Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân luồng học sinh sau THCS: Nhiều tín hiệu vui

09:09, 17/09/2019

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Có khoảng 25% học sinh đã chọn học nghề thay vì vào học tại các trường THPT.

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Có khoảng 25% học sinh đã chọn học nghề thay vì vào học tại các trường THPT.

Học sinh lớp trung cấp điện tử, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ học lý thuyết. Ảnh: H.Yến
Học sinh lớp trung cấp điện tử, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi trong giờ học lý thuyết. Ảnh: H.Yến

Sau 3 năm học (cả chương trình văn hóa), các em hoàn toàn có khả năng tìm được việc làm ổn định, đúng ngành nghề đào tạo ngay sau khi ra trường.

* Phân luồng tốt nhờ… phụ huynh

Năm học 2018-2019, Trường THCS Tân Tiến (TP.Biên Hòa) có 94/356 học sinh đã tham gia học nghề sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 (chiếm tỷ lệ 26,4%). Năm trước nữa, tỷ lệ học sinh của trường chọn học nghề cũng đạt trên 25%. Ngoài trung cấp nghề, nhiều học sinh của trường còn học nghề tự do tại các trung tâm với những nghề như: làm tóc, cắt may, trang điểm…

Năm học 2018-2019, Đồng Nai có 70% học sinh THCS tiếp tục học THPT; khoảng 25% học sinh chọn học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng; hơn 4% học chương trình giáo dục thường xuyên.

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tiến Nguyễn Thị Hoàng Lan cho hay, xu hướng học sinh chuyển sang học nghề sau khi tốt nghiệp THCS trở nên nhiều hơn trong 2 năm gần đây. Điều này cho thấy nhận thức của phụ huynh, học sinh về việc học hành, lựa chọn ngành nghề đã có nhiều thay đổi. Để có được kết quả này, Trường THCS Tân Tiến đã tích cực làm công tác định hướng phân luồng học sinh sau THCS với chính các phụ huynh. Việc này được tiến hành thường xuyên trong các lần họp phụ huynh. Cùng với đó, giáo viên chủ nhiệm liên tục tác động đến phụ huynh thông qua quá trình trao đổi, liên lạc hằng ngày.

“Muốn phân luồng tốt thì đối tượng cần tác động nhiều nhất chính là phụ huynh, bởi đa số cha mẹ hiện đang thay con quyết định việc học, nhất là với đối tượng học sinh nhỏ tuổi. Tôi biết có những trường hợp học sinh không muốn tham gia thi tuyển sinh lớp 10 nhưng vẫn bị phụ huynh ép thi. Kết quả là nhiều em vẫn đến phòng thi nhưng nộp giấy trắng chứ không làm bài. Đó cũng là một trong những nguyên nhân vì sao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hằng năm lại có nhiều bài thi bị điểm 0” - cô Lan chia sẻ.

Cô Hoàng Lan cho biết thêm, ngoài tác động phụ huynh, nhà trường còn chú trọng tuyên truyền cho học sinh nhằm giúp các em định hướng được nghề nghiệp tương lai, hiểu được bản thân yêu thích và có khả năng làm công việc gì. Từ đó, chính các em thuyết phục cha mẹ cho phép đi học nghề.

* Số lượng tuyển sinh tăng vọt

Ông Nguyễn Hữu Khánh Linh, Phó trưởng phòng đào tạo - dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho rằng, so với các tỉnh, thành khác, công tác tuyển sinh cả hệ trung cấp và cao đẳng nghề ở Đồng Nai không còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức về bằng cấp, nghề nghiệp của các bậc phụ huynh đã có nhiều chuyển biến.

Trong những năm trở lại đây, số lượng tuyển sinh trung cấp sau phân luồng THCS tại Đồng Nai tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2014, Đồng Nai chỉ tuyển được hơn 4 ngàn học sinh trung cấp thì năm 2016, con số này tăng lên gần 7 ngàn. Năm 2017 ghi dấu sự tăng vọt trong tuyển sinh trung cấp với gần 11.800 chỉ tiêu; năm 2018 là gần 11.900 chỉ tiêu. Tuy chưa có số liệu chính xác nhưng số lượng tuyển sinh năm 2019 ước đạt 12 ngàn chỉ tiêu.

Ngoài Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, mỗi năm, các trường cao đẳng (có đào tạo hệ trung cấp) đóng trên địa bàn tỉnh đều được giao tuyển sinh từ 1-1,5 ngàn chỉ tiêu hệ trung cấp. Hầu hết các trường đều tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu. Không chỉ học sinh Đồng Nai, nhiều học sinh từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước cũng “đổ” về Đồng Nai để học tập. Tỷ lệ học sinh theo học khá ổn, không có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng.

TS.Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi (huyện Trảng Bom) cho biết, phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp đều lựa chọn đi làm chứ không học liên thông lên đại học ngay, đặc biệt là học sinh các nghề như: may thời trang, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện tử. Những nghề này đang có nhu cầu tuyển dụng lao động cao và chủ yếu cần trình độ trung cấp. Sau khi đi làm vài năm, nhiều em mới quay trở lại trường để học liên thông.

Em Nguyễn Thông Mỹ, học viên trung cấp nghề điện tử, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi cho biết: “Em học văn hóa hơi yếu nên không thi vào trường THPT mà chọn đi học trung cấp nghề kết hợp với học văn hóa chương trình bổ túc. Em nghĩ rằng học như vậy sau này sẽ dễ kiếm việc làm hơn”.       

Hải Yến

Tin xem nhiều