Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỗ trợ bệnh nhân HIV khám bảo hiểm y tế

08:11, 28/11/2017

Hiện nay, một trong những khó khăn của công tác phòng chống HIV/AIDS chính là việc cung ứng thuốc kháng virus HIV (ARV), vì tới đây các nhà tài trợ quốc tế sẽ cắt giảm nguồn viện trợ này.

Hiện nay, một trong những khó khăn của công tác phòng chống HIV/AIDS chính là việc cung ứng thuốc kháng virus HIV (ARV), vì tới đây các nhà tài trợ quốc tế sẽ cắt giảm nguồn viện trợ này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Đ.Ngọc
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hằng, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, khám bệnh cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Đ.Ngọc

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết hiện nay tỉnh đang đẩy mạnh kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Mục đích để có đủ điều kiện ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV. Nhờ đó, công tác điều trị HIV/AIDS được bền vững kể cả khi nguồn viện trợ bị cắt giảm, người nhiễm HIV vẫn được tiếp tục điều trị HIV/AIDS qua quỹ BHYT.

* Còn không ít khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT và đã tiến hành thanh toán các dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân HIV là: Trung tâm y tế Biên Hòa, Trung tâm y tế Xuân Lộc và Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Còn có 3 đơn vị đang chờ thẩm định và cấp mã khám bệnh là: Trung tâm y tế Long Thành và Long Khánh, phòng khám ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV (OPC) Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Số ca nhiễm mới HIV giảm đáng kể
Trong 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã phát hiện 162 ca nhiễm HIV mới, giảm 51 ca so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 4,1 ngàn người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó đã có hơn 2,2 ngàn người nhiễm HIV được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách. Tỷ lệ nhiễm HIV 9 tháng đầu năm 2017 được phát hiện lây truyền qua đường tình dục cao nhất 44%, tiếp đến số người nhiễm HIV lây truyền qua đường máu chiếm 22%.

Riêng phòng khám OPC tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, là nơi có đông bệnh nhân đăng ký điều trị ARV nhất tỉnh (980/2.776 bệnh nhân điều trị ARV toàn tỉnh), nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động do một số nhân sự hoạt động tại trung tâm (bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm, X.quang…) chưa có chứng chỉ hành nghề nên Bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai Trần Trung Tá cho biết để tháo gỡ vấn đề này, chỉ còn chờ cuối năm 2017 khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật ra đời trên cơ sở sáp nhập các trung tâm chuyên khoa, trong đó có Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, lúc đó sẽ đủ điều kiện thành lập phòng khám đa khoa (có khoa điều trị ARV) thì mới triển khai thực hiện được. Hiện tại, trung tâm vẫn tiếp nhận, khám, điều trị và cấp thuốc điều trị ARV miễn phí cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Một khó khăn khác trong triển khai khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chính là những vướng mắc liên quan đến việc vận dụng các quy định về phân tuyến, chuyển tuyến, đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Như tại Phòng Khám OPC Bệnh viện da liễu Đồng Nai, bệnh nhân điều trị ARV chỉ được thanh toán đối với những trường hợp có giấy chuyển tuyến, còn những trường hợp không có giấy chuyển viện, bệnh nhân phải tự chi trả viện phí. 

* Cần thông tuyến bảo hiểm y tế

Bác sĩ Lê Thị Liên, phụ trách Phòng Khám OPC Bệnh viện da liễu Đồng Nai, cho biết một trong những rào cản lớn nhất khi triển khai khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV chính là quy định chuyển tuyến BHYT. Nguyên nhân là do bệnh nhân HIV rất ngại làm giấy chuyển tuyến BHYT vì sợ lộ thông tin; xin chuyển rất khó khăn do tuyến huyện cũng chữa được, trong khi tâm lý của hầu hết bệnh nhân là không muốn điều trị gần nhà. Do đó bác sĩ Liên đề nghị nên có mã số BHYT riêng cho bệnh nhân nhiễm HIV, khi thẻ BHYT có mã này, bệnh nhân nhiễm HIV có thể đến khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở thuận tiện nhất.

Tương tự, Phó giám đốc Trung tâm y tế TX.Long Khánh Trương Văn Rạng cũng cho biết hiện nay Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh là bệnh viện tuyến tỉnh nên việc chuyển tuyến của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã hay phòng khám đa khoa trên địa bàn vào điều trị tại bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó cần phải có quy định phân tuyến và chuyển tuyến đặc thù cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Ngoài ra, đa phần bệnh nhân điều trị HIV đều có hoàn cảnh khó khăn, do đó việc đồng chi trả 20% còn lại đối với nhiều người là vượt ngoài tầm tay. Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho rằng bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch dễ mắc các bệnh mãn tính, bệnh cơ hội, nếu không tham gia BHYT sẽ rất tốn kém chi phí điều trị. Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập quỹ hỗ trợ đồng chi trả 20% BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV. Mục đích cuối cùng là tất cả mọi bệnh nhân nhiễm HIV đều được tiếp nhận, khám và điều trị, không để bệnh nhân đứng ngoài sự chăm sóc của y tế.

Ngọc Thư

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích