Báo Đồng Nai điện tử
En

Cơ hội để quyết liệt thúc đẩy môi trường kinh doanh

08:04, 07/04/2020

Bước vào năm 2020, cũng như thế giới, Việt Nam đứng trước thử thách hết sức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Khó khăn, thách thức bủa vây đối với Chính phủ và các địa phương trong nhiệm vụ hết sức nặng nề vừa khống chế dịch bệnh, vừa giữ được sự ổn định về kinh tế giữa lúc kinh tế thế giới gần đây ngưng trệ do tác động của đại dịch.

Bước vào năm 2020, cũng như thế giới, Việt Nam đứng trước thử thách hết sức nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Khó khăn, thách thức bủa vây đối với Chính phủ và các địa phương trong nhiệm vụ hết sức nặng nề vừa khống chế dịch bệnh, vừa giữ được sự ổn định về kinh tế giữa lúc kinh tế thế giới gần đây ngưng trệ do tác động của đại dịch. Đây là một thử thách lớn lao cho bản lĩnh và trí tuệ điều hành từ công tác phòng, chống dịch đến chỉ đạo kinh tế vĩ mô.

Một trong những giải pháp mà Việt Nam đang thực hiện một cách mạnh mẽ là thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, giảm tối đa phiền hà cho doanh nghiệp (DN). Năm nay cũng là năm thứ 7 liên tiếp Chính phủ ra nghị quyết về thúc đẩy môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, DN. Trong bối cảnh dịch bệnh, sức “nóng” của nhu cầu cải cách lại càng lớn.

Quả thực, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy kinh tế nước ta bộc lộ nhiều điểm yếu về trình độ công nghệ, thị trường nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, sự phát triển bền vững, nhưng theo các chuyên gia, đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế.

Tái cơ cấu dựa trên khía cạnh xây dựng nền kinh tế linh hoạt, có thể đối phó tốt hơn với những thách thức bên ngoài mang lại. Nhiệm vụ này không phải chờ đợi đến lúc DN kiến nghị mà phải làm thường xuyên, liên tục. Thực tế, dịch bệnh cũng giúp cho DN nảy ra những ý tưởng kinh doanh mới, hoặc cách thức hợp tác mới để vẫn giữ được nhịp độ sản xuất, thậm chí phát triển mạnh. Song, điều quan trọng hơn là tư duy quản lý cần đi kịp với cơ hội thực tế, định hướng, dẫn dắt DN. Dịch Covid-19 cũng chứng minh rằng, thể chế tốt thì DN mới có thể phản ứng nhanh nhạy nhất với thị trường và ngược lại.

Ở khía cạnh khác, song song với cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, ngay chính bản thân DN cần chuẩn bị nền tảng tốt nhất, để khi dịch bệnh qua đi, DN có thể bắt tay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển ở một trình độ cao hơn.

Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có sự “quyết liệt” của mình. Đi đầu là Bộ Công thương, tiếp theo Bộ GT-VT đều coi đây là cơ hội để tiếp tục cắt bỏ các điều kiện kinh doanh đang lỗi thời. Bộ Công thương cắt giảm, đơn giản hóa 205 điều kiện kinh doanh; Bộ GT-VT cắt giảm 384/570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý. Các bộ, ngành khác cũng đang lên kế hoạch để đơn giản hóa những thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ngay trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp.

Nhưng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng cần phải nhắc tới vai trò của chính quyền địa phương. Những năm qua, tỉnh, thành nào có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt chính là địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt. Riêng với Đồng Nai, tỉnh đã có những cam kết mạnh mẽ với Chính phủ, với cộng đồng DN. Mục tiêu của tỉnh là vào tốp địa phương có môi trường đầu tư dẫn đầu cả nước. Muốn làm được như vậy, yêu cầu cải cách hành chính, hỗ trợ DN phải càng sớm càng tốt, trước mắt là để đối phó với đại dịch, lâu dài là phát triển một nền kinh tế bền vững hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều