Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm tuyển sinh khối ngành sư phạm

08:03, 28/03/2023

Trong khi ngành Giáo dục đang thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên các bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật thì Trường đại học Đồng Nai - nơi đang có 10 mã ngành đào tạo sư phạm lại khó tuyển được sinh viên sư phạm.

Trong khi ngành Giáo dục đang thiếu nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên các bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật thì Trường đại học Đồng Nai - nơi đang có 10 mã ngành đào tạo sư phạm lại khó tuyển được sinh viên sư phạm. Nếu không tìm được giải pháp hiệu quả, trong những năm tới, tình trạng thiếu giáo viên sẽ còn tiếp diễn.

Sinh viên ngành sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Đồng Nai tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm Khoa Ngoại ngữ. Ảnh: H.Yến
Sinh viên ngành sư phạm Tiếng Anh, Trường đại học Đồng Nai tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm Khoa Ngoại ngữ. Ảnh: H.Yến

Mặt khác, ở một số môn học như: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý lại không có hoặc có nhu cầu tuyển dụng giáo viên rất ít, gây nguy cơ “đóng cửa” những mã ngành đào tạo này.

* Chỉ tiêu giảm dần

Trường đại học Đồng Nai đang đào tạo 10 ngành sư phạm với quy mô gần 3 ngàn sinh viên (chiếm hơn 52% sinh viên toàn trường). Trong 3 năm trở lại đây, chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao tuyển sinh khối ngành sư phạm cho Trường đại học Đồng Nai giảm dần. Cụ thể, năm 2020 trường được giao 805 chỉ tiêu, năm 2021 được giao 717 chỉ tiêu, đến năm 2022 chỉ còn 314 chỉ tiêu. Chỉ tiêu được giao giảm đồng nghĩa với việc trường sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Mới đây nhất, tháng 12-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 271/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tỉnh dự kiến lộ trình thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên từ năm 2022 đến năm 2025.

Theo quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP, hàng năm căn cứ vào chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao, các trường sư phạm thông báo cho tân sinh viên sư phạm đăng ký theo đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội trong phạm vi chỉ tiêu được duyệt. Sinh viên sư phạm nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cho trường mình theo học.

Theo đó, các ngành có nhu cầu tuyển sinh, đào tạo giáo viên nhiều gồm: Giáo dục tiểu học gần 1,7 ngàn chỉ tiêu; Giáo dục mầm non gần 1,2 ngàn chỉ tiêu (trong đó hơn 750 chỉ tiêu hệ đại học, hơn 430 chỉ tiêu hệ cao đẳng); sư phạm Tin học gần 320 chỉ tiêu; sư phạm Ngữ văn gần 280 chỉ tiêu; sư phạm Lịch sử - Địa lý hơn 260 chỉ tiêu; sư phạm Mỹ thuật gần 240 chỉ tiêu; sư phạm Âm nhạc hơn 210 chỉ tiêu; sư phạm Toán học gần 200 chỉ tiêu; Giáo dục thể chất với hơn 140 chỉ tiêu; Giáo dục công dân hơn 140 chỉ tiêu…

Bên cạnh đó, có một số ngành có rất ít nhu cầu hoặc không có nhu cầu tuyển sinh đào tạo giáo viên như: Giáo dục quốc phòng an ninh (0), sư phạm Hóa học (3), sư phạm Vật lý (8), sư phạm Sinh học (7), sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm Lịch sử (7), sư phạm Địa lý (6)…

Với dự kiến nhu cầu đào tạo như vậy, nhiều ngành sư phạm của Trường đại học Đồng Nai có thể sẽ phải ngưng tuyển sinh trong những năm tới. Trong khi đó, một số ngành có nhu cầu đào tạo nhiều lại rất khó tuyển sinh, đặc biệt là ngành Giáo dục mầm non.

Theo TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng nhà trường, đã 3 năm liền trường tuyển sinh không đạt chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Chẳng hạn, năm 2022, trường chỉ tuyển được 41 sinh viên (đạt 48% chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao và đạt 6,6% so với nhu cầu của tỉnh).

Trước thực tế trên, Trường đại học Đồng Nai sẽ phải chuyển hướng sang đào tạo các ngành ngoài sư phạm phù hợp với chiến lược của trường và nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh nhằm giải quyết việc làm cho giảng viên, nhân viên nhà trường. Bên cạnh đó, hiện Trường đại học Đồng Nai đang làm thủ tục mở mã ngành sư phạm Âm nhạc, Giáo dục thể chất nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên những bộ môn này.

* Sớm hoàn tất thủ tục để sinh viên được hỗ trợ

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022, mỗi sinh viên sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường nếu đăng ký đào tạo theo đơn đặt hàng/đấu thầu của các địa phương. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, Trường đại học Đồng Nai chưa nhận được nguồn tiền từ ngân sách và không được thu tiền của sinh viên, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ giải thích, để nhận được nguồn tiền từ ngân sách, Trường đại học Đồng Nai phải tiến hành các thủ tục theo đúng quy trình. Theo đó, trường phải lập dự toán và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán; trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu và ký hợp đồng đào tạo với Sở GD-ĐT... Năm 2023, tỉnh đã bố trí hơn 60 tỷ đồng để thực hiện việc chi trả, hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Do đó, Trường đại học Đồng Nai cần sớm thực hiện các thủ tục theo đúng quy định để được cấp kinh phí nhằm đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Cũng theo bà Huệ, bên cạnh việc đào tạo theo đặt hàng của tỉnh, trường còn đào tạo theo nhu cầu của xã hội (chỉ sinh viên đào tạo theo đặt hàng mới được hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP). Do vậy, Trường đại học Đồng Nai cần làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh để thí sinh có đầy đủ thông tin và đăng ký xét tuyển vào trường.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, đối với khó khăn trong công tác tuyển sinh của Trường đại học Đồng Nai, do trước đó trường đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu một số ngành trong 2 năm liên tiếp nên Bộ GD-ĐT giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong năm tiếp theo. Việc tuyển sinh gặp khó khăn một phần do làm chưa tốt công tác dự báo khiến cho ngành có nhu cầu người học thì không được cấp chỉ tiêu, ngành có chỉ tiêu thì không có người học. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở GD-ĐT tăng cường công tác thanh tra tuyển sinh trên địa bàn trong thời gian tới. Sở GD-ĐT và Trường đại học Đồng Nai cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hải Yến

Tin xem nhiều