Báo Đồng Nai điện tử
En

Để việc sử dụng điện thoại của học sinh an toàn

08:04, 12/04/2021

Ngày 15-9-2020, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời thay thế cho Thông tư số 12 được ban hành từ năm 2011. Trong thông tư này, một nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đó là học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Ngày 15-9-2020, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ra đời thay thế cho Thông tư số 12 được ban hành từ năm 2011. Trong thông tư này, một nội dung được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đó là học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Thời điểm đó, có nhiều luồng ý kiến xoay quanh quy định này của Bộ GD-ĐT. Luồng ý kiến đồng tình cho rằng, thời đại công nghệ 4.0, điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân” của con người. Đặc biệt với học sinh, điện thoại lại càng cần thiết trong việc giúp các em tra cứu thông tin, nghiên cứu các tài liệu tham khảo phục vụ việc học tập. Và trong khi các nhà trường đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thì không có lý do gì học sinh không được  sử dụng điện thoại di động để phục vụ việc học tập.

Luồng ý kiến không đồng tình lại đặt câu hỏi về việc quản lý sử dụng điện thoại trong lớp như thế nào, có thật sự cần thiết khi cho học sinh bậc THCS, THPT   dùng điện thoại? Khi học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, giáo viên có đủ sức để kiểm tra, giám sát việc dùng điện thoại đúng mục đích hay lại buông lỏng dẫn đến  học sinh lơ là, mất tập trung vào bài giảng. Thậm chí, ý kiến phản đối này đã được gửi đến đoàn đại biểu Quốc hội nhiều địa phương trong cả nước và đem ra thảo  luận tại các phiên họp tại nghị trường.

Trước những ý kiến băn khoăn, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số  5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18-12-2020 hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục về việc quản lý, khai thác và sử dụng thiết bị dạy học (trong đó có điện thoại di  động) một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học. Công văn nêu rõ: “Giáo viên thông báo cụ thể yêu cầu học sinh chỉ được sử dụng điện thoại như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học và những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học”.

Thực tế sau hơn 4 tháng Thông tư 32 có hiệu lực, hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn Đồng Nai không bị xáo trộn, ảnh hưởng về quy định cho phép  học sinh được sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Các nhà trường đã và đang phối hợp tốt với giáo viên, phụ huynh trong quản lý việc sử dụng điện thoại của học sinh. Trong đó, ở những trường cho phép học sinh được mang điện thoại đi học (chủ yếu là ở bậc THPT), học sinh chỉ được sử dụng khi giáo viên đồng ý ở một số bộ môn có kế hoạch giảng dạy trước đó. Còn với những trường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động khi đi học (bậc THCS), khi cần thiết, học sinh có thể mượn điện thoại của thầy cô hoặc văn phòng trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sử dụng điện thoại không đúng mục đích, ảnh hưởng đến việc học tập.

Đặc biệt, nhiều trường học đã và đang tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho học sinh về việc sử dụng điện thoại di động an toàn, hiệu quả, tránh  khai thác những thông tin xấu, độc, bị pháp luật ngăn cấm. Đây là việc làm cần thiết và rất cần được nhân rộng để học sinh sử dụng điện thoại di động khi đến trường không còn là nỗi băn khoăn, lo lắng…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều