Báo Đồng Nai điện tử
En

Tai nạn thương tích ở trẻ gia tăng

11:06, 22/06/2016

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ tháng 5 đến nay số trẻ nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông và tai nạn thương tích gia tăng rõ rệt. Trong đó, phần lớn là các trường hợp đuối nước, chấn thương tay chân, chấn thương đầu, chấn thương sọ não, bỏng...

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, từ tháng 5 đến nay số trẻ nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông và tai nạn thương tích gia tăng rõ rệt. Trong đó, phần lớn là các trường hợp đuối nước, chấn thương tay chân, chấn thương đầu, chấn thương sọ não, bỏng...

Do bị té từ gác trọ cao 3m, bé Hồ Thị Thanh T., 1 tuổi, ngụ tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đang phải theo dõi chấn thương sọ não tại Khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng.
Do bị té từ gác trọ cao 3m, bé Hồ Thị Thanh T., 1 tuổi, ngụ tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đang phải theo dõi chấn thương sọ não tại Khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng.



Bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, Phó trưởng khoa khám bệnh - cấp cứu, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết trong số tai nạn thương tích được đưa vào cấp cứu có nhiều ca cấp cứu do đuối nước. Điều đáng nói không chỉ là trẻ em vùng nông thôn bị đuối nước mà còn có cả trẻ em ở TP.Biên Hòa.

Tai họa bất ngờ

Cụ thể như trường hợp bé trai Nguyễn Đức T., 13 tuổi, ngụ tại phường An Bình (TP.Biên Hòa) vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần do bị đuối nước tại một hồ bơi ở TP.Biên Hòa. Nguyên nhân là do vào ngày 4-6, T. đang tắm hồ bơi thì đột ngột lên cơn động kinh khiến T. bị ngạt nước và được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Rất may, T. đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cấp cứu kịp thời, giúp T. thở máy. Sau đó, em được chuyển qua Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai điều trị. T. bị suy hô hấp nặng phải mất 2 ngày thở máy và được điều trị tích cực hơn 2 tuần nên sức khỏe đã dần hồi phục. Được biết, T. có tiền sử bệnh động kinh, dù bị cha mẹ cấm đi bơi nhưng T. vẫn trốn cha mẹ đi bơi và gặp nạn.

Theo thông tin từ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, số ca tai nạn giao thông và tai nạn thương tích nhập viện trong tháng 5-2016 cao hơn tháng 4-2016. Cụ thể, trong tháng 5 có 135 ca tai nạn giao thông (tăng 34 ca so với tháng 4), trong đó có 12 ca chấn thương sọ não, tăng 50% so với tháng 4; tai nạn thương tích trong tháng 5 có 492 ca (tăng 22 ca so với tháng 4), trong đó có 1 ca tử vong.

Trong khi nhiều khoa nội trú của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khá vắng vẻ, thì khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng lại đông đúc hơn nhiều, trung bình mỗi ngày có 40-50 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó, số bệnh nhân mới chuyển đến khoa mỗi ngày lên đến hơn 10 trẻ với đa phần là do chấn thương tay, chân, chấn thương đầu, chấn thương sọ não, bỏng nước sôi, bỏng điện, bỏng dầu ăn, nước canh...  
Một trong những tai nạn thường gặp đối với trẻ nhỏ chính là té cầu thang. Như trường hợp bé Hồ Thị Thanh T., 1 tuổi, ngụ tại phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) đang phải theo dõi chấn thương sọ não do bị té từ gác cao 3m xuống đất. Vào ngày 31-5, bé T. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, qua kết quả chụp CT thấy bé bị nứt sọ. Chị Chu Thị Bích H., mẹ của bé T. cho biết do chị đi buôn bán sớm, để con ở nhà trọ cho chồng coi. Khi chồng của chị đang lau nhà ở phía dưới, bé T. ngủ trên gác thức dậy không thấy cha mẹ đâu nên bò đi kiếm, khi bò ra ngoài lan can gác trọ thì bị lọt qua khe hở của lan can rơi thẳng xuống đất.    

* Để mắt đến trẻ nhỏ

Qua khảo sát phụ huynh của các bé bị tai nạn thương tích, chúng tôi nhận thấy sự hối hận muộn màng của họ chỉ vì một vài phút sơ suất, không để mắt tới con trẻ mà để con bị tai nạn đau đớn, nhất là những trẻ bị bỏng, vừa đau đớn lại mang thương tật đến suốt đời. Cụ thể, như trường hợp bé Trần Ngọc Minh T., 4 tuổi, ngụ tại phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) đang điều trị bỏng độ II với vết thương diện rộng từ 2 vùng nách, vai, bụng và đùi. Nguyên nhân là vào sáng 26-5, khi người nhà không để ý, bé đã tự mang hộp quẹt ra vườn bật lên đốt lá cây thì lửa bén lên áo đầm đang mặc gây bỏng nặng.

Một trẻ bị bỏng diện rộng do vô tình với tay làm đổ bình trà nóng mới pha vào người. Ảnh: N.Thư
Một trẻ bị bỏng diện rộng do vô tình với tay làm đổ bình trà nóng mới pha vào người. Ảnh: N.Thư

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Sửu, tai nạn thương tích xảy ra có nhiều tình huống không lường trước được. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tai nạn thương tích do phụ huynh hoặc người trông coi trẻ bất cẩn, nhất là tai nạn do bỏng nước sôi, uống nhầm hóa chất. Do đó, cần để các vật dụng chứa nước sôi, như: ấm nước, phích nước, bình trà, nồi canh, chảo dầu... xa tầm với của trẻ; không tận dụng các chai nhựa đựng nước trà xanh, nước ngọt để đựng hóa chất, như: dầu hôi, chất tẩy rửa... sẽ khiến trẻ dễ uống nhầm.

Bác sĩ Phạm Đông Đoài, Trưởng khoa ngoại chấn thương, chỉnh hình - bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khuyến cáo nên bảo vệ trẻ nhỏ bằng nón bảo hiểm, buộc đai an toàn khi cho trẻ đi xe máy cùng cha mẹ để hạn chế các chấn thương nặng nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, cũng chú ý khi cho trẻ nhỏ tự đạp xe một mình ra đường, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 3-7 tuổi; chú ý khi cho trẻ nô đùa trong đường ở các khu dân cư, luôn phải có người lớn trông chừng đề phòng xảy ra tai nạn đáng tiếc xảy ra.

 

Ngọc Thư
 



 

Tin xem nhiều