Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính chuyện lâu dài

09:01, 09/01/2020

Câu chuyện Việt Nam - một nước có "tên tuổi" trong ngành trồng trọt và chăn nuôi trong khu vực - thường xuyên phải nhập khẩu hàng loạt loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn là một nghịch lý buồn lâu nay.

Câu chuyện Việt Nam - một nước có “tên tuổi” trong ngành trồng trọt và chăn nuôi trong khu vực - thường xuyên phải nhập khẩu hàng loạt loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vốn là một nghịch lý buồn lâu nay.

Ước tính mỗi ngày, Việt Nam chi hàng triệu USD để nhập khẩu bắp, bột đậu nành, lúa mì, bột cá... từ các nước như: Brazil, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Riêng Đồng Nai, năm 2019 mặc dù là một năm đầy khó khăn cho ngành chăn nuôi trong tỉnh, song các doanh nghiệp trên địa bàn đã chi 727 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, trong đó chủ yếu là nhập khẩu bắp nguyên liệu về để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Nhu cầu lớn, đất đai nhiều, chăn nuôi phát triển… song vì nhiều lý do, Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung chưa thể phát triển tốt vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Nguyên nhân chính tồn tại bao năm nay khiến nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng đều vẫn là giá nguyên liệu trong nước, điển hình là bắp, không cạnh tranh được với nguyên liệu nhập. Khi doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nhiều, giá cả được xem là vấn đề cốt lõi. Vấn đề thứ hai là bắp “ngoại” có công nghệ bảo quản tốt hơn bắp trong nước - một điều cũng không kém phần quan trọng khi doanh nghiệp muốn chủ động trữ hàng để sản xuất lâu dài. Ngoài ra là một số điểm yếu nội tại khác như: mẫu mã, chất lượng chưa đồng đều, khả năng đáp ứng số lượng lớn khi doanh nghiệp cần chưa cao… nên hàng chục năm qua, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục nhập siêu.

Sự lệ thuộc lớn vào thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nhiều năm qua gây nhiều khó khăn cho ngành chăn nuôi trong nước và làm chậm lại nhịp phát triển của ngành. Việc không chủ động nguồn nguyên liệu khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước “trồi sụt” liên tục theo thị trường thế giới. Thực tế nhiều năm qua, giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước cao, khó cạnh tranh với thịt nhập khẩu. Hiện tại, giá bán 1kg thịt heo hoặc gà nhập khẩu đang thấp hơn sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước đến 40-50%, thậm chí ở nhiều giai đoạn, giá thịt nhập chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 giá thịt cùng loại trong nước.

Về lâu dài, không thể chủ động nguồn nguyên liệu, không chủ động giá thức ăn chăn nuôi cũng gây ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng chuỗi sản xuất khép kín trong ngành - điều mà Việt Nam đang hướng tới.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương đều đang chung tay đề xuất, thực hiện các giải pháp để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ít nhất đối với những loại cơ bản như bắp. Trong đó, nhấn mạnh việc phát triển cánh đồng lớn, cơ giới hóa trên diện rộng, giảm giá thành sản xuất… Mặc dù vẫn còn khá nhiều thách thức, song đây là hướng đi căn cơ và đúng đắn, không chỉ đối với ngành sản xuất thức ăn mà cả với ngành chăn nuôi cả nước nói chung.  

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều