Báo Đồng Nai điện tử
En

Ý thức phải đến từ mỗi người dân

09:01, 06/01/2020

Bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào cũng đều hướng đến mục tiêu loại bỏ dần thói quen thanh toán tiền mặt trong mọi giao dịch, từ đầu tư, mua sắm tài sản công, làm dự án đến mua sắm hàng hóa, dịch vụ bình thường.

Bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào cũng đều hướng đến mục tiêu loại bỏ dần thói quen thanh toán tiền mặt trong mọi giao dịch, từ đầu tư, mua sắm tài sản công, làm dự án đến mua sắm hàng hóa, dịch vụ bình thường. Nguyên nhân chủ yếu là vì thanh toán không dùng tiền mặt giúp Nhà nước kiểm soát được dòng tiền, ngăn chặn bớt các tiêu cực và hệ lụy như tham nhũng, rửa tiền cùng những “bất minh” khác trong mua bán, kinh doanh, đầu tư...

Do đó, từ 20 năm trước, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, thông tư, nghị định khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong mọi thành phần kinh tế. Bên cạnh đó là các chính sách xây dựng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt để tiện lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi thói quen từ tiền mặt sang chuyển khoản, “quét thẻ”… Gần nhất là Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg năm 2016. Đề án có nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó đáng chú ý có mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt phải chiếm hơn 30% tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS (hỗ trợ ATM thanh toán tiền hóa đơn/dịch vụ hàng hóa). Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.

Tuy nhiên, đến lúc này thì các mục tiêu trên gần như không đạt được, ít nhất từ phía người dân. Chỉ cần quan sát cũng thấy, ngoài những giao dịch có tính chất bắt buộc từ phía doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thì thanh toán không dùng tiền mặt tăng lên rõ rệt, còn lại đa số người dân vẫn chưa thể thay đổi thói quen. Không bàn đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng công nghệ chưa phủ sóng rộng rãi, mà ngay tại đô thị, tỷ lệ người dân giao dịch, mua bán bằng tiền mặt vẫn rất cao.

Thực tế, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều đô thị hiện nay khá tốt, từ siêu thị, nhà hàng, các trang mua sắm điện tử… đều đầu tư cho việc khuyến khích người dùng hạn chế tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ như: máy POS, ví điện tử, thẻ tín dụng… Vấn đề chính là việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng - việc tưởng dễ mà hóa ra rất khó. Điều này không thể một sớm một chiều, song để đẩy nhanh sự thay đổi, có lẽ cần có chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán tiền mặt một cách rõ ràng, cụ thể hơn để tạo động lực thay đổi cho người tiêu dùng, vì trách nhiệm xây dựng một nền kinh tế minh bạch, hạn chế tiền mặt cũng là trách nhiệm chung.

Vi Lâm

Tin xem nhiều