Báo Đồng Nai điện tử
En

Những giọt máu ân tình

10:06, 24/06/2016

Bà Đỗ Thị Thu Nguyệt (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị bệnh thiếu máu bẩm sinh. 6 năm trở lại đây, để duy trì sự sống bà Nguyệt phải thường xuyên truyền máu, cứ 3 tuần truyền một lần, mỗi lần từ 3-4 đơn vị máu.

Bà Đỗ Thị Thu Nguyệt (ngụ phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) bị bệnh thiếu máu bẩm sinh. 6 năm trở lại đây, để duy trì sự sống bà Nguyệt phải thường xuyên truyền máu, cứ 3 tuần truyền một lần, mỗi lần từ 3-4 đơn vị máu.

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai tham gia hiến máu tình nguyện.
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai tham gia hiến máu tình nguyện.

Suốt 6 năm liên tục điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, với sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ và nguồn máu dự trữ tại bệnh viện, bà Nguyệt chưa bao giờ phải rơi vào tình trạng không có máu để truyền.

 * Kéo dài sự sống cho bệnh nhân

Chia sẻ về hành trình điều trị bệnh của mình, bà Nguyệt bộc bạch: “Nếu không có nguồn máu hiến của các tình nguyện viên trong tỉnh, tôi đã không có được ngày hôm nay. Chính những giọt máu nghĩa tình đó đã và đang giúp tôi cũng như nhiều bệnh nhân khác duy trì sự sống. Tôi xin chân thành cảm ơn tấm lòng thơm thảo và nghĩa cử cao đẹp của tất cả những người tham gia hiến máu tình nguyện, sẵn sàng sẻ chia sự sống của mình cho những người như tôi”.

Cứu giúp những người bệnh cần máu có hoàn cảnh khó khăn là mục tiêu mà gia đình ông Đỗ Văn Bằng (ngụ ấp 5, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) hướng tới. Gia đình ông Bằng là một trong những gia đình có số lần hiến máu nhiều nhất tỉnh với 60 lần. Riêng vợ ông là bà Triệu Thị Phương đã 30 lần hiến máu tình nguyện. 2 con trai của ông bà cũng nhiệt tình hưởng ứng từ khi còn là sinh viên đại học.

Ông Bằng cho biết: “Trước đây, vợ tôi công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ xã nên khi có đợt vận động hiến máu tình nguyện là bà ấy xung phong đi trước. Năm 2005, phải làm đủ việc để nuôi cả 3 con ăn học nên hoàn cảnh gia đình tôi còn nhiều khó khăn. Lúc đó tôi nghĩ, nhà mình còn nghèo, không có tiền để giúp đỡ những người bệnh nghèo, chỉ có máu là có thể cho đi. Thế là tôi cùng vợ đăng ký hiến máu mỗi khi có đợt lấy máu ở xã, huyện. Đến nay, tôi cũng đã hiến máu 18 lần”.

Trước khi hiến máu, ông Bằng có vóc người gầy gò, ốm yếu. Sau khi hiến máu, ông Bằng ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn và tăng cân đều. Thấy sự thay đổi về thể chất lẫn sức khỏe của ông Bằng theo chiều hướng tốt, nhiều bà con và hàng xóm cũng “bắt chước” nhiệt tình tham gia hiến máu. Từ đó, tạo được phong trào hiến máu tình nguyện sôi nổi ở xã vùng sâu Tà Lài. Đến nay, trong toàn xã, có hàng chục gia đình và hàng trăm cá nhân tham gia hiến máu tình nguyện.

* Hạnh phúc khi được hiến máu

Để người dân hiểu và tin hiến máu không có hại cho sức khỏe, nhiều tình nguyện viên trong Hội Chữ thập đỏ các cấp đã “làm gương” trong mỗi lần tổ chức hiến máu. Điển hình như ông Lê Ái Quốc (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Lập, TX.Long Khánh). 6 năm làm công tác Hội, điều mà ông Quốc cảm thấy vui mừng nhất chính là sự thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu. “Lúc đầu, khi đi vận động mọi người hiến máu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì ai cũng sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau đó, nhờ các lớp tập huấn và sự chia sẻ của những người hiến máu nhiều lần, người dân đã tin tưởng và không ngại tham gia phong trào có ý nghĩa nhân đạo này” - ông Quốc chia sẻ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết: “Hiến máu cứu người là một nghĩa cử nhân văn, cao đẹp giữa người với người. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả mọi người đủ điều kiện cùng tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần cứu giúp những bệnh nhân cần máu, đặc biệt trong những dịp các bệnh viện trong tỉnh có nhu cầu máu lớn như dịp hè, lễ tết”.

Cũng nhờ thế mà đến nay trên địa bàn xã Xuân Lập có hơn 30 hộ gia đình hiến máu từ 15 lần trở lên, nhiều cá nhân hiến trên 20 lần. Bên cạnh đó, trong xã có một số  người có nhóm máu hiếm nằm trong câu lạc bộ máu hiếm của TX.Long Khánh. Bất kể khi nào bệnh viện có nhu cầu cần máu hiếm không kể đêm ngày, những người trong câu lạc bộ sẵn sàng cho máu. Ông Quốc cho biết: “Trong những đợt hiến máu, có nhiều người đến hiến nhưng huyết áp cao hoặc thấp chưa lấy được máu. Họ không bỏ về mà ngồi chờ để huyết áp ổn định, hiến máu được mới về. Lúc đó ai cũng vui vẻ vì làm được một việc tốt”.

Bà Đỗ Thị Kim Yến là một trong những tình nguyện viên tích cực trong công tác vận động và hiến máu tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc. Suốt từ năm 2008 đến nay, gia đình bà Yến đã vận động được nhiều người tại địa phương cùng hiến máu. Năm 2015, gia đình bà Yến được UBND tỉnh tôn vinh là “Gia đình hiến máu nhân đạo”. Bà Yến bộc bạch: “Đem lại nguồn sống, niềm vui, hạnh phúc cho người khác cũng chính là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình”.

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều