Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến pháp 2013 - Khởi động đầu Xuân

11:01, 28/01/2014

Mùa Xuân khởi đầu cho một năm. Hiến pháp năm 2013 khởi đầu từ mùa Xuân. Có một sự trùng hợp thú vị, 4 trong 5 Hiến pháp, gồm các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 2013 đều bắt đầu vào mùa Xuân. Năm nay Xuân Giáp Ngọ, uống trà xuân nghĩ về Hiến pháp 2013 vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2014.

Mùa Xuân khởi đầu cho một năm. Hiến pháp năm 2013 khởi đầu từ mùa Xuân. Có một sự trùng hợp thú vị, 4 trong 5 Hiến pháp, gồm các Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 2013 đều bắt đầu vào mùa Xuân. Năm nay Xuân Giáp Ngọ, uống trà xuân nghĩ về Hiến pháp 2013 vừa được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1-1-2014.

 Ngày 8-12-2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký‎  Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt  Nam và Lệnh công bố Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 8-12-2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký‎ Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Lệnh công bố Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đất nước ta giành được độc lập, thoát vòng nô lệ của thực dân Pháp từ tháng 8-1945. Ngày 9-11-1946, Quốc hội của đất nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ đã biểu quyết thông qua Hiến pháp 1946 với nhiều điều thật tiến bộ, trong đó có quyền con người, trước cả Công ước quốc tế về nhân quyền đến 20 năm (1966). Lần lượt các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 ra đời đều có ý nghĩa lịch sử, gắn với những cột mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Nhiều nét mới

Tính từ thời điểm ban hành Hiến pháp 1992 đã 21 năm trôi qua, đất nước đã có nhiều thay đổi mạnh mẽ, nhiều vấn đề mới xuất hiện, vì thế việc xây dựng Hiến pháp 2013 nhằm phù hợp với tình hình mới là điều cần thiết và khách quan. Dự thảo Hiến pháp 2013 được xây dựng theo quan điểm dựa trên kết quả tổng kết sâu sắc thực tế thi hành Hiến pháp 1992, tiếp tục kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và các bản Hiến pháp trước một cách toàn diện, biện chứng, cách làm khoa học, thận trọng; tránh tư duy bao biện, xa rời thực tiễn.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Hiến pháp 2013 đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Những vấn đề mới, hoặc ý kiến còn khác nhau sẽ được tiếp tục xem xét, nghiên cứu.

Cách xây dựng Hiến pháp 2013 cũng hoàn toàn mới so với trước. Dự thảo Hiến pháp được tiến hành lấy ý kiến sâu rộng, phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung ý kiến của các nhà khoa học, lập pháp chuyên nghiệp, có cả người Việt Nam ở nước ngoài. Việc lấy ý kiến Hiến pháp đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng trong xã hội. Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm về cả nội dung và kỹ thuật lập hiến đã được đóng góp vào dự thảo. Trong hàng chục triệu ý kiến đóng góp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã chỉ đạo tập hợp, tổng hợp, phân loại, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng; phân tích, giải trình lý do không tiếp thu những góp ý chưa phù hợp trên tinh thần dân chủ, tôn trọng ý kiến khác nhau nhưng đóng góp với trách nhiệm và ý thức xây dựng cao trên nền tảng lòng yêu nước.

Học sinh Trường dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán.
Học sinh Trường dân tộc nội trú liên huyện Tân Phú - Định Quán. Ảnh: Vĩnh Huy

Trong quá trình lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo, có một số ý kiến tập trung vào 5 nội dung hòng làm thay đổi bản chất chế độ, như bỏ Điều 4 (về vai trò lãnh đạo của Đảng), phi chính trị hóa quân đội… Tuy nhiên, với nguyện vọng của đa số tầng lớp nhân dân, với định hướng kiên trì nguyên tắc, chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và có sự thống nhất cao, ban soạn thảo đã không bị dẫn dắt lạc lối vào những vấn đề không mang tính xây dựng đất nước.

Phù hợp nguyện vọng nhân dân

Ngày 28-11-2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 bao gồm 11 chương và 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp 1992), trong đó giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều trên cơ sở tu chỉnh và hoàn thiện phù hợp nguyện vọng nhân dân.

Người dân Biên Hòa vui Xuân trên đường hoa Trấn Biên.
Người dân Biên Hòa vui Xuân trên đường hoa Trấn Biên. Ảnh: Lâm Cón

Về Điều 4, ngoài quy định “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác  Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, Hiến pháp 2013 còn xác định “tọa độ” của Đảng là trong lòng dân, khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và dân là như “cá với nước” thông qua bổ sung “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Trong tình hình chính trị thế giới hiện nay, đặc biệt là các nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia gần đây cho thấy, thể chế đa đảng không phải là phép màu, cứu cánh của sự ổn định như những luận điệu xuyên tạc. Trái lại, tình trạng đa đảng còn đem lại sự rối loạn về chính trị, an ninh, trật tự xã hội, và gánh chịu thiệt thòi về sự mất ổn định ấy cuối cùng cũng là nhân dân.

Việc tổ chức ăn tết truyền thống năm con ngựa, nhiều ý kiến đang bàn nhau nên làm theo "Tây" hay theo "Ta". “Tây" hay "Ta" thì trước hết vẫn phải giữ truyền thống dân tộc, hướng đến một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhưng vẫn phải tiên tiến theo hiến định, "Phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" (Khoản 3, Điều 5 Hiến pháp 2013).

Về quyền con người, Hiến pháp 2013 kế thừa và phát huy ưu điểm của các Hiến pháp trước, vừa hiệp thông với nhân quyền thế giới, vừa mang tính đặc thù của văn hóa Việt Nam. Hiến pháp 2013 khẳng định rõ: Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bởi lợi ích của một cá nhân không thể vượt lên trên lợi ích của tập thể, gia đình, dòng tộc, cộng đồng. Ngoài ra, Hiến pháp 2013 còn bổ sung Quyền sống, đây là quy định mới hoàn toàn so với Hiến pháp 1992.

Về vấn đề đất đai, Hiến pháp 2013 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Hiến pháp 1992 rõ ràng và phù hợp với thực tiễn hơn, khẳng định quyền sở hữu rõ hơn, giải quyết hài hòa giữa quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân với lợi ích chung của đất nước.

Về tư pháp, Hiến pháp không sử dụng thể chế “tam quyền phân lập” mà có sự độc lập trong thống nhất, có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, trong đó lấy cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng hoạt động làm nền tảng cốt lõi. Với ý kiến đề nghị thành lập cơ quan Bảo hiến, Quốc hội đã đưa ra thảo luận, thống nhất định hướng tăng cường năng lực, trách nhiệm của cơ quan lập hiến, kiểm soát, bảo vệ Hiến pháp là Quốc hội và các cơ quan chuyên môn khác.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nghiên cứu Hiến pháp năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng nghiên cứu Hiến pháp năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2014.

Về vấn đề Lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội ta luôn xác định từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, nên không thể phi chính trị hóa mà phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài quy định Lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Tổ quốc và Nhân dân, Hiến pháp 2013 còn bổ sung quy định phải trung thành với Đảng và Nhà nước.

Qua mùa Xuân này, trung ương sẽ hướng dẫn học tập, quán triệt sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là hình thành nhận thức trong mỗi người về tinh thần thượng tôn pháp luật. Khẩu hiệu "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" trước đây thường xuyên xuất hiện ở nhiều nơi, giờ đây cần được tiếp tục tô đậm, thường trực khắp nơi để nhắc nhở. Điều quan trọng hơn cả, là từ giáo dục học đường, truyền thông đến hoạt động xã hội đều được tạo thiết chế theo hướng tuân thủ và thực thi Hiến pháp, pháp luật. Làm sao cho mỗi người dân, cán bộ công chức đều thực thi pháp luật bằng hình thức tự giác và có khả năng giám sát người khác. Hiện nay, toàn Đảng học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, đều lấy việc nêu gương làm hạt nhân. Vậy, tấm gương tự giác thực hiện tốt theo Hiến pháp và pháp luật cũng cần được chú trọng, trong đội hình được biểu dương, tôn vinh, nhằm động viên giáo dục trong toàn xã hội.

HUỲNH VĂN TỚI

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

 

Tin xem nhiều