Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao đời sống công nhân từ đối thoại

10:06, 22/06/2016

Từ các cuộc đối thoại giữa Công đoàn cơ sở (CĐCS) với chủ doanh nghiệp, nhiều mô hình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đã ra đời giúp củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức Công đoàn, giảm bớt được tình trạng đình công và tranh chấp lao động.

Từ các cuộc đối thoại giữa Công đoàn cơ sở (CĐCS) với chủ doanh nghiệp, nhiều mô hình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đã ra đời giúp củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức Công đoàn, giảm bớt được tình trạng đình công và tranh chấp lao động.

Chuẩn bị bữa ăn giữa ca cho người lao động tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai.
Chuẩn bị bữa ăn giữa ca cho người lao động tại Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai.

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) Lê Nhật Trường chia sẻ, các hoạt động chăm sóc và bảo về quyền lợi cho người lao động trong công ty luôn được Công đoàn theo sát, khi có những kiến nghị chính đáng Ban Chấp hành Công đoàn lập tức ngồi lại với Ban giám đốc để thảo luận, đưa ra hướng giải quyết kịp thời.

* Không chỉ lắng nghe

Theo ông Lê Nhật Trường, Pousung Việt Nam hiện là doanh nghiệp có đông lao động nhất huyện Trảng Bom với trên 25 ngàn người. Để đảm bảo quyền lợi cho số lượng lao động đông đảo trên là việc làm rất quan trọng. Trước tiên, Công đoàn phải giám sát chặt chẽ doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường sản xuất an toàn, thu nhập được đảm bảo thông qua thực hiện tốt chính sách tiền lương, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Không dừng lại ở đó, năm 2015 Công đoàn kiến nghị và được công ty chấp thuận đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng khu giải trí cho công nhân là một sân bóng đá có mái che. Đây còn là nơi kết hợp để tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ và một số hoạt động khác của Công đoàn.

Là doanh nghiệp có đông công nhân với trên 23 ngàn người, CĐCS Công ty Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) đã có nhiều nỗ lực để cùng Ban giám đốc chăm lo đời sống cho người lao động. Nhờ những kiến nghị của Công đoàn, công ty đã đầu tư xây dựng khu sinh hoạt văn hóa giải trí cho công nhân rộng trên 5 ngàn m2. Công đoàn còn xây dựng được thư viện với sức chứa khoảng 150 công nhân, trong thư viện luôn có từ 3.000-3.500 đầu sách, báo, tạp chí và thường xuyên được thay đổi để phục vụ nhu cầu đọc của công nhân. Để công nhân có thể tận dụng thời gian để giải trí, Công đoàn đề nghị và được công ty đáp ứng đầu tư 60 tivi cỡ lớn có hệ thống âm thanh tốt tại nhà ăn.

Là một trong những doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh hiệu quả, chính vì vậy đời sống của gần 9 ngàn công nhân lao động của Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) luôn được quan tâm chu đáo, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người lao động đến nay luôn được đảm bảo tốt, người lao động rất an tâm và gắn bó với công việc. Đảng ủy, Ban giám đốc và Công đoàn còn đẩy mạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động. Theo đó đến nay gần 40% người lao động của công ty có trình độ từ trung cấp đến đại học trở lên, gần 60% được qua đào tạo nghề. Những lao động còn lại đều được qua các khóa huấn luyện, bồi dưỡng tay nghề.

* Nhịp cầu  quan hệ lao động hài hòa

Với một tỉnh có đông công nhân như Đồng Nai thì vai trò của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là CĐCS gần nhất với người lao động, là rất quan trọng để duy trì quan hệ lao động ổn định hài hòa và tiến bộ. Từ tiếng nói có trọng lượng của CĐCS, chủ doanh nghiệp sẽ lắng nghe và giải quyết được các bức xúc của người lao động. Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch CĐCS Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho hay từ tiếng nói của Công đoàn đã cho ra đời rất nhiều mô hình chăm lo tốt đời sống người lao động, điển hình nhất là siêu thị bán hàng trả sau cho công nhân, hệ thống vắt và lưu sữa cho công nhân đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Từ kiến nghị của Công đoàn, công ty đã chi hơn 50 tỷ đồng để xây dựng trường mầm non cho con công nhân và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

Trong buổi làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh mới đây, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng cán bộ Công đoàn được giao trọng trách rất cao cả là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Do đó, cán bộ Công đoàn muốn đối thoại tốt với doanh nghiệp nhất định phải nắm chắc luật, tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp, đặc biệt là phải nắm chắc tâm lý chủ doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho biết ở doanh nghiệp nào CĐCS có tiếng nói uy tín với ban giám đốc doanh nghiệp thì quyền lợi của người lao động sẽ được bảo vệ tốt. Chính vì vậy, việc giúp cán bộ CĐCS có trình độ, kỹ năng thương lượng với chủ doanh nghiệp là rất quan trọng. Để cán bộ CĐCS có thể tự tin bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước doanh nghiệp, ông Bình cho biết Liên đoàn Lao động huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS. Với những doanh nghiệp có đông lao động, hoặc xảy ra tranh chấp lao động thì Liên đoàn Lao động huyện lập tức có mặt để cùng với cán bộ CĐCS thương lượng với chủ doanh nghiệp.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập, tình trạng đình công, tranh chấp lao động tập thể vẫn còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, tập trung nhiều ở thời điểm trước và sau tết, nhất là sau mỗi đợt tăng lương. Ở nhiều doanh nghiệp môi trường làm việc chưa thực sự được cải thiện tốt. Chính vì vậy, trong năm nay nhiệm vụ của Công đoàn, trong đó CĐCS có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng hoạt động, phát triển đoàn viên, đặc biệt là thực hiện chủ trương Công đoàn thương lượng với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, nâng cao sức khỏe và tái tạo sức lao động cho công nhân.

Công Nghĩa

 

 

 

Tin xem nhiều