Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực xây dựng Long Thành phát triển bền vững

09:04, 27/04/2020

45 năm trước, ngày 28-4-1975, quận lỵ Long Thành được giải phóng, tạo đà cho đại quân ta tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

45 năm trước, ngày 28-4-1975, quận lỵ Long Thành (H.Long Thành ngày nay) được giải phóng, tạo đà cho đại quân ta theo hướng Đông Nam tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trung tâm H.Long Thành hôm nay (Ảnh Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp)
Trung tâm H.Long Thành hôm nay (Ảnh Ban Tuyên giáo Huyện ủy cung cấp)

45 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân H.Long Thành đang nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương phát triển bền vững, phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2025.

* Những ngày không quên

Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Quốc Chính (ngụ KP.Phước Hải, TT.Long Thành), nguyên Trung đội trưởng Trung đội 2, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) - một trong những quân đoàn chủ lực của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn kể lại: “Chi khu Long Thành là mục tiêu quan trọng, là cửa ngõ Đông Nam Sài Gòn. Chiếm được mục tiêu này sẽ thuận lợi cho ta tiến công lên nội đô hoặc đánh địch hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, đơn vị hạ quyết tâm phải đánh chiếm bằng được quận lỵ Long Thành”.

Dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng H.Long Thành

Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Long Thành Doãn Đức Thành cho biết, kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng H.Long Thành (28-4-1975 - 28-4-2020), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và lực lượng vũ trang huyện tổ chức dâng hương và viếng nghĩa trang liệt sĩ, tri ân những liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc và quê hương Long Thành.

Dịp này, ngoài dâng hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ, các xã, thị trấn trong huyện tổ chức thắp hương đền thờ liệt sĩ tại địa phương và thăm hỏi gia đình cách mạng, người có công trên địa bàn.

CCB Nguyễn Quốc Chính nhớ lại, vào tối 25-4-1975, đoàn của Bộ Tổng tham mưu đã đưa cán bộ (trong đó có ông) từ Xuân Lộc về bổ sung cho Nông trường An Viễn (đơn vị Quân đoàn 2 ém quân ở đó). 10 giờ đêm 25-4, CCB Nguyễn Quốc Chính cùng đồng đội đã di chuyển từ Nông trường An Viễn qua Long Thành chuẩn bị cho trận đánh sáng 26-4.

Theo kế hoạch tiến công, rạng sáng 26-4 quân ta bắt đầu tiến đánh một số điểm tại chi khu và quận lỵ Long Thành. Trận đánh diễn ra ác liệt giữa ta và địch; nhiều đồng chí hy sinh; bọn địch quyết tâm tử thủ quận lỵ Long Thành (khu vực tháp nước Long Thành) nên nã đạn xối xả về phía quân ta.

Trước tình thế đó, Trung đoàn 101 đã họp, phối hợp cùng đơn vị pháo 100mm trên xe tăng T54 đi đầu bắn vào tháp nước, hỏa lực của đơn vị bắn mạnh vào ổ đề kháng của địch và các khu vực xung quanh khiến chúng rối loạn đội hình. Chớp thời cơ, Đại đội 5 và Đại đội 7 (Trung đoàn 101) xung phong đánh chiếm mục tiêu, phối hợp với Tiểu đoàn 3 tiến công đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy - nhà quận trưởng Long Thành. Bọn địch quyết tử thủ phản kháng liên tục, chúng lợi dụng nhà cao tầng và các ngõ ngách ném lựu đạn, bắn mạnh vào đội hình của ta.

Chỉ huy đơn vị ra lệnh cho đại đội hỏa lực chọn vị trí thuận tiện, nã đạn vào trung tâm chỉ huy, uy hiếp tinh thần và chế áp mục tiêu kiên cố. Bọn địch bên trong trung tâm chỉ huy hoảng loạn, một số tháo chạy ra ngoài… Sau 2 ngày chiến đấu ác liệt với sự hy sinh khá lớn, đến chiều
28-4, toàn bộ quận lỵ Long Thành được hoàn toàn giải phóng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thiếu tướng Nguyễn Văn Nuôi, nguyên Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 năm 1975 đánh giá, quận lỵ Long Thành có vị trí chiến lược rất quan trọng, nối liền giữa Biên Hòa với Bà Rịa - Vũng Tàu, án ngữ trục đường huyết mạch, chặn một hướng tiến công của ta vào nội đô Sài Gòn... Giải phóng Long Thành ngày 28-4 đã tạo đà thuận lợi để quân giải phóng theo hướng Đông Nam cùng các cánh quân khác tiến vào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975.

* Phấn đấu lên thị xã vào năm 2025

Từ một vùng đất đổ nát sau chiến tranh, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong huyện, Long Thành đã phấn đấu vươn lên xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đời sống của người dân được nâng cao về mọi mặt. Đến đầu năm 2020, thu nhập bình quân đạt 66 triệu đồng/người (tăng hơn 20 triệu đồng/người so với năm 2015)...

Vui mừng trước những thành tựu đạt được của H.Long Thành sau 45 năm giải phóng, bà Nguyễn Thị Thanh (ấp Bình Lâm, xã Lộc An) cho biết: “Người dân chúng tôi rất phấn khởi trước sự phát triển nhanh chóng của huyện. Chúng tôi mong muốn những dự án lớn trên địa bàn, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai nhanh vào thực tế, tạo đà phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống người dân”.

Đến nay, Long Thành là một trong những địa phương phát triển mạnh về kinh tế của tỉnh với 5 khu công nghiệp gồm: Lộc An - Bình Sơn, Long Thành, Long Đức, An Phước, Gò Dầu với tổng diện tích gần 1.650ha đang hoạt động. Các khu công nghiệp đều có tỷ lệ lấp đầy trên 50%, cao nhất là Khu công nghiệp Gò Dầu đạt trên 91%, Khu công nghiệp Long Thành trên 84,5%...

Bên cạnh đó, Long Thành hình thành 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 268ha. Trong đó, 3 cụm công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt chi tiết, gồm các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Tam An, Long Phước 1, Phước Bình và Cụm công nghiệp ô tô Đô Thành 68ha được Thủ tướng phê duyệt bổ sung... góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Ngô Thế Ân, đến thời điểm này, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo đạt và vượt 66/68 chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo được chú trọng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tiếp tục tạo động lực để toàn dân chung tay, cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các mục tiêu phát triển.

Các chương trình mục tiêu quốc gia như: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới bảo đảm mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1% theo chuẩn mới, đặc biệt hạn chế được tỷ lệ tái nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Huyện đã huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 đạt trên 1.807 tỷ đồng, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu vực nông thôn, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn trên địa bàn.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Ngô Thế Ân cho biết thêm, để phấn đấu nâng huyện thành thị xã vào năm 2025, huyện đã xác định 6 nhóm giải pháp đột phá tập trung phát triển. Đó là: nâng cao chất lượng, tạo đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, tạo động lực thu hút đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội và đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn; đảm bảo thu hồi đất, tái định cư, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đô thị gắn mục tiêu xây dựng 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tập trung thu hút vốn đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là hạ tầng dịch vụ khu vực cảng hàng không quốc tế Long Thành; đào tạo, nâng chất nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phát triển.

Tập trung cho đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Phó bí thư thường trực Huyện ủy Long Thành Ngô Thế Ân cho biết, Long Thành hiện đang có nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng diện tích khoảng 5 ngàn ha.

Đến thời điểm này, huyện đã cùng với các đơn vị liên quan tập trung hoàn thành công tác đo đạc, kiểm đếm khu vực ưu tiên khoảng 1.810ha, đang thực hiện công tác kiểm đếm khu vực còn lại 3.190ha. Hiện huyện đang thực hiện định giá đất, phấn đấu đến tháng 6-2020, công khai phương án bồi thường; trong quý III-2020 tập trung chi trả bồi thường để đến cuối năm 2020 bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai thi công dự án.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều