Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Ý thức giao thông, vấn đề cốt lõi

02:11, 16/11/2015

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, tai nạn giao thông (TNGT) sẽ đứng hàng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, hơn cả bệnh ung thư, lao phổi và AIDS. Có 7 nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng ở Việt Nam được tổ chức này thống kê

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, tai nạn giao thông (TNGT) sẽ đứng hàng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên thế giới, hơn cả bệnh ung thư, lao phổi và AIDS. Có 7 nguyên nhân dẫn đến TNGT gia tăng ở Việt Nam được tổ chức này thống kê.

* “Điểm mặt” nguyên nhân

 Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số vụ TNGT, nhưng 7 nguyên nhân chính được WHO “điểm mặt” và cho đó là những nguyên nhân có tác động mạnh mẽ đến sự gia tăng số vụ TNGT này, đó là: số lượng phương tiện giao thông cá nhân đường bộ quá nhiều; hạ tầng nhiều nơi không đảm bảo an toàn; ý thức và văn hóa tham gia giao thông còn kém; uống rượu bia khi tham gia giao thông; độ an toàn của phương tiện quá thấp; thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ; nạn tham nhũng của cảnh sát giao thông...

Những hình ảnh thiếu ý thức chấp hành giao thông này không khó gặp trên đường
Những hình ảnh thiếu ý thức chấp hành giao thông này không khó gặp trên đường

Ông Jeffery Kobza, quyền Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, ông quan tâm đến 2 nguyên nhân có sự tác động mạnh mẽ hơn cả đến sự gia tăng số vụ TNGT, đó là ý thức tham giao thông và giao thông khi đã uống rượu bia ở Việt Nam.

Hình ảnh những ngã ba, ngã tư luôn chật cứng ô tô, xe máy chậm chạp di chuyển không hàng, không lối trong những giờ cao điểm là chuyện xảy ra hàng ngày tại các đô thị lớn. Hình ảnh chen lấn, không ai chịu nhường ai chính là nguyên nhân gây ra ách tắc giao thông. Khi luồng giao thông quá dày đặc trong những giao cắt và những người vượt đèn đỏ, lấn làn, vượt tuyến chạy tốc độ khá cao thì sự va chạm dẫn đến TNGT là hậu quả tất yếu.

Còn những người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia cũng là vấn đề được quan tâm không chỉ của WHO, mà còn là sự lo lắng của mỗi gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Chương, một bác sĩ ngoại khoa ở Trung tâm Y tế Nữ hoàng Beatrix (Hà Lan) về thăm gia đình ở phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa) trong dịp tết nguyên đán vừa qua, ông không khỏi ngạc nhiên khi thấy những người đã uống rượu nhưng vẫn phóng xe máy, ô tô. Ông Chương cho hay: “Uống rượu khiến người ta không còn đủ tỉnh táo để làm chủ tốc độ lẫn xử lý tình huống khi có chướng ngại vật. Rượu ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm suy giảm kỹ năng kiểm soát bản thân, khả năng vận động và chịu nhiều tác dụng phụ khác. Lúc đó điều khiển xe, dễ gây ra TNGT”.

Theo phân tích của Ủy ban ATGT quốc gia, có đến 60% số vụ TNGT xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông… Điều này cho thấy, ý thức của người tham gia giao thông có thể quyết định được sự tăng hay giảm số vụ TNGT.

Rõ ràng, TNGT ở nước ta khó có thể giảm, khi mà các nhóm nguyên nhân này vẫn tồn tại như một thách thức, mặc cho những thiệt hại về người, tài sản lẫn các hệ lụy của xã hội đang góp phần suy giảm chất lượng sống…

* Giáo dục ý thức giao thông: không bao giờ muộn

Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã đưa ra các quy định an toàn khi tham gia giao thông, cũng như các chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm, nhưng dường như không phát huy tác dụng khi  ý thức chấp hành giao thông của người dân còn hạn chế.

Giáo dục ATGT tại Trường tiểu học Tân Hạnh (TP. Biên Hòa)
Giáo dục ATGT tại Trường tiểu học Tân Hạnh (TP. Biên Hòa)

Nhật Bản được mệnh danh là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất trên thế giới và người dân có ý thức rất cao khi tham gia giao thông. Để có ngày hôm nay, đất nước này đã mất 50 năm để giáo dục ý thức giao thông cho dân. Những năm 1960, mỗi năm Nhật Bản có 17 ngàn người chết. Con số này đương tương với binh sĩ Nhật tử vong trong chiến tranh, đến nỗi chính phủ Nhật Bản đã gọi là “Chiến tranh giao thông”.  Một trong những giải pháp được Nhật Bản rất chú trọng đó là giáo dục ý thức ATGT cho trẻ em ngay từ nhỏ.

Đây là một kinh nghiệm rất đáng quý cho Việt Nam. Để đẩy lùi hiểm họa TNGT cũng như cải thiện tình trạng giao thông hiện nay, việc giáo dục ý thức tham gia giao thông là một hướng đi tích cực có tính bền vững lâu dài. Muốn làm được điều này  không đơn thuần chỉ có những buổi học lý thuyết giáo dục về ATGT, hay đưa ra những khẩu hiệu như “Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông”, “Đã uống bia rượu thì không lái xe”... Bởi với người thiếu ý thức thì khẩu hiệu dù có hay đến mấy cũng bằng thừa.

Từ năm 2015, Uỷ ban ATGT quốc gia và  Bộ GD-ĐT sẽ đưa chương trình ATGT vào các cấp học với mục đích giáo dục ý thức và hình thành văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên việc giáo dục không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường mà còn của mỗi gia đình.

Một người có ý thức, nhiều người có ý thức, tình trạng giao thông của Việt Nam sẽ được cải thiện. Nhật Bản đã mất hơn 50 năm để cải thiện tình trạng giao thông. Việt Nam mất bao nhiêu năm, điều đó phụ thuộc vào ý thức của mỗi người.

Phương Liễu

[links(left)]

 

 

Tin xem nhiều