Báo Đồng Nai điện tử
En

Huy động nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp

08:04, 05/04/2020

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19, người dân đua nhau mua lương thực, mì tôm dự trữ.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại sự việc vừa qua khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19, người dân đua nhau mua lương thực, mì tôm dự trữ. Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo các công ty lương thực bảo đảm cung ứng, mở cửa bán lương thực đến 23 giờ cho người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Theo tôi, phải chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khâu dự trữ, không chạy theo thị trường với tinh thần tự cường, chủ động đối với an ninh lương thực”.

Theo đó, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện ở một số quốc gia vẫn còn bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới đúng như câu nói “phi nông bất ổn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, lợi thế Việt Nam về khả năng đảm bảo tự cung lương thực càng thể hiện rõ nên phải giữ vững quan điểm đảm bảo an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống. Đồng thời cũng phải có nhận thức mới trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn thành vai trò mới là khai thác lợi thế đặc thù có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế lâu dài, trong đó cần chú trọng đến sự đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới.

Hiện ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: tính phức tạp, khó lường của khí hậu, thời tiết; hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, trên cây trồng phức tạp; dịch Covid-19 đã và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, dù đối mặt với nhiều  khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp vẫn cam kết đảm bảo về lương thực phục vụ người dân trong nước và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lương thực, “không phải bế quan tỏa cảng”. Cụ thể, tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới vẫn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, đặc biệt đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn phục vụ cho hơn 100 triệu dân Việt Nam đồng thời vẫn tăng cường xuất khẩu nông sản với mục tiêu đến năm 2030 ít nhất đạt 100 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam vươn lên thuộc tốp 10 của ngành nông nghiệp thế giới vào năm 2030.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phải tiếp tục huy động được mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp với sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân. Phải gắn phát triển nông nghiệp với sự phát triển tái cơ cấu chung ngành kinh tế; chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn phát triển thành vai trò mới là lợi thế đặc thù có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế lâu dài.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều