Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng nghề điều dưỡng

07:10, 28/10/2021

Trong công tác điều trị bệnh nhân, cùng với bác sĩ thì đội ngũ điều dưỡng (ĐD) là lực lượng không thể thiếu trong các cơ sở y tế. Sự hy sinh thầm lặng và tận tâm phục vụ của đội ngũ ĐD đã góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng như tạo nên uy tín của bệnh viện.

Trong công tác điều trị bệnh nhân, cùng với bác sĩ thì đội ngũ điều dưỡng (ĐD) là lực lượng không thể thiếu trong các cơ sở y tế. Sự hy sinh thầm lặng và tận tâm phục vụ của đội ngũ ĐD đã góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe người dân cũng như tạo nên uy tín của bệnh viện.

Làm việc trong phòng cấp cứu, các điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai luôn tất bật với công tác tiếp đón, làm hồ sơ bệnh án, chuyển bệnh nhân đi làm các xét nghiệm, chiếu chụp theo chỉ định cũng như chuyển khoa, chuyển viện. Ảnh: Phương Liễu
Làm việc trong phòng cấp cứu, các điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai luôn tất bật với công tác tiếp đón, làm hồ sơ bệnh án, chuyển bệnh nhân đi làm các xét nghiệm, chiếu chụp theo chỉ định cũng như chuyển khoa, chuyển viện. Ảnh: Phương Liễu

Một ngày trực của ĐD dài 24 giờ, công việc nhiều, áp lực lớn, thậm chí đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Song với lòng yêu nghề, các ĐD vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả, tiếp tục gắn bó với công việc.

* Công việc nhiều áp lực...

Nếu ai có người thân điều trị ở khoa hồi sức tích cực - chống độc của các bệnh viện hẳn sẽ hiểu được công việc và áp lực của những bác sĩ và ĐD tại đây. Trong 25 năm làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thì có đến 20 năm ĐD Phạm Thị Thanh Nga gắn bó với công việc tại khoa bệnh nặng này.

Mỗi sáng sớm, chị Nga cùng đồng nghiệp chuẩn bị báo cáo tình trạng bệnh, kết quả cận lâm sàng (X-quang, siêu âm, xét nghiệm…) để bác sĩ khám bệnh. Khi bác sĩ khám xong, chị lại thực hiện theo y lệnh, rửa vết thương, tiêm thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc.

Chị Nga bộc bạch: “Trong bệnh viện, khoa hồi sức tích cực - chống độc là nơi áp lực nhất, bởi toàn bệnh nhân nặng... Làm việc ở khoa này, chúng tôi gần như 24/24 giờ theo dõi sát diễn tiến bệnh của bệnh nhân nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu chuyển nặng”. Ở khoa này người thân cũng không được vào chăm sóc bệnh nhân nên tất cả mọi việc từ uống thuốc, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo... cho bệnh nhân đều do ĐD làm. Công việc ở đây rất căng thẳng và đòi hỏi tập trung nên chị và đồng nghiệp thường xuyên ăn uống thất thường.

Còn những ai đã từng làm mẹ, phải ngày đêm chăm sóc con nhỏ bị bệnh nặng, đa dị tật bẩm sinh mới hiểu hết những vất vả của những ĐD làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. 13 năm làm việc ở khoa này, ĐD Phan Thị Kim đã chăm sóc cho hàng trăm trẻ sơ sinh có các bệnh lý bẩm sinh nặng bị bỏ rơi tại bệnh viện.

Chị Kim kể: “Có những trẻ bị bỏ rơi chỉ nặng nửa kg, mang đủ thứ bệnh tật. Mỗi lần phải tiêm hay truyền dịch, ven của các bé rất nhỏ, tôi phải căng mắt, làm thật nhanh và chuẩn xác để các bé không bị đau. Rồi những đêm trực thức trắng, hết cho bé này uống sữa, đến thay tã cho bé kia hay lại ẵm bồng bé nọ để các con yên giấc và sớm vượt qua bệnh tật”.

ĐD Nguyễn Thị Hồng Lam, Khoa Phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, có 13 năm gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS đến khám, điều trị ngoại trú. Công việc có thể không quá áp lực như ở bệnh viện có điều trị nội trú, nhưng lại thường xuyên ở trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao khi tất cả bệnh nhân ở đây đều là người nhiễm HIV/AIDS, không ít người còn nhiễm lao. Bản thân chị có một vài lần phải điều trị phơi nhiễm HIV nhưng chị vẫn gắn bó với nghề.

Chị Lam chia sẻ: “Khi biết tôi về công tác tại Khoa Phòng chống HIV/AIDS, gia đình rất lo, bản thân tôi cũng sợ. Nhưng đi làm, hiểu được đường lây nhiễm, tôi yên tâm và chủ động phòng tránh. Song có lúc bệnh nhân chán nản vì mang căn bệnh thế kỷ mà có những lời nói, hành động gây nguy hiểm cho người khác. Những lúc ấy, tôi luôn dặn mình phải thật bình tĩnh và ứng xử khéo léo để bệnh nhân bình tĩnh hơn. Riết rồi quen, đến nay nhiều bệnh nhân xem tôi như người thân”.

Theo chia sẻ của nhiều ĐD làm việc tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh, công việc ngày nào cũng lặp lại đôi lúc gây nhàm chán. Song, nhiều người đã xác định công việc và cuộc sống của mình là gắn bó với người bệnh, với bệnh viện nên khắc phục mọi khó khăn để trụ lại với nghề.

* Thu nhập khiêm tốn

Một trong những tâm tư của không ít ĐD hiện nay là công việc nhiều, áp lực lớn, nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng thu nhập còn thấp.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Lam, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho một bệnh nhân nhiễm HIV về cách chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Ảnh: Phương Liễu
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Lam, Khoa Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn cho một bệnh nhân nhiễm HIV về cách chăm sóc sức khỏe và nâng cao sức đề kháng. Ảnh: Phương Liễu

10 năm làm ở Bộ phận Hồi tỉnh, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, ĐD Nguyễn Kim Huê cho biết, thu nhập của chị hiện chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, nhưng công việc lại quá vất vả khi bộ phận hồi tỉnh phải đảm nhận chăm sóc cho tất cả các ca sau phẫu thuật.

Chị Huê tâm sự, vì thu nhập ít ỏi nên một đồng nghiệp cùng bộ phận với chị đã chuyển sang một bệnh viện tư nhân làm việc và nhận được thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng. “Tiền nhiều không phải là tất cả. Vì yêu quý bệnh viện - nơi cả chục năm công tác gắn bó nên tôi cũng không muốn chuyển đi. Chỉ mong thu nhập được tăng lên, đảm bảo trang trải được cuộc sống, như thế chúng tôi mới yên tâm làm việc hơn” - chị Huê nói.

Sau nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai, một nữ ĐD đã quyết định “dứt áo ra đi” cũng chỉ vì không trụ nổi với công việc vừa nguy hiểm, vừa áp lực mà thu nhập lại thấp. Nữ ĐD này cho biết, chị đã gắn bó nhiều năm với bệnh viện, cũng đã trải qua những thời khắc khó khăn nhất, nhưng giờ thì không thể trụ lại.

Từ khi Bệnh viện Phổi Đồng Nai được chuyển đổi công năng sang bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, công tác điều trị bệnh nhân lao đã chuyển về địa phương, hoạt động khám chữa bệnh cũng tạm dừng nên thu nhập của cán bộ, công nhân viên bệnh viện giảm đi 50% do mất nguồn thu nhập tăng thêm.

Theo lãnh đạo một số cơ sở y tế công lập, trong công tác điều trị cho người bệnh, vai trò của đội ngũ ĐD là rất quan trọng. Đội ngũ này có mặt ở tất cả các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong công tác điều trị cho bệnh nhân mà còn làm công tác chăm sóc, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để có sự hợp tác tốt nhất trong điều trị. Công việc của các điều dưỡng cũng rất vất vả và áp lực không kém. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ĐD đúng là thu nhập còn hạn chế nhưng những chính sách, chế độ cho nhân viên y tế hệ thống công lập vẫn còn nhiều bất cập mà bệnh viện cũng chưa thể giải quyết được.

Theo quy định hiện hành, ngoài lương cơ bản, ĐD được hưởng chế độ ưu đãi ngành, chế độ độc hại tùy theo vị trí, việc làm tại các khoa, phòng lâm sàng và cận lâm sàng. Riêng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những ĐD tham gia công tác tại bệnh viện dã chiến được hưởng thêm 1 lần lương cơ bản; tham gia các hoạt động khác như: lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc, phân luồng... hưởng thêm 1/2 lương cơ bản. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào hoạt động của bệnh viện mà có hay không các khoản thu nhập thêm.

ThS Huỳnh Tú Anh, Phó chủ tịch Hội ĐD Việt Nam, Chủ tịch Hội ĐD tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 5,8 ngàn ĐD, hộ sinh, kỹ thuật viên. Hội cũng đã ghi nhận một thực tế, nhiều cơ sở y tế trong tỉnh khó tuyển dụng ĐD cũng như có tình trạng nhiều ĐD bỏ việc, chuyển việc. Lý do là đội ngũ này thường xuyên phải làm việc trong môi trường áp lực, công việc quá tải khi phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, trong khi thu nhập của phần lớn ĐD chưa đảm bảo được những chi phí trang trải cuộc sống”.

Hiện nay, các chính sách đãi ngộ để thu hút và giữ chân đội ngũ nhân viên y tế trong hệ thống y tế công lập chưa thực sự hấp dẫn, nhất là đối với ĐD. Đây là một vấn đề mà các ngành liên quan cần quan tâm, có giải pháp tháo gỡ để đội ngũ ĐD có điều kiện thu nhập tốt hơn, yên tâm lao động, cống hiến với nghề.

ThS HUỲNH TÚ ANH, Phó chủ tịch Hội ĐD Việt Nam, Chủ tịch Hội ĐD tỉnh cho biết, để nâng cao thu nhập cho các ĐD, Hội ĐD đã đề xuất các giải pháp như sau: cần có kết cấu phù hợp giá dịch vụ chăm sóc người bệnh của ĐD, hộ sinh vào danh mục giá khám, chữa bệnh để nâng dần thu nhập của đội ngũ này; có sự phân biệt rõ phạm vi quy mô của ĐD tại các khoa, phòng để phát huy năng lực hoạt động của ĐD; bảo đảm các ĐD được bố trí đầy đủ trong các khoa, phòng để giảm tải áp lực và khối lượng công việc cho các ĐD...

Phương Liễu

Tin xem nhiều