Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắp xếp cơ sở đào tạo nghề: Không trì hoãn, nhưng cần linh hoạt

09:10, 16/10/2018

Sở Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai lộ trình sắp xếp lại các cơ sở đào tạo nghề công lập. Theo lộ trình, đến năm 2021, nhiều cơ sở dạy nghề sẽ giải thể và sáp nhập...

Sở Lao động - thương binh và xã hội đang triển khai lộ trình sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo lộ trình đến năm 2021, nhiều cơ sở dạy nghề sẽ giải thể và sáp nhập.

Học sinh Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành trên nhiều thiết bị hiện đại của châu Âu.
Học sinh Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành trên nhiều thiết bị hiện đại của châu Âu.

PGS-TS.Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhận định, việc giải thể, sáp nhập các cơ sở đào tạo nghề không nên trì hoãn kéo dài, thực hiện sớm sẽ tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc sáp nhập cần phải tính toán phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của thị trường lao động địa phương.

* Khó nhưng không thể chần chừ

Từ năm 2015, tỉnh quyết định sáp nhập Trường trung cấp kinh tế Đồng Nai và Trường trung cấp kỹ thuật - công nghiệp Đồng Nai (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) vào Trường đại học Đồng Nai vì hoạt động kém hiệu quả. 2 trường này sau đó được Trường đại học Đồng Nai đầu tư trở thành Trường phổ thông thực hành sư phạm và Trung tâm tin học ngoại ngữ. Điều đáng mừng là Trường phổ thông thực hành sư phạm nhanh chóng trở thành cơ sở giáo dục phổ thông thu hút khá đông học sinh đăng ký xét tuyển hằng năm.

Mới đây, khi tham gia vào đoàn kiểm tra cải cách thủ tục hành chính của Trung ương tại Đồng Nai, PGS-TS.Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết, trường dạy nghề có quy mô nhỏ nhưng chất lượng tốt còn hơn trường quy mô lớn nhưng chất lượng kém. 2 trường cùng đào tạo một nghề như nhau nhưng thị trường “khát” lao động của nghề đó thì cũng cần duy trì để tạo sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, được đầu tư xây dựng mới với kinh phí lên đến 114 tỷ đồng và đưa vào sử dụng năm 2013 nhưng chỉ 5 năm sau Trường trung cấp nghề 26-3 (thuộc Tỉnh đoàn) đã bị đưa vào diện phải giải thể vì hoạt động kém hiệu quả. Nằm ở vị trí đẹp, gần nhiều khu công nghiệp, cơ sở vật chất khang trang, có ký túc xá cho học sinh ở nội trú nhưng Trường trung cấp nghề 26-3 không tuyển được học viên, kinh phí đào tạo và hoạt động bộ máy phụ thuộc lớn vào ngân sách nhà nước cấp hằng năm. Một số giáo viên không sống được bằng nghề tại trường này đã phải tìm lối đi khác cho mình.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Bích Nhàn, người được giao phụ trách hoạt động Trường trung cấp nghề 26-3 cho biết: “Tỉnh đoàn là đơn vị được giao quản lý hoạt động của trường còn chuyên môn do Sở Lao động - thương binh và xã hội quản lý. Đề án giải thể trường đã có nhưng chưa biết khi nào, có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm sau”.

Theo kế hoạch, những học sinh Trường trung cấp nghề 26-3 mới tuyển sinh gần đây đã được bàn giao cho Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai đào tạo, còn 256 học viên cũ cũng sẽ sớm được bàn giao cho đến khi trường chính thức được giải thể. Chị Nhàn cho biết: “30 cán bộ, giáo viên và nhân viên đều bày tỏ mong muốn trường được giải thể sớm hoặc sáp nhập vào một cơ sở dạy nghề nào đó càng sớm càng tốt, bởi để hoạt động trong tình trạng lâu nay chúng tôi rất trăn trở”.

Còn Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật số 2 (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đóng tại phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) có 2 cơ sở. Từ nhiều năm nay tại cơ sở 2 của trường (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) không có bất cứ hoạt động đào tạo nào. Toàn bộ cơ sở vật chất của cơ sở 2 được Trường trung cấp nghề tư thục Miền Đông thuê lại để đào tạo một số nghề như: kế toán, trung cấp sư phạm mầm non, tin học...

* Bài toán hiệu quả

Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội) cho biết,  từ nay đến năm 2021 Sở sẽ trình UBND tỉnh các đề án: giải thể Trường trung cấp nghề 26-3, sáp nhập Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai (tại huyện Nhơn Trạch) với Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai (tại huyện Long Thành), Trường cao đẳng y tế Đồng Nai sáp nhập vào Trường đại học Đồng Nai... Việc giải thể và sáp nhập sẽ được nghiên cứu kỹ, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ các đơn vị được giải thể, sáp nhập, nhất là nâng cao chất lượng đào tạo sau giải thể.

Dự kiến quý I-2019, Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai sáp nhập với Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai. Tuy nhiên, lãnh đạo Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai tỏ ra băn khoăn tiếc nuối vì sau nhiều năm hoạt động, năm 2018 này trường tuyển sinh số lượng cao với 670 học sinh (vượt 120% kế hoạch). Với nguồn tuyển như trên và thị trường lao động đang “khát” lao động kỹ thuật, trường xin cơ chế tự chủ tài chính thay vì phải sáp nhập nhưng được trả lời là “rất khó” vì đây là chủ trương chung.

Theo đề án sáp nhập Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai sẽ trở thành cơ sở 2 của Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai. Vấn đề còn nhiều băn khoăn là khi tiến hành sáp nhập nhiều cán bộ, giáo viên có hộ khẩu ở huyện Nhơn Trạch sẽ phải đi một quãng đường khá xa để đến Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai ở Long Thành công tác. Việc sắp xếp công tác tổ chức, cán bộ sẽ như thế nào... Lãnh đạo Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Đồng Nai bày tỏ: “Một số anh em đang băn khoăn lắm, không biết sáp nhập về trường mới còn được bố trí vị trí cũ hay lại xuống làm nhân viên”.

Chủ trương sáp nhập các cơ sở dạy nghề là đúng đắn, tuy nhiên câu hỏi lớn đặt ra là sau khi sáp nhập các cơ sở lại, liệu chất lượng đào tạo nghề có được tăng hơn trước hay chỉ là “bình mới mà rượu cũ”. Thậm chí nếu không được tính toán kỹ có thể gây khó khăn nhiều hơn trong quản lý, chất lượng đào tạo.

Ủng hộ việc tỉnh sáp nhập một số cơ sở đào tạo nghề của tỉnh hoạt động thiếu hiệu quả nhưng PGS-TS.Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội lại cho rằng: “Cần xem xét kỹ việc sáp nhập Trường cao đẳng y tế Đồng Nai với Trường đại học Đồng Nai trong đào tạo bác sĩ, như thế không ổn vì lĩnh vực y học cần đội ngũ chuyên môn cao, nếu không sẽ đào tạo ra những bác sĩ trình độ kém rất nguy hại sức khỏe của người dân. Hơn nữa theo chủ trương sắp tới bậc đại học sẽ không còn được đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều