Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về những tình nguyện viên chống dịch

09:09, 16/09/2021

Trong những ngày toàn tỉnh chống dịch Covid-19, có đông đảo tình nguyện viên ngày đêm vất vả, luôn sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ có mặt trên mọi mặt trận, từ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân đến chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung…

Trong những ngày toàn tỉnh chống dịch Covid-19, có đông đảo tình nguyện viên ngày đêm vất vả, luôn sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ có mặt trên mọi mặt trận, từ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân đến chăm sóc bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung…

Các sinh viên Trường đại học Điều dưỡng Nam Định (tỉnh Nam Định) tham gia chống dịch tại H.Trảng Bom. Ảnh: Thanh Hải
Các sinh viên Trường đại học Điều dưỡng Nam Định (tỉnh Nam Định) tham gia chống dịch tại H.Trảng Bom. Ảnh: Thanh Hải

Dù làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh nhưng tinh thần của các tình nguyện viên vẫn lạc quan, vì họ luôn tin rằng, với sự góp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân sẽ tạo thêm sức mạnh giúp Đồng Nai chiến thắng dịch bệnh và sớm đưa địa phương trở về trạng thái “bình thường mới”.

* Xung phong vào tâm dịch

Sau hơn 1 tháng trải nghiệm với công tác hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, anh Đỗ Ngọc Duy (kỹ sư của một công ty ở Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, đến nay anh đã thành thục công việc này. Ròng rã thời gian qua, anh Duy cùng đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế) tham gia các đợt lấy mẫu tại những phường vốn là tâm dịch căng thẳng của TP.Biên Hòa.

Ấn tượng của anh Duy là đợt lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa). Vì đây là lần tham gia lấy mẫu xét nghiệm đầu tiên của anh, lại ở doanh nghiệp có nhiều ca F0, tiếp xúc nhiều đối tượng nguy cơ cao. Đặc biệt, một số người anh lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến bản thân anh không khỏi lo lắng.

Anh Duy kể, hồi đầu cũng hơi sợ và xác định mình có thể thành F0, F1, F2… bất cứ lúc nào, nhưng nỗi lo ấy nhanh chóng vượt qua vì công việc quá nhiều, các thành viên trong tổ xét nghiệm gần như không có thời gian nghỉ ngơi bởi có hàng ngàn công nhân đang xếp hàng chờ đợi.

Sau khi hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, chưa kịp lấy lại sức thì anh Duy cùng đội ngũ nhân viên y tế của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gấp rút chuyển qua lấy mẫu xét nghiệm tại các khu dân cư ở các phường: Trảng Dài, Long Bình, Tân Biên và nhiều địa điểm khác. Tuy vậy, anh vẫn thấy vui vì được đóng góp một phần công sức của mình cho việc chống dịch.

Tính đến nay, Đồng Nai đã tiếp nhận hàng trăm y, bác sĩ, giảng viên và sinh viên ngành Y từ các tỉnh, thành trong cả nước tham gia cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cùng với các lực lượng tuyến đầu của tỉnh, họ đã không ngại khó khăn, nguy hiểm sẵn sàng xông pha vào tâm dịch, góp phần giúp Đồng Nai từng bước khống chế dịch bệnh.

Chị Phạm Thị Diệu Linh, sinh viên năm 4 của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định (tỉnh Nam Định) tham gia chống dịch tại H.Trảng Bom đã hơn 1 tháng qua. Hằng ngày, chị Linh được phân công cùng các tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân, công nhân lao động ở các khu nhà trọ, khu dân cư đang bị phong tỏa trên địa bàn huyện. Công việc vốn thường xuyên tiếp xúc với các trường hợp F0, tuy khó khăn và nguy hiểm nhưng chị Linh luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành công việc được giao.

Chị Tô Thị Hằng (trái), giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cùng đồng nghiệp tham gia Tổ điều tiết hàng hóa tại xã Thạnh Phú. Ảnh: Thanh Hải
Chị Tô Thị Hằng (phải), giáo viên Trường THCS Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cùng đồng nghiệp tham gia Tổ điều tiết hàng hóa tại xã Thạnh Phú. Ảnh: Thanh Hải

Khó khăn lớn nhất mà chị Linh gặp phải chính là khí hậu của miền Nam những ngày này thay đổi liên tục. Buổi sáng trời nắng gắt, nóng nực khiến mồ hôi không ngừng chảy, thấm đẫm cả trang phục bảo hộ. Bản thân chị phải thay đến 2 bộ đồ bảo hộ, da tay co lại nhăn nhúm vì mồ hôi khi đeo bao tay thường xuyên. Đến chiều, trời lại đổ mưa tầm tã trong khi công việc vẫn phải tiếp tục.

