Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mùa xuân của Thi tướng Chiến khu Xanh

11:01, 28/01/2014

Xuân Giáp Ngọ 2014, người miền Đông và có lẽ nhiều hơn thế, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Huỳnh Văn Nghệ. Tròn một thế kỷ trước, sau Tết Giáp Dần (1914), có mấy hôm, ngày mùng 8, "Bà má bán cau" Đoàn Thị Hiển hạ sinh người con thứ bảy, cậu con trai út - Tám Nghệ.

Duyên với mùa xuân

Xuân Giáp Ngọ 2014, người miền Đông và có lẽ nhiều hơn thế, kỷ niệm 100 năm ngày sinh Huỳnh Văn Nghệ. Tròn một thế kỷ trước, sau Tết Giáp Dần (1914), có mấy hôm, ngày mùng 8, “Bà má bán cau” Đoàn Thị Hiển hạ sinh người con thứ bảy, cậu con trai út - Tám Nghệ. Hẳn “Bà má bán cau” đâu biết đây chính là người sẽ tạc bức tượng về người Mẹ - ruột - rà của mình và người Mẹ - quê - hương bằng thơ. Hôm đó, lửa trên trời rực sáng (ngày sinh Kỷ Mùi - Thiên Thượng Hỏa); lửa trong căn nhà nhỏ bên bờ sông Đồng Nai ở Tân Tịch cũng vừa được nhóm lên (tháng sinh Bính Dần - Lư Trung Hỏa).

Mùa xuân là mùa thanh tân của vạn vật đất trời. Từ quê hương rừng thẳm, một dòng suối nhỏ (năm sinh Giáp Dần - Đại Khê Thủy) đang cựa mình để đến với sông dài biển rộng. Lửa Trời, lửa Đất đều soi sáng cho dòng Đại Khê Thủy ấy.

Đấy là cái duyên đầu của Huỳnh Văn Nghệ với mùa xuân. Sau này, khi trở thành “con hùm xám” miền Đông, Huỳnh Văn Nghệ rất có duyên với mùa xuân khi chỉ huy những trận đánh lớn mà trong bản báo cáo ngày 23-9-1953, ông đã viết:

“Tham gia trận tấn công vào thị xã Biên Hòa ngày 2-1-1946. Đây là trận phản công lớn nhất đầu tiên ở Nam bộ (…).

“Tháng 2-1946: Trực tiếp chỉ huy mặt trận Tân Tịch Lạc An, vừa chỉ đạo việc tiếp tế lương thực đạn dược cho toàn mặt trận gồm hơn 5.000 người đánh suốt hai ngày đêm. Kết quả đánh lui thủy, lục, không quân địch làm chúng không chiếm được Tân Uyên mà phải bỏ lại rất nhiều xác chết và hai tàu chìm.

 Huỳnh Văn Nghệ với các sĩ quan quân đội CHDC Đức.
Huỳnh Văn Nghệ với các sĩ quan quân đội CHDC Đức.

“Trực tiếp chỉ huy chống 8 trận tấn công lớn của địch vào Chiến khu Tân Uyên Lạc An trong 6 tháng đầu 1946 (…). Trận tháng 3-1946, tiêu diệt một đại đội địch và bắn rơi một máy bay, giết được tên quan năm không quân Barlier, là chiếc máy bay đầu tiên của địch bị ta hạ ở Nam bộ.

“Tham gia trận La Ngà 1-3-1948: Đây là trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam bộ đến ngày ấy. Tiêu diệt hai C địch, 63 xe camions và thiết giáp, giết hai tên quan năm De Sérigné và Barute, bắt sống một số sĩ quan địch….”

Huỳnh Văn Nghệ và con rể Nguyễn Công Minh tại Tà Thiết - Lộc Ninh.
Huỳnh Văn Nghệ và con rể Nguyễn Công Minh tại Tà Thiết - Lộc Ninh.

Cái duyên cuối cùng của Huỳnh Văn Nghệ với mùa xuân là ngày mười sáu tháng Giêng năm Đinh Tỵ (ngày 5-3-1977). Năm nay, đã 37 mùa xuân nhà thơ không còn đón Tết nơi dương gian, Huỳnh Văn Nghệ đã trở về với Đất Mẹ (năm Đinh Tỵ - Sa Trung Thổ), hay chính quê hương rừng thẳm sông dài đã giang tay đón lấy người con ruột rà của mình sau những chuyến đi làm rạng danh xứ sở.

Mùa xuân trong văn chương Huỳnh Văn Nghệ

Phải chăng vì có duyên nên mùa xuân và tết đi vào văn chương Huỳnh Văn Nghệ từ rất sớm. Năm 1935, tức năm Huỳnh Văn Nghệ có thơ đăng báo đầu tiên mà đến nay chúng ta biết, xuân đã có mặt ở bài thơ Em không muốn đăng trên báo Sống (Sài Gòn):

Này em trông: Ánh Xuân tươi sắp biệt

Còn trên má son mà môi anh chửa biết…

Khi ánh xuân sắp mất mà tình nhân còn mãi vụng về, đáng trách biết bao! Ở đây, người đọc không chỉ thấy nét tinh nghịch của một chàng trai trẻ mà sự ý thức về thời gian khá tinh tế.

Huỳnh Văn Nghệ làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Huỳnh Văn Nghệ làm việc tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Mấy năm sau, Huỳnh Văn Nghệ không có dịp chào đón mùa xuân ở quê hương, dù Tân Uyên hay Sài Gòn. Ông phải “tha hương” tận Bangkok (Thái Lan) và đón Tết Nhâm Ngọ (1942) nơi đất khách với lòng ngậm ngùi khi hình dung về quê nhà:

Đêm hôm nay cũng có bà mẹ khổ

Mải trông con quên cả lễ giao thừa.

Đêm hôm nay chạnh lòng người chinh phụ

Đếm tuổi con để nhớ thuở chồng xa.

Không những thế, lòng người tha hương còn dội lên nỗi uất ức của một  “khách chinh phu”:

Đêm hôm nay nơi tha hương lữ thứ,

Khách chinh phu dừng bước lại bên đường,

Ngắm sao mờ phía chân trời xứ sở,

Nhớ quê hương trong một khúc đoạn trường

(Tết quê người)

Phải đến ba năm sau, Huỳnh Văn Nghệ mới được ăn tết nơi quê nhà. Lần này là cái tết trong “Chiến khu Xanh”, nơi ông cùng quân và dân miền Đông đã ngoan cường bám trụ, phản công sau nhiều cuộc càn quét của kẻ thù:

Đền thờ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.
Đền thờ Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Xuân vẫn về đây giữa chiến khu.

Rừng thiêng nay bỗng hết âm u.

Nước non hớn hở thay màu áo.

Suối bạc ngân reo chuỗi hạt châu.

(Chiến khu - 1948)

Vui xuân nhưng vẫn “không quên nhiệm vụ”:

Phấp phới cờ lay dưới gió Xuân

Quân ca từng khúc nhịp xa, gần,

Một đoàn hiệp sĩ đi ra trận

Có bướm chim đưa tận cuối Rừng.

Huỳnh Văn Nghệ cũng như các chiến sĩ của ông đưa ra một quan niệm mới về mùa xuân, về cái Tết:

Chiến sĩ từng đoàn dưới nắng tươi

Bên hoa ngồi kể chuyện, nô cười:

- Xuân sau ăn Tết nơi nào nhỉ?

- Tùy bóng cờ kia sẽ trả lời.

Mùa xuân của đất trời, nhưng nếu tha hương, lòng chỉ vang lên “khúc đoạn trường”. Mùa xuân viên mãn chỉ có khi trời xuân hòa với lòng xuân.

