Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn cho trẻ mầm non

07:01, 11/01/2018

Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Một số phụ huynh phải gửi trẻ ở những cơ sở, nhóm trẻ gia đình, thậm chí ở nơi giữ trẻ tự phát...

Hệ thống các trường mầm non ngoài công lập hiện chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Một số phụ huynh phải gửi trẻ ở những cơ sở, nhóm trẻ gia đình, thậm chí ở nơi giữ trẻ tự phát. Do đó nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là nạn bạo hành đối với trẻ em rất dễ xảy ra. Đây chính là mối lo thường trực của ngành giáo dục và đặc biệt là của các bậc phụ huynh.

Trẻ em là con công nhân gửi tại Cơ sở mầm non  Ánh Dương, phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: C.Nghĩa
Trẻ em là con công nhân gửi tại Cơ sở mầm non Ánh Dương, phường Long Bình, TP.Biên Hòa

Trong dịp về Đồng Nai vào tháng 12-2017, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa nhận định Đồng Nai là tỉnh có dân số đông, nhất là lao động nhập cư nên áp lực trường lớp các cấp rất lớn, nhất là bậc học mầm non. Mặc dù hệ thống trường mầm non ngoài công lập của Đồng Nai đã có chuyển biến tích cực, công tác quản lý đã tốt hơn trước, nhưng vẫn cần nhiều giải pháp căn cơ để không chỉ đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn phải đảm bảo chất lượng chăm sóc ngày một tốt hơn.

* Áp lực quá lớn

Theo Sở GD-ĐT, toàn tỉnh hiện có 234 trường mầm non, trong đó trường công lập là 225 trường (chiếm 69,4%), trường ngoài công lập là 99 trường (chiếm 30,6%). Ngoài ra còn có 1.067 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục độc lập với trên 172.700 trẻ.

Mô hình trường, nhóm, lớp ngoài công lập đã góp phần mở rộng quy mô giáo dục mầm non theo cơ chế linh hoạt trước những áp lực về đầu tư rất lớn cho hệ thống giáo dục mầm non mỗi năm. Sự đa dạng của nhóm, lớp mẫu giáo tư thục còn tạo điều kiện cho các công nhân lao động gửi con phù hợp với điều kiện và khả năng tài chính, vì các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhận trẻ rất linh hoạt.

Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho hay, Đồng Nai đã và đang nỗ lực ngăn chặn không để xảy ra hiện tượng bạo hành trẻ em như từng xảy ra nhiều năm trước. Tỉnh đang cố gắng tạo thêm nhiều trường mầm non đảm bảo an toàn, nhất là huy động nguồn lực xã hội hóa. Công tác kiểm tra, giám sát các nhà nhóm trẻ tư thục sẽ được tăng cường hơn, nhất là phát huy vai trò của cộng đồng.

Đồng Nai là địa phương tiên phong trong việc huy động doanh nghiệp xây dựng trường mầm non cho con công nhân và đã có những doanh nghiệp đầu tư hàng triệu USD xây trường, trong đó có Tập đoàn Phong Thái (tại Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom), Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) hay mới đây là Công ty Taekwang Vina (đầu tư xây dựng trường mầm non tại Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa).

Những trường do doanh nghiệp xây dựng và trực tiếp điều hành hoạt động được ví như “trường 5 sao”, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ rất nhỏ của công nhân lao động của chính những doanh nghiệp đó.

Trong khi ở nhiều đơn vị cấp huyện, trường mầm non công lập đảm bảo khả năng tiếp nhận trẻ khá tốt thì một số địa phương, đặc biệt là những địa phương có khu công nghiệp tập trung lại đang loay hoay với việc giải bài toán cho giáo dục mầm non, điển hình trong số đó là TP.Biên Hòa.

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Ngô Diệu Thanh cho biết, thành phố hiện có 33 trường công lập, có phường chưa có trường mầm non công lập. Số trường ngoài công lập chiếm tỷ lệ lớn với 58 trường. Ngoài ra còn có gần 600 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư nhân thuộc hàng cao nhất tỉnh. 

* Gỡ nút thắt tạo đột phá

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi thị sát tình hình các trường mầm non ngoài công lập, nhà nhóm trẻ gia đình tại Đồng Nai, mới đây đã cho rằng những khó khăn và vướng mắc có ở Đồng Nai trong phát triển giáo dục mầm non cũng là khó khăn mà nhiều địa phương gặp phải. Những khó khăn đó cần tháo gỡ nhanh, kịp thời để quản lý tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn cho trẻ, không để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Phó thủ tướng khẳng định, muốn trẻ không bị bạo hành thì phải có trường tốt, giáo viên tận tụy, yêu trẻ và có cơ chế giám sát chặt chẽ.

Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, hiện có đến 228 nhà trẻ, nhóm trẻ của thành phố đã có sĩ số trên 50, theo quy định thì phải làm thủ tục thành lập trường nhưng không thể vì vướng quy định về đất đai. Nhiều gia đình sẵn sàng chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất giáo dục để thành lập trường nhưng bị “tuýt còi” vì đất đó không được quy hoạch là đất giáo dục.

Phần lớn các nhà trẻ, nhóm trẻ hiện nay đều vượt quá con số quy định của Bộ GD-ĐT là không được quá 50 trẻ/nhóm, trong khi đó Bộ GD-ĐT cũng quy định vượt quá 50 trẻ thì phải xin phép thành lập trường. Việc thành lập trường mầm non lại tiếp tục phát sinh nhiều thủ tục, quy định, như: phải đảm bảo cơ sở vật chất, phải có hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán, nhân viên y tế…

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã chia sẻ không nhỏ áp lực tiếp nhận trẻ của tỉnh, đặc biệt khi các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã mạnh dạn nhận trẻ từ dưới 6 đến dưới 24 tháng tuổi. Do đó, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho các sở giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển, đảm bảo an toàn hơn cho trẻ mầm non, giúp phụ huynh, đặc biệt là công nhân an tâm khi gửi trẻ.

Cụ thể, Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo tăng cường tập huấn cho giáo viên mầm non các cơ sở mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình dưới 10 trẻ. Sở đang xem xét hỗ trợ kinh phí cho các nhà nhóm gần các khu công nghiệp nhận trông giữ con công nhân mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ thêm chính sách cho giáo viên mầm non tư thục như công lập, đặc biệt là công tác kiểm tra giám sát…

Bài ảnh: Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích