Báo Đồng Nai điện tử
En

Trọng tay nghề hơn bằng cấp

08:07, 03/07/2018

Phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT thường chọn con đường học lên đại học. Tuy nhiên vẫn có không ít học sinh chọn học nghề và cơ hội nghề nghiệp thực tế luôn rộng mở, ít có tình trạng thất nghiệp.

Phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT thường chọn con đường học lên đại học. Tuy nhiên vẫn có không ít học sinh chọn học nghề và cơ hội nghề nghiệp thực tế luôn rộng mở, ít có tình trạng thất nghiệp.

Giảng viên Trường cao đẳng nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 giới thiệu sản phẩm của sinh viên hệ cao đẳng nghề với doanh nghiệp Đức (bìa trái). Ảnh: C.NGHĨA
Giảng viên Trường cao đẳng nghề công nghệ quốc tế Lilama 2 giới thiệu sản phẩm của sinh viên hệ cao đẳng nghề với doanh nghiệp Đức (bìa trái). Ảnh: C.NGHĨA

Nguyễn Phương là một trong 269 sinh viên của Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi được nhận bằng tốt nghiệp vào cuối tháng 6 vừa qua. Trước khi tốt nghiệp, Phương đã được Công ty TNHH Asia Garment Manufacturer Việt Nam (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) nhận vào làm việc tại bộ phận quản lý sản xuất với mức lương cao.

* Cơ hội rộng mở

Nguyễn Phương dù chỉ mới tốt nghiệp hệ cao đẳng ngành quản trị kinh doanh nhưng lại được tuyển dụng làm nhân viên quản lý đơn hàng, vị trí công việc khá đặc biệt, thường chỉ dành cho những người đã có kinh nghiệm về quản lý sản xuất. Công việc của Phương hiện đảm nhận tại công ty là tiếp nhận đơn hàng từ công ty mẹ ở Hồng Kông (Trung Quốc) chuyển sang, theo dõi tiến độ sản xuất cho đến bàn giao đơn hàng. Công việc không chỉ đòi hỏi Phương kỹ năng quản lý tốt mà còn cần đến khả năng giao tiếp ngoại ngữ, làm việc theo nhóm hiệu quả. Phương cho biết: “Sau 3 tháng thực tập và hơn 2 tháng làm việc chính thức, tôi đã cảm thấy tự tin hơn và điều vui mừng là ở bộ phận quản lý luôn dành sự quan tâm, động viên và đánh giá cao đối với khả năng làm việc của tôi”.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc phân luồng học sinh phổ thông sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 và lớp 12 đi theo con đường học nghề vẫn còn là một thách thức. Chỉ tiêu phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình phổ thông sẽ theo học nghề hiện chưa đạt như mong muốn. Sở GD-ĐT sẽ tăng cường các giải pháp để học sinh và phụ huynh có nhiều thông tin về trường nghề và khả năng tìm việc làm để từng bước thay đổi nhận thức phải học đại học bằng mọi giá.

Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi hiện có 4 khoa với 10 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, trong đó có 2 ngành “hot” là công nghệ may và công nghệ giày. Hiện 2 ngành này gần như chỉ có Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi đào tạo, do đó sinh viên rất dễ tiếp cận cơ hội việc làm. Ông Lưu Phước Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Sinh viên của chúng tôi tuy có trình độ cao đẳng nhưng lại luôn “đắt hàng”. Chúng tôi thường xuyên phải nói lời xin lỗi với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng vì không có đủ sinh viên để cung cấp”.

Còn anh Lê Trương Hữu Phước, một trong số nhiều nhân viên kỹ thuật đang làm việc tại Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành) chỉ có trình độ trung cấp cao đẳng nghề. Anh Phước chia sẻ: “Năm 2015 tôi tốt nghiệp THPT, bạn bè rủ học tiếp lên đại học cho đỡ lạc hậu. Tuy nhiên hoàn cảnh gia đình khó khăn, học đại học chi phí tốn kém, thời gian kéo dài đến 4-5 năm, do đó tôi quyết định chọn học cao đẳng nghề. Sau này có điều kiện tôi sẽ học lên đại học chắc cũng không muộn”.

Khi được hỏi ở công ty có sự phân biệt nào giữa nhân viên có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề với nhân viên có trình độ đại học hay không, anh Phước cho hay: “Thu nhập về tiền lương của ai nấy biết. Ở công ty không có chuyện phân biệt bằng cấp, ai có khả năng làm việc tốt luôn được đánh giá cao và trọng dụng. Thậm chí nếu nhân viên chỉ có trình độ trung cấp hay cao đẳng mà tay nghề “cứng”, giao tiếp tiếng Anh hay tiếng Nhật tốt lại càng được trọng dụng và có nhiều cơ hội thăng tiến lên các vị trí như trưởng bộ phận, quản lý cấp cao”.

* Làm gì để thu hút học nghề?

Giám đốc nhân sự Công ty Asia Garment Manufacturer Việt Nam Nguyễn Kiều Nga cho biết: “Chúng tôi luôn thiếu những lao động có tay nghề, do ngành may công nghiệp ít người học, càng ít người có trình độ từ trung cấp hay cao đẳng.

Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi được nhà trường tổ chức ngày hội việc làm giới thiệu cơ hội thực tập và việc làm.
Sinh viên Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi được nhà trường tổ chức ngày hội việc làm giới thiệu cơ hội thực tập và việc làm.

Chúng tôi không có phân biệt nào trong quá trình tuyển dụng và sử dụng nhân sự. Ứng viên có trình độ trung cấp, cao đẳng có tố chất, kỹ năng làm việc tốt, trung thực, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp nhận, tạo điều kiện thử sức vào những vị trí quan trọng. Thực tế đã có những nhân viên khi chúng tôi tuyển dụng chỉ có trình độ trung cấp hay cao đẳng, nhưng sau thời gian ngắn thử việc và đào tạo ở vị trí quản lý thực tập đã được cất nhắc vào vị trí quản lý chuyền trưởng hoặc cao hơn”.

Công ty TNHH một thành viên JR France (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) là doanh nghiệp chuyên gia công hàng thời trang cao cấp cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới. Có nhiều thợ may hàng mẫu của công ty sắp hết tuổi lao động, do đó công ty đang nỗ lực tìm đội ngũ nhân lực mới được đào tạo cơ bản về ngành may thời trang cao cấp để chuẩn bị cho quá trình thay thế. Ông Jacques Rostaing, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên JR France, chia sẻ: “Để đào tạo một nhân viên may mẫu hàng cao cấp cần đến 5 năm, tuy nhiên khi chúng tôi tuyển những sinh viên ngành công nghệ may có sẵn trình độ cao đẳng thì chỉ cần thêm 3 năm là làm được việc tốt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là những người được đào tạo cơ bản về ngành may còn khá ít, đặc biệt ngành may thời trang cao cấp lại đòi hỏi rất khắt khe về tay nghề”.

Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết: “Trong các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề các ngành kỹ thuật thường chiếm 25-30%, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ đại học chỉ chiếm 8-10%”.

Theo ông Trung, để tuyển được nhiều sinh viên hơn, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền về những thuận lợi khi học nghề với nhiều lợi thế như: thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp, dễ kiếm việc làm. Nếu sinh viên hệ trung cấp và cao đẳng tốt nghiệp có tay nghề đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì thu nhập có thể không thua kém người có trình độ đại học.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều