Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người "gác đường"

02:11, 16/11/2015

Trong cái nhìn của người dân,hình ảnh của cảnh sát giao thông (CSGT) chưa thật thân thiện bởi gắn với những tiêu cực. Điều đó thực tế cũng có, nhưng chỉ là một vài "con sâu" làm "rầu nồi canh". Có chứng kiến công việc thầm lặng của các anh và suy nghĩ một cách công tâm sẽ thấy, CSGT là một "nghề" vất vả và đầy nguy hiểm.

Bài 1: Cảnh sát giao thông: “Nghề” lặng thầm và nguy hiểm

Trong cái nhìn của người dân,hình ảnh của cảnh sát giao thông (CSGT) chưa thật thân thiện bởi gắn với những tiêu cực. Điều đó thực tế cũng có, nhưng chỉ là một vài “con sâu” làm “rầu nồi canh”. Có chứng kiến công việc thầm lặng của các anh và suy nghĩ một cách công tâm sẽ thấy, CSGT là một “nghề” vất vả và đầy nguy hiểm.

* Lặng thầm trên từng cây số…

Mùa hè, trời nắng nóng như đổ lửa. Ra khỏi nhà nhiều người phải bịt kín, đứng chờ đèn xanh chỉ vài chục giây đôi khi đã  khó chịu, trong khi đó, CSGT đô thị mỗi ngày mỗi người phải đứng từ 4 - 8 giờ trong thời tiết nắng nóng, chịu trận với khói xe, bụi đường... Song, với nhiều chiến sĩ, buồn nhất là khi không nhận được sự cảm thông và cái cái nhìn thân thiện của cộng đồng.

Nữ cảnh sát điều khiển giao thông trên đường phố
Nữ cảnh sát điều khiển giao thông trên đường phố

Do thường xuyên đi trên đường, người viết nhiều lần chứng kiến sự vất vả của CSGT khi làm nhiệm vụ điều tiết giao thông trên các tuyến đường. Với thực tế đường sá còn chật hẹp, lưu lượng người tham gia giao thông  lớn - nhất là trong giờ cao điểm, đặc biệt là ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của người dân còn kém, thì sự có mặt của CSGT là không thể thiếu.

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật – bảo hộ lao động, CSGT thường bị các bệnh như: viêm khớp, tai mũi họng, viêm xoang, viêm tai, vẹo vách ngăn mũi… CSGT khi làm việc thường xuyên chịu sự căng thẳng nên cũng mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp…

Mới đây, người viết “lâm” vào một đoạn đường tắc nghẽn do tai nạn giao thông. Giữa cái nắng gay gắt, hàng trăm chiếc xe lớn nhỏ dồn cục lại. Tiếng còi xe vang lên chát chúa, tiếng động cơ ù ù, cộng với mùi khói xăng, bụi bặm của đường phố khiến không gian như ngộp thở. Những cái đầu “nóng” chen nhau nhích từng chút. Hễ thấy chỗ nào trống là “xấn” tới, lấn làn khiến cho nút thắt lại càng chặt hơn. Lúc đó, Đại úy Đinh Văn Hải, một CSGT (thuộc Đội CSGT TP. Biên Hòa) được điều từ hiện trường vụ tai nạn xuống. Gương mặt anh căng thẳng nhưng thái độ rất dứt khoát. Để “cởi” nút thắt này, anh yêu cầu những người lấn làn phải trở lại phần đường của mình. Bằng những hoạt động nghiệp vụ, phân chia làn tuyến, chỉ mười phút sau, lưu thông được thông suốt, đám đông như được hạ hỏa. Đặt tình huống nếu không có CSGT, nút thắt ấy bao giờ mới được “cởi”?!

