Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm mới, sức sống mới

10:02, 21/02/2018

Sáng 21-2, tức mùng 6 tết, hầu hết các cơ quan báo chí đều đưa thông tin về việc các địa phương, cơ quan công sở trở lại làm việc bình thường.

Sáng 21-2, tức mùng 6 tết, hầu hết các cơ quan báo chí đều đưa thông tin về việc các địa phương, cơ quan công sở trở lại làm việc bình thường. Trước đó, Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố nhấn mạnh đến kế hoạch kiểm tra công vụ ngay sau Tết Nguyên đán. Tết năm nay, theo quy định cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ tết 7 ngày, từ 29 tháng Chạp cho đến hết mùng 5 tháng Giêng, mùng 6 là “hết tết” và tất cả phải trở về với guồng quay của công việc một cách đương nhiên. Vậy vì sao giới truyền thông và cơ quan chức năng phải nhấn mạnh đến vấn đề “làm việc bình thường” cũng như “kiểm tra công vụ”?

Đó là vì trong tư duy của nhiều người, tập quán “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” của một xã hội nông nghiệp vẫn còn tồn tại một cách vô thức. Bởi tư duy này, những ngày làm việc đầu tiên của năm mới thường kém chất lượng, thiếu hiệu quả. Một số cán bộ, công chức đến cơ quan cho “có tụ”, hoặc túm tụm “họp mặt đầu năm”, hoặc í ới hò hẹn nhau du xuân, đi lễ hội, chưa thể tập trung vào công việc nên người dân “có kinh nghiệm” thường tránh đến các công sở vào những ngày này để khỏi mất công chờ đợi, có khi còn phải về tay không. Các doanh nghiệp thì phập phồng lo người lao động còn mải vui tết ở quê nhà, chưa trở vào làm việc khiến sản xuất - kinh doanh bị đình trệ, ảnh hưởng đến thời hạn giao hàng theo hợp đồng.

Tư duy “tháng ăn chơi” còn dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội khác, mà cụ thể nhất là việc cả nước đang tràn ngập lễ hội. Lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Gióng, lễ rước pháo làng Đồng Kỵ… lễ hội nào cũng có hàng ngàn đến hàng chục ngàn người tham gia, vất vả chen chúc lễ bái, cầu khấn. Tương ứng, ở phía Nam thì có tập quán “viếng 10 kiểng chùa” trong tháng Giêng, từ chùa gần cho đến chùa xa. Năm nào Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng phải có văn bản nhắc nhở cán bộ, công chức không đi lễ hội, chùa chiền trong giờ làm việc, không sử dụng xe công đi lễ hội.

Đất nước đang hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp thế hệ 4.0 đang đặt ra cho những “công dân toàn cầu” nhiều mục tiêu, thách thức mới. Muốn đạt đến mục tiêu này, phải có những con người với tác phong công nghiệp, có ý thức văn hóa công nghiệp, kỷ luật lao động. Vì thế, những thói quen lề mề, tư tưởng “tết mà” cần phải kiên quyết chấm dứt, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức. 

Cuộc vui nào cũng phải chấm dứt. Bước vào năm mới, người lao động cần tạo cho mình một khí thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới. Hãy để những ngày tết đã qua thực sự là một kỳ nghỉ lành mạnh, từ đó hào hứng bắt đầu những ngày làm việc mới với phong độ và sức sống mới. 

Hà Lam

 

 

Tin xem nhiều