Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ học sinh học tập khi phòng dịch Covid-19

11:03, 04/03/2020

Chưa bao giờ ngành GD-ĐT lại phải liên tục đưa ra các quyết định "gia hạn" cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học như hiện nay bởi tình hình phức tạp của dịch Covid-19.

Chưa bao giờ ngành GD-ĐT lại phải liên tục đưa ra các quyết định “gia hạn” cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học như hiện nay bởi tình hình phức tạp của dịch Covid-19.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) lắp đặt bồn rửa tay cho học sinh. Ảnh: T.NAM
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) lắp đặt bồn rửa tay cho học sinh. Ảnh: T.NAM

 

[links()]Việc đưa ra quyết định tiếp tục đi học hay tạm nghỉ đã được Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các địa phương cân nhắc, bởi bất cứ sơ suất nào trong khâu phòng, chống dịch đều có thể biến trường học trở thành “ổ dịch”.

* Giáo dục ảnh hưởng bởi Covid-19

Phát huy hiệu quả thiết bị trường học tiên tiến vào chống dịch

Trong giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã đầu tư cho ngành GD-ĐT gần 500 tỷ đồng triển khai dự án xây dựng trường học tiên tiến hiện đại, hỗ trợ giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, hỗ trợ kết nối thông tin điều hành giáo dục giữa Sở GD-ĐT với các phòng GD-ĐT địa phương, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Qua đợt phòng, chống dịch Covid-19, các thiết bị này đã phát huy tối đa hiệu quả khi qua hệ thống này, giáo viên có thể hỗ trợ học sinh ôn tập trực tuyến qua mạng. Đặc biệt với các cuộc họp chỉ đạo nhanh về công tác phòng, chống dịch trong trường học, cán bộ quản lý các trường không phải mất thời gian và chi phí đi lại lên Sở GD-ĐT họp như trước đây, thay vào đó toàn bộ được triển khai họp trực tuyến qua các điểm cầu truyền hình đặt tại các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh.

 

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Đồng Nai đã nhanh chóng chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Những nỗ lực của tỉnh đã được ghi nhận bằng kết quả, đến nay Đồng Nai chưa có bất cứ trường hợp nào dương tính với virus gây bệnh này. Đối với ngành
GD-ĐT, việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng dịch Covid-19 đã phần nào đem lại sự an tâm cho phụ huynh và cả xã hội. Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho rằng, Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành và GD-ĐT không là ngoại lệ. Khi ngành GD-ĐT bị ảnh hưởng thì tác động trực tiếp đến rất nhiều đối tượng như giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã phải điều chỉnh lại khung thời gian kế hoạch năm học 2019-2020, trong đó có điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, kế hoạch thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, cao đẳng. Nhiều trường đại học, cao đẳng đang phải tiếp tục tạm dừng đón sinh viên trở lại trường học tập theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Đối với bậc giáo dục phổ thông, sau khi học sinh các cấp học đi học trở lại, Sở GD-ĐT sẽ phải hướng dẫn các trường điều chỉnh chương trình dạy và học phù hợp. Việc điều chỉnh kế hoạch năm học còn ảnh hưởng đến thời gian nghỉ hè của học sinh, kế hoạch bồi dưỡng đào tạo giáo viên chuẩn bị cho năm học mới.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, ngoài kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 theo lịch chung của Bộ GD-ĐT đã được điều chỉnh, Sở GD-ĐT hiện đã tính toán đến việc lùi thời gian thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2020-2021 sang tháng 7 để học sinh lớp 9 có thêm thời gian ôn tập kỹ hơn. Ngành GD-ĐT cũng lo ngại, dịch Covid-19 còn tác động không nhỏ đến việc chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là việc tổ chức lựa chọn và áp dụng sách giáo khoa lớp 1 từ năm học 2020-2021.      

* Tích cực hỗ trợ học sinh

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sau kỳ nghỉ Tết, các cơ sở giáo dục đã đồng loạt vào cuộc vệ sinh trường lớp, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng phòng chống dịch. Sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai hỗ trợ học sinh khối 9 và 12 ôn tập qua truyền hình từ ngày 17-2. Đến ngày 2-3 tiếp tục có thêm học sinh khối 4 và 5 được ôn tập qua truyền hình. Đáng chú ý, Đồng Nai chính là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hình thức hỗ trợ học sinh ôn tập qua truyền hình.

Không dừng lại ở đó, với sự hỗ trợ của các công ty viễn thông, công nghệ giáo dục đã được áp dụng nhanh chóng tại nhiều cơ sở giáo dục từ tiểu học đến đại học tại Đồng Nai. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Viễn thông Đồng Nai (VNPT Đồng Nai) cho biết, chỉ mất 2 tuần để VNPT Đồng Nai tiếp cận với phần lớn các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh, giúp hàng chục ngàn học sinh không bị gián đoạn việc học tập, ôn tập kiến thức qua hình thức học tập trực tuyến. Ông Hùng cũng cho rằng: “Xét ở góc độ nào đó, Covid-19 chính là cơ hội để ngành GD-ĐT Đồng Nai nhìn lại và bứt phá nhanh hơn trong việc ứng dụng công nghệ vào đổi mới giáo dục”.

Theo Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom Lưu Ngọc Quế, trong thời gian học sinh các bậc học chưa thể đi học do dịch Covid-19, nếu không có công nghệ thông tin và hình thức hỗ trợ ôn tập qua truyền hình, áp lực với ngành GD-ĐT sẽ còn lớn hơn nhiều. Qua đợt phòng, chống dịch này, ngành GD-ĐT tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn dựa vào ứng dụng công nghệ, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để chủ động hơn trong việc ứng phó với trường hợp dịch bệnh tương tự có thể xảy ra thì việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, phổ cập các thiết bị công nghệ thông tin có thể kết nối dễ dàng đến từng gia đình có học sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa là rất quan trọng. 

Thành Nam


 

Tin xem nhiều