Đại úy Đinh Văn Hải chia sẻ: “Trong các “binh chủng” của lực lượng công an, có lẽ CSGT là bị người dân “soi” nhiều nhất. Bởi chúng tôi là lực lượng hàng ngày tiếp xúc, va chạm với người dân. Luật lệ đã có, nhưng nhiều người dân không tuân thủ. Khi bị CSGT “tuýt còi”, bị phạt tiền, bị giữ xe, giữ giấy tờ…nghĩa là quyền lợi riêng tư bị “chạm” đến thì họ không hài lòng, có nhiều người còn quay sang chửi rủa thậm tệ. Nhưng nếu người dân mạnh ai nấy đi, giao thông sẽ hỗn loạn và tai nạn sẽ xảy ra”.

* Đối mặt với hiểm nguy

“Nghề” CSGT không chỉ vất vả để người dân giao thông an toàn mà còn phải thường xuyên đối mặt với hiểm nguy khi hàng ngày, hàng đêm phải đối phó với những tay tài xế chở hàng lậu, bọn đua nóng, đua xe sẵn sàng lao xe trực diện tấn công CSGT.

CSGT thường phải đối mặt với hiểm nguy (ảnh M.H)
CSGT thường phải đối mặt với hiểm nguy (ảnh M.H)

Thời gian qua, báo chí đây đó đưa tin nhiều CSGT bị tai nạn thương tích, thậm chí bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ. Chẳng hạn như tại Hà Nội, một chiến sĩ CSGT bị đối tượng vi phạm giao thông dùng máy cắt cỏ chém đứt gân tay, gãy xương tay phải, rách mũi, rách má trái, gãy răng, sức khỏe tổn hại;  Đau lòng hơn, ở Huế, một  chiến sĩ CSGT đã hy sinh khi bị xe máy của đối tượng vi phạm đâm thẳng vào người. Hay trên đường đi tuần tra, một CSGT ở Đắk Lắk đã bị xe tải chạy ngược chiều tông trực diện khiến tử vong tại chỗ. Tại Đồng Nai, tình trạng CSGT bị đe dọa, uy hiếp, thậm chí lao xe thẳng vào người cũng đã diễn ra. Mới đây, một CSGT ở Trảng Bom bị một đối tượng vận chuyển hàng lậu phóng thẳng xe vào người để thoát thân khi bị chặn lại kiểm tra, nhưng may mắn anh đã tránh được cú tông chết người ấy. Hoặc ở Định Quán, một CSGT bị bọn đua xe mang mã tấu đòi mạng khi CSGT này cố chặn một cuộc đua xe tốc độ cao…

Thiếu tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng CSGT (CA tỉnh) tâm sự: “So với những lực lượng khác như cảnh sát điều tra, hình sự, sự vất vả của “nghề” CSGT chưa thấm vào đâu. Tuy nhiên, CSGT ngoài việc giữ trật tự an toàn giao thông, còn cùng với các lực lượng khác tham gia triệt phá nhiều vụ buôn lậu, bắt giữ các đối tượng phạm pháp hình sự. Đặc biệt, Đồng Nai có tuyến quốc lộ huyết mạch, lại tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố. Vì thế mà nhiệm vụ đấu tranh trong các chuyên án, đón lỏng, bắt giữ các đối tượng buôn lậu, triệt phá nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, ma túy… hiểm nguy luôn chực chờ”.

Hiện lực lượng CSGT còn mỏng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ CSGT phải căng mình bám đường. Nếu chia bình quân,  mỗi CSGT phải đảm đương 70km đường và chia nhau trực 24/24 giờ trong điều kiện trang thiết bị cơ bản, chủ yếu anh em vẫn phải dùng sức người là chính. Đặc biệt những ngày nghỉ lễ, tết CSGT chẳng bao giờ được nghỉ cùng gia đình mà phải làm việc cật lực để niềm vui của người dân được trọn vẹn…

Phương Liễu

Còn tiếp bài 2: “Chiến sĩ” chống đinh tặc ấp  Xóm Gò

 

 

 

Tin xem nhiều