Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 1.320 ngày chờ đợi

10:12, 12/12/2018

"Không để xảy ra oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm" là quan điểm trả lời chất vấn về vụ việc có hay không việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả của người đứng đầu ngành kiểm sát tại Nghị trường Quốc hội trong ngày 31-10 vừa qua.

“Không để xảy ra oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm” là quan điểm trả lời chất vấn về vụ việc có hay không việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả của người đứng đầu ngành kiểm sát tại Nghị trường Quốc hội trong ngày 31-10 vừa qua.

Tuy nhiên, vụ việc đã kéo dài gần 4 năm (tính từ ngày 24-4-2015 đến nay), hơn 1.320 ngày chờ đợi, song cả phía doanh nghiệp lẫn dư luận đều chưa nhận được câu trả lời xác đáng từ phía các bộ, ngành, cơ quan điều tra, cơ quan thực hiện quyền công tố…

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai - đơn vị trực tiếp điều tra và tiếp cận với toàn bộ hồ sơ vụ án, thậm chí tiếp cận với 27 hộ nông dân trực tiếp sử dụng sản phẩm của Thuận Phong - cho đến nay giữ nguyên quan điểm không đủ cơ sở để khởi tố hình sự, chỉ ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, một số cơ quan liên quan lại có quan điểm ngược lại khiến vụ việc đi vào bế tắc, trở thành vấn đề “nóng” chất vấn trong cả 2 kỳ họp Quốc hội liên tiếp và đích thân Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu tiếp tục điều tra làm rõ.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một vụ việc “nóng” kéo dài lâu đến thế, giờ vẫn “đang chờ” và vẫn chưa thể đưa ra kết luận? Chưa kể, giữa nhiều văn bản trả lời “vênh” nhau trước nay về vụ việc, thì câu trả lời nào là đúng đắn và công bằng được sử dụng trong kết luận vụ việc?

Xét trên lợi ích của hàng chục triệu nông dân, không thể để lọt một vụ án sản xuất phân bón giả, nhưng xét trên khía cạnh môi trường kinh doanh trong bối cảnh Chính phủ đang tìm mọi cách để khuyến khích doanh nghiệp làm ăn chân chính, cũng không thể để doanh nghiệp chịu oan sai.

Một sự thật khác không thể ngó lơ là dù chưa có kết luận vụ việc, nhưng sau hơn 1.320 ngày “phơi mình” trước công luận, Thuận Phong gần như đã trắng tay, từ một doanh nghiệp doanh thu hàng trăm tỷ đồng với công ăn việc làm cho gần 200 con người, nay sống lay lắt, cầm chừng, cán bộ công nhân viên nghỉ việc hàng loạt, chủ doanh nghiệp chạy vạy khắp nơi tìm câu trả lời… Như vậy, dù có vi phạm pháp luật hình sự hay không, Thuận Phong đã chịu một “mức án” rất nặng nề.

“Đúng người, đúng tội” là mong muốn của nhiều phía dư luận trong vụ việc Công ty Thuận Phong, nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật hình sự thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu không, cũng phải có hình thức giải oan, bồi thường hợp lý, sòng phẳng theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật” để không tạo những tiền lệ xấu về sau.

Kim Ngân

Tin xem nhiều