Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo ngộ độc thực phẩm, chất gây nghiện

07:03, 29/03/2023

Vừa qua, cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc botulinum. Đây là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Vừa qua, cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc botulinum. Đây là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong rất cao.

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trong tỉnh
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trong tỉnh

Tháng 7-2020, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận 3 trường hợp ngộ độc botulinum. Nhờ được cứu chữa kịp thời, các bệnh nhân đã hồi phục tốt sau nhiều tháng điều trị.

Nhiều trường hợp ngộ độc

BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, 3 nữ bệnh nhân bị ngộ độc botulinum từng được điều trị tại bệnh viện còn rất trẻ. Trước khi bị ngộ độc, các bệnh nhân cùng nhau ăn món Pate Minh Chay đặt mua trên mạng.

Các triệu chứng của bệnh nhân khi nhập viện là: khó nuốt, yếu tay chân, thở yếu, sụp mi, mắt không mở lên được, suy hô hấp, tình trạng bệnh rất nặng. Ròng rã 3-4 tháng trời, các bệnh nhân được các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM chăm sóc đặc biệt. May mắn, cả 3 bệnh nhân sau đó phục hồi tốt và được xuất viện. Tuy nhiên, chi phí điều trị, ăn uống, sinh hoạt mà gia đình các bệnh nhân phải trả lên đến vài trăm triệu đồng.

Cách đây ít ngày, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 6 trường hợp nghi ngộ độc chất gây nghiện không rõ loại.

Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân nên thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống chín. Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đồng Nai Nguyễn Đình Minh cho hay, nhận được tin báo từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Tổ điều tra do Chi cục ATVSTP Đồng Nai phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh đã tiến hành làm việc với bệnh viện và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Theo đó, trong ngày 22-3, bệnh viện tiếp nhận 6 trường hợp (5 nữ, 1 nam, tuổi từ 18-30) nhập viện trong tình trạng hôn mê, lơ mơ, tím tái. Một người trong số các bệnh nhân cho biết, tối trước đó, một nhóm khoảng 6-7 người nhậu chung với nhau tại một phòng trọ trên địa bàn H.Định Quán. Cả nhóm có uống rượu kèm với thuốc (không rõ loại). Rượu và thức ăn được mua tại một quán ăn trên địa bàn xã Phú Cường. Lực lượng chức năng đã làm việc với quán ăn, ghi nhận quán còn 3 lít rượu chuối hột.

Báo cáo của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho thấy, cả 6 bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán theo dõi ngộ độc chất gây nghiện không rõ loại. Cả 6 bệnh nhân đều không có triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa. Bước đầu, Chi cục ATVSTP loại trừ đây là vụ ngộ độc thực phẩm.

Chi cục ATVSTP Đồng Nai đã kiến nghị Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp tục lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu của bệnh nhân đang được lưu tại bệnh viện đưa đến cơ quan chức năng kiểm tra các chất gây nghiện khác (bao gồm cả chất Gamma Hydroxybutyrate) để cảnh báo cộng đồng.

Quản lý chặt ATVSTP

Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm nhận định, thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp…

Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đồng Nai Nguyễn Đình Minh cho hay, trong năm 2022, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm được các lực lượng chức năng trong tỉnh triển khai quyết liệt. Các trường hợp vi phạm được phát hiện đều bị xử lý nghiêm, công khai kịp thời trên phương tiện tuyền thông.

Theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện thanh, kiểm tra, hậu kiểm tại hơn 15,2 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, phát hiện hơn 2 ngàn cơ sở vi phạm. Bên cạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn khắc phục những vi phạm, lực lượng chức năng đã xử phạt 532 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hơn 6,4 tấn sản phẩm động vật vi phạm, 490kg đồ chua, 69kg sản phẩm tương ớt và khoảng 13,2kg chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng đã lấy 851 mẫu giám sát các chỉ tiêu kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng, phụ gia thực phẩm, nhóm thuốc bảo vệ thực vật gốc Clor hữu cơ, nhóm lân hữu cơ… trong rau, củ, thịt, chế phẩm từ thực vật, động vật và sữa. Kết quả, có 840 mẫu đạt yêu cầu. Có 10 mẫu rau phát hiện có thuốc bảo vệ thực vật không thuộc đối tượng phòng trừ hoặc vượt giới hạn lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép; 1 mẫu tàu hũ ki sử dụng phụ gia không nằm trong danh mục được phép sử dụng.

Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc có chủ đề Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong Tháng Hành động, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.    

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích