Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoàng Ngọc Điệp: Dành nhiều trang viết cho thiếu nhi

07:10, 17/10/2020

Là một trong số ít tác giả, nhà văn ở Đồng Nai có sức viết khỏe, Hoàng Ngọc Điệp (Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) sáng tác ở các thể loại: truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết.

Là một trong số ít tác giả, nhà văn ở Đồng Nai có sức viết khỏe, Hoàng Ngọc Điệp (Phó chủ tịch thường trực Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) sáng tác ở các thể loại: truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết.

Tác giả Hoàng Ngọc Điệp tặng sách cho thanh thiếu nhi Đồng Nai
Tác giả Hoàng Ngọc Điệp tặng sách cho thanh thiếu nhi Đồng Nai

Trong đó, tác giả Hoàng Ngọc Điệp “ưu ái” dành nhiều trang viết cho thiếu nhi. Những câu chuyện về tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo được tác giả gầy dựng đầy hấp dẫn.

* Say mê sáng tác

* Đến với văn chương từ tình yêu và đam mê nhưng viết văn không phải là lựa chọn đầu tiên của tác giả Hoàng Ngọc Điệp. Vậy đâu là lý do khiến bà cảm thấy hứng thú với nghề viết và viết nhiều cho thiếu nhi?

- Tôi bắt đầu sáng tác từ những năm 80 khi còn đang công tác ở Sở Văn hóa - thông tin Đồng Nai (nay là Sở VH-TTDL), đến nay đã mấy chục năm trôi qua. Mỗi ngày khi tiếp xúc với đời sống đa sắc màu đang trải ra trước mắt, tôi chú ý quan sát và chiêm nghiệm rồi sau đó... viết. Có lẽ bởi đặc thù của công việc cũng là một yếu tố tác động khiến tôi yêu thích viết lách một cách đáng kể. Tôi có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, chịu khó lắng nghe họ để tiếp cận kho tàng tri thức phong phú từ đời sống.

Những trải nghiệm thực tế sống động luôn giúp tôi có nhiều cảm hứng trong sáng tác. Tôi luôn nghiêm túc thực hiện những việc mình đang làm, không ồn ào, không vội vã. Tôi viết nhiều cho thiếu nhi bắt đầu từ việc tham gia chuyên mục “gỡ rối tơ lòng” cho thiếu nhi Đồng Nai trên tờ báo Dưới mái trường do nhà văn Nguyễn Thái Hải chủ biên. Từ đó đến nay, tôi đã xuất bản 6 tập truyện, trong đó có 5 tập truyện dành cho thiếu nhi.

* Khi viết một tác phẩm cho thiếu nhi, đề tài nào khiến bà tâm đắc và bà thường bắt đầu với một tâm thế như thế nào?

- Tính đến thời điểm hiện tại, tôi đã sống ở Biên Hòa gần 40 năm. Đó là quãng thời gian tương đối dài. Khi viết truyện cho thiếu nhi, tôi luôn luôn lấy vốn sống ở vùng đất này, hướng về đất và người Đồng Nai làm nền tảng. Tôi muốn được viết và tôi đã viết những câu chuyện đời thường về tình yêu gia đình, tình bạn, trường, lớp... của người trẻ. Viết cho thiếu nhi cũng là cách tôi tái hiện những kỷ niệm, những miền đất, những gương mặt bạn bè trong các tác phẩm của mình.

Tác giả Hoàng Ngọc Điệp được biết đến với nhiều đầu sách viết cho thiếu nhi như: Món quà giáng sinh, Chuyện Bin mũi hếch (2 tập), Cù lao yêu dấu... Bà đoạt nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu là giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần 3 (giai đoạn 2005-2010); giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với tác phẩm Cù lao yêu dấu năm 2018. Các giải thưởng chính là động lực to lớn giúp tác giả tiếp tục trên hành trình sáng tạo tác phẩm.

Ngoài ra, tôi cũng viết nhiều đề tài hiện đại cho thiếu nhi trong cuộc sống hôm nay. Tôi nghĩ rằng, đa số những người viết đến với văn chương một cách bất ngờ, chẳng ai định cho mình cái tâm thế nào khi ngồi vào bàn viết cả. Vậy nên tác phẩm đến với tôi cũng vậy, cứ mạch truyện này tắt, tôi dừng lại và lấy truyện khác ra viết tiếp, khi tắt lại chuyển sang truyện khác. Tôi cứ làm việc như vậy đến khi hoàn thành cuốn sách.

* Viết cho thiếu nhi là cách để tác giả tìm cho mình chỗ “nương náu” trong cuộc sống bộn bề của người lớn. Nhưng đây cũng là con đường chông gai, ít người đi vì “chưa viết đúng gu” với lứa tuổi này?

- Bất cứ người viết nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Với những người xung quanh, họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với trẻ em là con, cháu, học sinh... còn tôi thì hoàn toàn không. Cuộc sống riêng của tôi ít tiếp xúc với trẻ. Thậm chí, khu tập thể mà tôi sống cũng chỉ có một đứa trẻ, nó cũng đi học suốt ngày nên rất khó gặp gỡ, chia sẻ.

Bởi vậy, tôi phải vượt qua điều đó bằng cách thâm nhập từ những cơ hội gặp trẻ ít ỏi của mình. Bên cạnh việc trải nghiệm thực tế, tôi cho rằng đọc sách và học hỏi từ các bạn văn sẽ giúp bản thân tiến bộ rất nhiều. Nhờ đọc sách, tôi có thể mở rộng thêm những kiến thức còn thiếu, lấp đầy những khoảng trống mà bản thân mình không có.

* Viết cho thiếu nhi luôn là một thách thức

* Có một thực tế hiện nay, không nhiều đầu sách thiếu nhi của các tác giả Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng được độc giả “truy lùng”. Theo bà, điều gì khiến cho bạn đọc vẫn chưa thực sự quan tâm đến mảng sách thiếu nhi?

- Đó là bởi tác giả và người làm sách chưa chạm đến “khẩu vị”, “thị hiếu” của độc giả hôm nay. Đề tài trinh thám, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm... luôn thu hút người đọc nhiều lứa tuổi, nên nếu viết hay, sẽ không sợ không có độc giả. Chỉ cần biết cách khai thác câu chuyện, biết cách dẫn dắt những điều ly kỳ... vào tác phẩm, ắt bạn đọc sẽ tìm đến.

Để bạn đọc quan tâm, ngay từ trong gia đình, nhà trường cần có định hướng trong việc đọc sách cho người trẻ. Từ chỗ phải tạo được cảm giác hiếu kỳ, kích thích tính tò mò bằng cách chọn thể loại sách phù hợp với độ tuổi, sở thích và đam mê. Có như vậy mới tạo được thói quen tìm hiểu tác phẩm của người trẻ.

* Bạn đọc chưa thực sự quan tâm, đó có phải là một thử thách lớn đối với người viết theo đuổi mảng sách thiếu nhi ở Đồng Nai, thưa bà?

- Viết sách đã khó, viết cho thiếu nhi lại càng khó hơn. Nói về viết sách thiếu nhi ở Đồng Nai hiện nay phải kể đến nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà văn Thu Trân... Các tác phẩm của họ luôn có ý nghĩa giáo dục, lồng ghép những câu chuyện hấp dẫn người trẻ. Đây cũng chính là thử thách, là “ước nguyện” mà bất cứ người cầm bút nào cũng mong muốn vươn tới.

Riêng tôi, khi viết cho thiếu nhi, nhất là thiếu nhi Đồng Nai, tôi chỉ gửi gắm một thông điệp. Các sự vật, hiện tượng xung quanh không tự nhiên sinh ra, nó đều chứa đựng trong đó lịch sử. Nếu như chúng ta nhìn ngắm xung quanh với một tâm thế tìm kiếm, tìm hiểu xem tại sao lại có nó ở trên đời, nó nói lên điều gì... sẽ thấy được câu chuyện riêng của nó. Tôi mong, qua các trang viết cho thiếu nhi, các em sẽ thêm yêu thiên nhiên, yêu vùng đất và những con người bình dị quanh mình.

* Tác phẩm chuẩn bị ra mắt của bà có phải tập truyện thiếu nhi?

- Tôi vẫn đang tiếp tục những sáng tác của mình và hoàn thành những bản thảo đang ấp ủ. Trước mắt, ý tưởng lên rừng Cát Tiên “nằm vùng” ít ngày để viết một cuốn sách mới về thiếu nhi Đồng Nai đã và đang thực hiện. Song, viết theo dạng tản văn hay viết thành truyện thiếu nhi thì quả thật tôi vẫn còn do dự. Để xem vốn liếng và sự trải nghiệm của mình có được bao nhiêu.

Vậy nên, tôi chưa muốn nói nhiều về những chuyện trước mắt, vì không biết kết quả mình làm được đến đâu. Quan điểm của tôi trong cả đời sống lẫn văn chương là cứ hết lòng với mọi người, mọi việc. Chỉ khi tâm thế luôn vui vẻ, thanh thản thì mạch cảm xúc cho những câu chuyện dành tặng thiếu nhi sẽ chảy mãi.

* Xin cảm ơn tác giả Hoàng Ngọc Điệp!

My Ny (thực hiện)

Tin xem nhiều