Suốt thời gian qua, chị Linh và 19 sinh viên, giảng viên của Trường đại học Điều dưỡng Nam Định dầm mưa, đội nắng tham gia công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng và khi cần thiết cũng sẽ tham gia hỗ trợ, thực hiện nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung. “Cô trò xem nhau như một gia đình, chỉ tranh thủ hỏi han, an ủi, động viên nhau qua từng bữa ăn vội giữa ca. Mọi người luôn cố gắng đem những kiến thức chuyên môn đã được học trên giảng đường để cùng các lực lượng y tế địa phương từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là bài học thực tế quý giá mà không phải sinh viên nào cũng được trải nghiệm” - chị Linh tâm sự.

* Gác lại chuyện gia đình

Trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4-2021 đến nay, Đồng Nai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Số ca mắc và tử vong vì Covid-19 gia tăng khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trở nên cam go, nhiều thử thách.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, hàng trăm ngàn người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ. Dù vậy, việc chăm lo đời sống cho người dân vẫn được các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp đảm bảo. Không ít tình nguyện viên góp sức trong việc chăm lo đời sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sử dụng đồ bảo hộ, đeo bao tay liên tục nhiều giờ trong ngày nên đôi tay của các tình nguyện viên đến từ Trường đại học Điều dưỡng Nam Định (tỉnh Nam Định) nhăn nheo. Ảnh: Thanh Hải
Sử dụng đồ bảo hộ, đeo bao tay liên tục nhiều giờ trong ngày nên đôi tay của các tình nguyện viên nhăn nheo. Ảnh: Thanh Hải

Từ khi hoạt động đến nay, các thành viên của Tổ điều tiết hàng hóa xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) gác lại công việc, tạm xa gia đình riêng để cùng gánh vác chung trách nhiệm chăm lo cho người dân vùng tâm dịch. Tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật, hơn 40 thành viên trong tổ đã tổ chức phân loại hàng hóa, phân chia lương thực rồi chất lên xe tải đi phân phối cho người dân cần giúp đỡ với quyết tâm phải đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm một cách đồng đều, không để ai bị đói, thiếu thốn vật dụng cần thiết...

Chị Lê Thị Thu Trang, Tổ trưởng Tổ điều tiết hàng hóa cho hay, đầu tháng 6-2021, khi được lãnh đạo địa phương động viên nhận công việc này, chị quyết định gửi con nhỏ cho bà ngoại để yên tâm làm việc. Đã hơn 2 tháng qua, vợ chồng chị chưa về nhà để thăm con. Hằng ngày, cả nhà chỉ hỏi thăm, động viên nhau cố gắng giữ gìn sức khỏe qua điện thoại. “Xã Thạnh Phú là điểm nóng về dịch Covid-19 của H.Vĩnh Cửu; đi sâu vào các xóm trọ, khu dân cư, có rất nhiều gia đình có người nhiễm bệnh. Mọi người làm việc tại đây tiếp xúc không biết bao nhiêu người, không những tôi mà các bạn tình nguyện viên khác đều chọn ở lại, ăn ngủ ngay nơi làm việc. Trong khi gia đình ở rất gần nhưng không dám ghé qua, sợ ảnh hưởng đến mọi người” - chị Trang tâm sự.

Cũng tham gia vào Tổ điều tiết hàng hóa ngay từ những ngày đầu hoạt động, chị Tô Thị Hằng (giáo viên Trường THCS Thạnh Phú) chia sẻ, khi Đồng Nai bùng phát dịch, chị đã xung phong tham gia trực chốt gác tại bến đò Bà Miêu (thuộc ấp 7, xã Thạnh Phú) nối 2 tỉnh Đồng Nai - Bình Dương. Khi bến đò tạm ngưng hoạt động cũng là lúc UBND xã Thạnh Phú kêu gọi tình nguyện viên cùng hỗ trợ phân phối hàng hóa cho người dân vùng dịch thì chị quyết định tham gia ngay.

Theo chị Hằng, lúc bắt tay vào làm cũng chẳng nghĩ gì sâu xa. Bản thân chị nhiều năm lập nghiệp tại đây, muốn làm gì đó cho người dân giữa lúc dịch bệnh căng thẳng. Công việc khá vất vả, phải làm luôn tay từ sáng đến đêm. Đặc biệt, mỗi khi có chuyến hàng cứu trợ với số lượng lớn, các thành viên trong tổ phải làm việc xuyên đêm để ngày hôm sau kịp có hàng phân phát đến tay người dân.

“Hơn 2 tháng chưa về nhà nhưng lúc nào tôi cũng nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình. Trong các cuộc điện thoại, cha mẹ lo lắng, căn dặn cố gắng chăm sóc, bảo vệ bản thân để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Mọi người hẹn gặp nhau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi” - chị Hằng tâm sự.

Mỗi một việc làm từ lực lượng tình nguyện viên, dù nhỏ cũng sẽ góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp, câu chuyện đẹp đến cộng đồng. Họ góp sức cùng với các lực lượng nơi tuyến đầu hướng đến một mục tiêu chung là Đồng Nai sớm khống chế được dịch bệnh Covid-19.

Thanh Hải

Tin xem nhiều