Năm 1957 trên đất Bắc, nhớ lại những mùa xuân đã qua ở miền Nam ruột thịt, Huỳnh Văn Nghệ viết bài báo Tết Mùa xuân sẽ nở đều trên hai miền Nam - Bắc đăng trên tờ Quân đội Nhân dân. Ông nhớ nhất là những cái Tết ở Chiến khu Đ:

Mùa xuân kháng chiến đầu tiên quân địch mở đường tấn công chúng ta, nhưng Đồng Nai đã ăn cái Tết thắng trận đầu tiên, rộn ràng say sưa như lần đầu tiên nhấp môi uống vào ly rượu mạnh. Mùa xuân năm sau, toàn quốc kháng chiến, những người chiến sĩ miền Nam đã cùng quân dân toàn quốc càng đi sâu vào bưng biền đồng ruộng, ăn chân bắt rễ vào đất đai của Tổ quốc, lấy sức đâm mầm nảy lộc ngoi lên giành với quân thù quyền sống, bước lên những bước chắc nịch của kháng chiến trường kỳ.

Mộ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở xã Thường Tân (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Mộ thi tướng Huỳnh Văn Nghệ ở xã Thường Tân (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Theo nhà thơ, từ ngày tháng Tám mùa thu, rồi Nam bộ kháng chiến trở đi, ở miền Nam, Tết của chúng ta không chờ mùa xuân của đất trời nữa, mà cứ mỗi lần thắng lợi là mỗi lần Tết đến với chúng ta. Tết Trảng Táo, Tết Bảo Chánh, Tết Bàu Cá, Tết Đồng Xoài, ngần ấy cái Tết chỉ trong vòng sáu tháng cuối năm 1947. Vì thế, sẽ có ngày hoa mùa xuân sẽ được nở đều trên hai bờ sông Bến Hải.

Huỳnh Văn Nghệ chỉ hưởng được hai mùa xuân, đúng hơn là hai cái Tết, như ông từng ước vọng: Tết Bính Thìn (1976) và Tết Đinh Tỵ (1977).

22-Huynh-Van-Nghe-(Thi-tướng-Huỳnh-Văn-Nghệ-ở-Chiến-khu-Đ).jpg
Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914 tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hồi nhỏ học ở quê, sau đó học Trường Pétrus Ký (Sài Gòn), đỗ tú tài, làm công chức ở Sở Hỏa xa. Tham gia cách mạng từ năm 1932 trong phong trào Đông Dương Đại hội tại Sở Hỏa xa (Sài Gòn). Năm 1932, được giác ngộ, tham gia phong trào Đông Dương Đại hội; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1942-1945: hoạt động cách mạng tại Thái Lan, thành lập nhóm Sống mạnh Văn đoàn và làm chủ bút tờ báo Hồn Cố Hương. Tham gia cướp chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở Sài Gòn và Biên Hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Huỳnh Văn Nghệ là người lập nên Chiến khu Đ nổi tiếng, Chi đội trưởng Chi đội 10, Phó bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Biên Hòa, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Biên, Tư lệnh Khu VII... Từ 1954-1965: Trưởng phòng TDTT, Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Từ 1965-1975: Trở về công tác tại chiến trường miền Nam, giữ chức Trưởng ban Căn cứ R; Phó bí thư Đảng ủy Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam; Trưởng ban Lâm nghiệp R. Sau năm 1975 là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Mất ngày 5-3-1977 tại TP.Hồ Chí Minh. Năm 2005, được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật; năm 2010 được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

Bây giờ, mỗi năm Tết đến xuân về, người đời lại nhớ về Huỳnh Văn Nghệ, người đã rất có duyên với mùa xuân ngay từ buổi ban đầu. Hẳn trong đất Đất Mẹ, nhà thơ vẫn đang nở nụ cười xuân ấm áp với đồng bào và Tổ quốc mình, bởi lúc nào ông cũng là người “lăn lóc giữa đường trần”, “không phân biệt lúc mài gươm múa bút” để ca lên những khúc hát tự tình của quê hương rừng thẳm sông dài.

Xin yêu và nhớ lấy khúc tráng ca chỉ vang lên một lần để trở thành mãi mãi của Thi tướng Chiến khu Xanh!

Tiết Tiểu hàn, Quý Tỵ

BÙI QUANG HUY

 

 

 

Tin xem nhiều