN trong tỉnh quan tâm đóng góp hoàn thiện xây dựng chính sách, pháp luật của địa phương vì liên quan trực tiếp đến môi trường hoạt động của DN.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều