Báo Đồng Nai điện tử
En

Định hướng sử dụng điện thoại an toàn cho học sinh

10:04, 12/04/2021

Quy định học sinh bậc THCS-THPT được phép sử dụng điện thoại trong giờ học theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực hơn 4 tháng. Khi áp dụng quy định mới này, nhiều trường vẫn rất thận trọng, không để ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.

Quy định học sinh bậc THCS-THPT được phép sử dụng điện thoại trong giờ học theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực hơn 4 tháng. Khi áp dụng quy định mới này, nhiều trường vẫn rất thận trọng, không để ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập của học sinh.

Một buổi tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (H.Cẩm Mỹ), giúp các em sử dụng điện thoại an toàn hơn. Ảnh: C.Nghĩa
Một buổi tuyên truyền về an ninh mạng cho học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (H.Cẩm Mỹ), giúp các em sử dụng điện thoại an toàn hơn. Ảnh: C.Nghĩa

Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) Nguyễn Ngọc Oánh cho biết: “Trước khi Thông tư 32 có hiệu lực vào ngày 1-11-2020, nhà trường đã họp phụ huynh để phổ biến quy định của thông tư và những quy định khác của trường. Theo đó, trường thống nhất với phụ huynh cho học sinh được sử dụng điện thoại từ nhà đến trường và ngược lại. Ở một số buổi học nhất định, học sinh cũng có thể sử dụng điện thoại nếu giáo viên cho phép để phục vụ tra cứu thông tin”.

* Linh hoạt với Thông tư 32

Sau hơn 4 tháng thực hiện Thông tư 32, tại Trường THPT Ngô Sĩ Liên về cơ bản tình hình khả quan, không gây ra bất cập nào đáng kể. Khi bước vào trường, học sinh tự tắt nguồn điện thoại bỏ vào cặp sách, ở một số giờ học nhất định các em được giáo viên cho phép sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin. Thầy Oánh cho biết, trong thời đại công nghệ thông tin, việc cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại là đi ngược lại xu thế, vì vậy phải linh hoạt, khi nào nên cho, khi nào nên cấm. Khi đã cấm thì phải nghiêm, nhưng rất vui đến nay chưa có học sinh nào bị tịch thu điện thoại như đã cam kết với nhà trường.

Tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), những chiếc điện thoại thông minh đã được mang vào lớp học từ trước khi có Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT. Những chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet đã hỗ trợ cả giáo viên và học sinh trong giờ học, đặc biệt là những buổi thảo luận nhóm. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, đa số học sinh của trường đều có ý thức khi sử dụng điện thoại, nếu không phải vì phục vụ học tập thì không tự ý đưa điện thoại ra sử dụng.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch: Rèn luyện kỹ năng cho học sinh khi dùng điện thoại an toàn

Điện thoại đã trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại, nó cũng giúp ích cho học sinh rất nhiều trong việc mở mang kiến thức. Nhưng muốn học sinh sử dụng điện thoại hiệu quả, an toàn thì phải rèn luyện cho các em ý thức chấp hành quy định riêng của nhà trường về sử dụng điện thoại, kỹ năng sử dụng điện thoại vào học tập sao cho hiệu quả, đặc biệt phải giúp các em sống trong không gian mạng thực sự an toàn và đúng pháp luật”.

Em Phạm Như Quỳnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Điện thoại thông minh với em giờ không chỉ là nghe gọi, trao đổi mà còn là một cuốn từ điển đa phương tiện để tra cứu đủ loại thông tin phục vụ học tập. Khi giờ học được giáo viên cho phép sử dụng, em cảm thấy thú vị hơn rất nhiều, vì nhờ chiếc điện thoại mà em có thể tra cứu thông tin một cách nhanh chóng. Chẳng hạn khi tìm hiểu về tác giả Tố Hữu, nếu chỉ đọc sách giáo khoa thôi là chưa đủ, em có thể tra cứu trên Google để biết thêm nhiều thông tin khác về nhà thơ cách mạng nổi tiếng này cùng nhiều hình ảnh minh họa cụ thể”.

Chị Nguyễn Hồ Xuân Hương, phụ huynh có con học tại Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) cho biết, ban đầu nghe thông tin học sinh sẽ được sử dụng điện thoại trong lớp chị cảm thấy bất an vì sợ con mê điện thoại, giáo viên lại vất vả quản không nổi. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 4 tháng áp dụng Thông tư 32, việc sử dụng điện thoại của con chị tại trường khá ổn, chưa bị cô giáo “mắng vốn”.

Chị Hương chia sẻ: “Thi thoảng tôi có thử “nhá máy” xem con có mở điện thoại trong giờ học không nhưng đều không thấy. Khi buổi chiều trống điểm tan trường, con mới mở máy để tiện liên lạc với cha mẹ đến đón. Hơn nữa, ở trường đều có trang bị màn hình lớn, hoặc còn có thể lên thư viện dùng máy tính bàn kết nối internet nên không quá lo lắng với việc con lạm dụng điện thoại di động”.

* Nhiều trường vẫn cấm

Cẩn trọng hơn các trường THPT, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục “nói không” với việc cho học sinh mang điện thoại đến trường. Việc không cho học sinh mang điện thoại đến trường đối với bậc học THCS được phụ huynh ủng hộ rất cao, vì ở độ tuổi này, ý thức tự giác trong việc sử dụng điện thoại của học sinh chưa cao. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang cho biết: “Ngay đầu năm, nhà trường đã ký cam kết với phụ huynh và học sinh về thực hiện nội quy lớp học, trong đó có việc cấm học sinh mang điện thoại đến trường. Các quy định này được phụ huynh ủng hộ và đồng tình ký vào cam kết”.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) sử dụng điện thoại vào các buổi học nhóm trên lớp
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) sử dụng điện thoại vào các buổi học nhóm trên lớp

Cô Sang cho biết thêm: “Các lớp hiện đều có màn hình thông minh có thể truy cập internet, kết nối USB dữ liệu trình chiếu bài giảng nên học sinh chưa cần đến sự hỗ trợ của những chiếc điện thoại thông minh. Khi học sinh muốn liên lạc với gia đình trong trường hợp đột xuất, các em có thể nhờ hỗ trợ từ giáo viên chủ nhiệm hoặc liên hệ với văn phòng nhà trường”.

Anh Giang Văn Bài, phụ huynh có con học tại Trường THCS Tân Tiến (TP.Biên Hòa) cho rằng, quy định của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh được mang điện thoại vào giờ học không sai, thậm chí hoàn toàn phù hợp với xu hướng kết nối trong thời đại 4.0. Quan trọng hơn cả là phụ huynh định hướng để các con hiểu nên dùng điện thoại sao cho hợp lý. Đối với nhà trường, phụ huynh hoàn toàn ủng hộ các biện pháp linh hoạt, thậm chí sẵn sàng ủng hộ giáo viên tịch thu điện thoại đến cuối học kỳ hoặc đến cuối năm học mới trả lại nếu học sinh vi phạm cam kết về sử dụng điện thoại trong trường học.

Thầy Trần Văn Lập, Tổng phụ trách đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (H.Cẩm Mỹ) cho biết, hiện mới chỉ có số ít học sinh, chủ yếu là các em lớp 8-9 được cha mẹ trang bị điện thoại thông minh. Nhà trường không hoàn toàn cấm các em được mang điện thoại tới trường, ở một số buổi học như Lịch sử, Địa lý, sinh hoạt đội nhóm… nhà trường vẫn khuyến khích các em mang điện thoại thông minh, máy tính bảng đến lớp phục vụ tra cứu thông tin, thuyết trình… Thầy Lập chia sẻ thêm: “Liên đội đang từng bước trang bị các kỹ năng sử dụng điện thoại cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: làm thế nào sử dụng điện thoại hiệu quả cho học tập, sử dụng điện thoại an toàn, không vi phạm pháp luật…”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích