Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 30 năm truyền lửa đam mê võ thuật cổ truyền

09:02, 12/02/2020

Từ một cậu bé sửa xe đạp ở vỉa hè đường 30-4 (khu vực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ), võ sư Mã Thanh Hiền (tên thật là Tống Phước Hiền, 53 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã nhanh chóng nổi danh trên các võ đường ở TP.Biên Hòa vào giữa thập niên 80 thế kỷ 20 vì đoạt giải cao ở nhiều giải thi đấu võ thuật cổ truyền trong tỉnh và từng hạ "knock out" nhiều đối thủ trên các võ đài tự do.

Từ một cậu bé sửa xe đạp ở vỉa hè đường 30-4 (khu vực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ), võ sư Mã Thanh Hiền (tên thật là Tống Phước Hiền, 53 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đã nhanh chóng nổi danh trên các võ đường ở TP.Biên Hòa vào giữa thập niên 80 thế kỷ 20 vì đoạt giải cao ở nhiều giải thi đấu võ thuật cổ truyền trong tỉnh và từng hạ “knock out” nhiều đối thủ trên các võ đài tự do.

Võ sư Mã Thanh Hiền với các học trò đoạt giải cao tại Giải vô địch võ thuật cổ truyền TP.Biên Hòa năm 2019. Ảnh do nhân vật cung cấp
Võ sư Mã Thanh Hiền với các học trò đoạt giải cao tại Giải vô địch võ thuật cổ truyền TP.Biên Hòa năm 2019. Ảnh do nhân vật cung cấp

Mồ côi cha mẹ từ sớm, năm 13 tuổi, võ sư Mã Thanh Hiền bám vỉa hè đường 30-4 để cùng em trai sửa xe đạp mưu sinh. Vốn đam mê võ thuật nên anh em võ sư Hiền đã tìm đến võ đường họ Mã ở phường Trung Dũng (TP.Biên Hòa) xin học võ.

* Vượt khó, nuôi dưỡng đam mê

Những năm giữa thập niên 80 thế kỷ 20 ở Ðồng Nai nói chung và Biên Hòa nói riêng, môn võ cổ truyền phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có trên 10 môn phái hoạt động. Trong số các võ đường, có một chi phái của Thiếu Lâm là Hồng Mi Ðạo Nhơn có võ đường ở phường Trung Dũng do võ sư Mã Thanh Hoàng làm chưởng môn hoạt động rất mạnh,

Võ sư Hà Trọng Đăng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Võ thuật Tây Sơn - Bình Định (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) đánh giá võ sư Mã Thanh Hiền là người hiếu đạo, tôn sư, mê võ hiếm thấy. “Nghiệp võ thời nay vốn khó tìm trò ngoan, trò giỏi, đức độ để kế nghiệp. Tình nghĩa thầy trò giữa võ sư Mã Thanh Hoàng với võ sư Mã Thanh Hiền quả là hiếm hoi đối với dân võ đất Biên Hòa” - võ sư Đăng nói.

Võ sư Hiền kể, sau 1 tháng học võ tại đây, võ sư Hoàng biết hoàn cảnh của 2 anh em ông ban ngày đi sửa xe đạp, ban đêm đi học võ nên đã nhận cả 2 người vào học võ miễn phí. Võ sư Hoàng đã nhìn ra tố chất học võ, nhân cách đạo đức của học trò nên tin tưởng truyền dạy những kinh nghiệm của môn võ và huấn luyện riêng để võ sư Hiền tham gia, đoạt giải cao tại các giải thi đấu võ thuật cổ truyền của TP.Biên Hòa và của tỉnh.

Võ sư Hiền kể, dù là “đồ đệ cưng” của võ sư Hoàng, ông cũng lén thầy đi học thêm các môn võ taekwondo, judo. Chính từ những đòn thế tinh hoa của các môn phái đã học, ông áp dụng trên sàn thi đấu và làm cho các đối thủ phải gờm mặt, đem về danh tiếng cho võ đường họ Mã khi thắng “knock out” nhiều đối thủ trên các võ đài tự do.

Khi võ sư Hoàng biết chuyện, không trách giận học trò mà động viên bằng câu nói làm võ sư Hiền nhớ mãi: “Mỗi môn phái đều có cái tinh hoa của nó, thầy không cấm các trò tầm sư, học đạo, trau dồi kiến thức võ thuật thêm. Tuy nhiên, cái đạo của người học võ là phải sống khiêm tốn, không được khoe khoang, thách đấu”. Chính lời dạy của thầy, từ năm 1990, võ sư Hiền giã từ võ đài cùng với võ sư Hoàng tập trung đào tạo lớp võ sĩ kế thừa và phát triển môn sinh.

Để nuôi dưỡng niềm đam mê võ thuật và gắn bó được với nghề dạy võ, võ sư Hiền đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông làm đủ nghề để mưu sinh, lo cho gia đình như: sửa và bán phụ tùng xe đạp ở vỉa hè, làm bảo vệ, chạy xe ôm... Từ năm 1990 đến nay, võ sư Hiền đã đào tạo ra hàng chục võ sư, huấn luyện viên có đẳng cấp cao và hàng ngàn môn sinh môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Ðạo Nhơn.

* Thấm đẫm tình thầy trò

Hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy võ tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai và tại nhà riêng ở phường Tân Phong, với tổng cộng khoảng 200 học viên theo học. Song song với việc truyền dạy võ thuật, Võ sư Hiền còn chú trọng dạy các thanh, thiếu niên kỹ năng phòng vệ, xử lý các tình huống đột xuất như: bị kẻ lạ trêu chọc, bắt cóc hay bị các đối tượng có hung khí tấn công, uy hiếp...

Võ sư Mã Thanh Hiền biểu diễn một thế võ đẹp của môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn
Võ sư Mã Thanh Hiền biểu diễn một thế võ đẹp của môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Đạo Nhơn

Đặc biệt, trong quá trình dạy võ, khi phát hiện võ sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, võ sư Hiền sẵn sàng miễn học phí. Đồng thời, ông nghiêm khắc và sẵn sàng cho thôi học những võ sinh nghịch ngợm, không hiếu đạo, bản tính hung hăng.

Võ sư Mã Thanh Hiền được Liên đoàn Võ thuật Việt Nam cấp bằng võ sư vào năm 2005, được võ sư Mã Thanh Hoàng chọn là người kế nghiệp chức chưởng môn phái Thiếu lâm Hồng Mi Ðạo Nhơn.


Võ sư Hiền tâm sự, nghề dạy võ cũng có nhiều câu chuyện vui, cảm động. Ông nhớ lại mấy năm về trước, sau khi nghỉ làm bảo vệ tại một khách sạn, ông mượn chiếc xe Honda Cub 78 cũ kỹ của anh trai để hành nghề chạy xe ôm. Thấy hoàn cảnh của ông khó khăn, một học trò đã mở lời bán cho ông chiếc Dream Trung Quốc trả góp để hành nghề xe ôm và tiện bề chạy “sô” dạy võ tại các câu lạc bộ, công ty, nhà dân. Nhờ tấm chân tình của trò, võ sư Hiền có điều kiện để tiếp tục theo đuổi nghề dạy võ.

Anh Nguyễn Văn Ninh (ngụ phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, trong quá trình dạy võ thầy Hiền rất nghiêm khắc, chú trọng rèn luyện về kỹ thuật cho từng môn sinh. Đặc biệt, thầy luôn dạy các võ sinh lấy đạo đức làm hàng đầu. Thầy luôn căn dặn, đối với người học võ là để rèn luyện sức khỏe, giúp người cô thế bị kẻ xấu ức hiếp, không được làm điều trái môn quy, hại người.

Còn đối với võ sư Hiền, ông sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn để gắn bó với nghề dạy võ. “Tôi chỉ có một nguyện vọng được truyền ngọn lửa đam mê võ thuật cổ truyền cho các học viên, để ngày càng có nhiều người luyện tập và bộ môn võ thuật cổ truyền của Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa” - võ sư Hiền tâm sự.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều