Báo Đồng Nai điện tử
En

Lan tỏa mô hình xây dựng xã hội học tập

11:08, 18/08/2021

Xây dựng xã hội học tập là một trong 13 chương trình của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Đồng Nai.

Xây dựng xã hội học tập là một trong 13 chương trình của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở Đồng Nai.

Gia đình anh Phan Sông Đông (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cùng nhau đọc sách, vui chơi. Ảnh: L.Na
Gia đình anh Phan Sông Đông (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cùng nhau đọc sách, vui chơi. Ảnh: L.Na

Từ chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm lan tỏa phong trào xã hội học tập. Qua đó, giúp các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức, hiểu biết, tham gia vào hoạt động văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

* Từ xây dựng gia đình học tập…

Xây dựng gia đình học tập là một trong những mô hình được xem là bước khởi đầu quan trọng trong thực hiện Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng. Hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều rà soát số gia đình đăng ký, kết quả thực hiện mô hình, số lượng và chất lượng ngày càng tăng. Trong đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gia đình được công nhận là gia đình học tập tiêu biểu.

Gia đình ông Lê Duy Hân (TT.Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) là điển hình trong phong trào Xây dựng gia đình học tập. Là nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vợ chồng ông Hân đã vượt khó nuôi 4 người con ăn học và có việc làm ổn định.

Ông Hân cho biết, ông quê ở tỉnh Thanh Hóa, năm 1972, ông rời quê vào lập nghiệp tại TT.Vĩnh An. Mặc dù cuộc sống xa quê gặp rất nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm lo cho con cái được học hành đến nơi đến chốn, vợ chồng ông chủ động học hỏi để phát triển kinh tế gia đình. “Với mong muốn vận động mọi người tham gia xây dựng xã hội học tập, tôi cùng với người dân trên địa bàn đã đứng ra thành lập Hội Khuyến học đồng hương Thanh Hóa tại TT.Vĩnh An. Từ năm 2006 đến nay, hoạt động của Hội đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Hội đã kịp thời động viên, hỗ trợ và khen thưởng hàng trăm học sinh vượt khó học giỏi. Tiêu biểu như hoàn cảnh của em Lê Thị Thúy ở KP.3, TT.Vĩnh An. Gia đình Thúy thuộc diện khó khăn, cha bị tàn tật, mẹ mất sức lao động, anh trai 2 lần bị tai nạn. Thúy được Hội tặng học bổng suốt 3 năm liền. Hiện tại, Thúy đã ra trường, có việc làm ổn định” - ông Hân chia sẻ.

Đến tổ 18A, KP.4, P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), hỏi gia đình anh Phạm Cẩm Bạch sẽ có nhiều người biết, bởi gia đình anh Bạch không chỉ gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa, tích cực tham gia các phong trào mà còn là gia đình trẻ hiếu học tiêu biểu. Ngoài công việc ở công ty, buổi tối anh Bạch còn đi chở hàng thuê kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, lo cho 2 con ăn học. Các con anh dù còn nhỏ nhưng rất nỗ lực học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, tham gia các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Tại các huyện, thành phố, nhiều gia đình như: ông Lê Đức Thức (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ), bà Phạm Sắt Múi (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), ông Phạm Khắc Tiến (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom), anh Phan Sông Đông (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa)… đều là những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài. Mỗi gia đình đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng dòng họ học tập, cộng đồng và đơn vị học tập trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, có tác động tích cực đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

* …Đến lan tỏa nhiều cách làm hay

Thời gian qua, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan xây dựng và triển khai nhiều mô hình nhằm thực hiện chương trình xây dựng xã hội học tập. Trong đó, trao tặng 9 thư viện sách tặng cho các liên đội trong tỉnh; các liên đội đã xây dựng được hơn 890 tủ sách măng non, tủ sách Bác Hồ và mô hình Thư viện xanh với hàng trăm ngàn đầu sách, báo các loại. Tỷ lệ đoàn viên, thanh niên tự đào tạo, đào tạo nâng cao, sử dụng thành thạo ngoại ngữ ngày một tăng. Xuất hiện hàng trăm CLB ngoại ngữ hoạt động với mục đích hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập.

Tuần lễ đọc sách cũng là hoạt động được Tỉnh đoàn tổ chức hằng năm nhằm tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên về mục đích, ý nghĩa của việc đọc sách. Trong tuần lễ, Ban tổ chức phát động cuộc thi Viết cảm nhận về sách nhân Ngày Sách Việt Nam 21-4. Qua đó, lan tỏa văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, phong trào đọc sách trong đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Theo thượng tá Nguyễn Hữu Thủy, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, để bảo đảm tính bền vững và lâu dài trong xây dựng văn hóa quân sự trong đơn vị, những năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh luôn coi trọng việc khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở. Theo đó, hiện toàn lực lượng vũ trang tỉnh có 1 nhà truyền thống, 16 phòng Hồ Chí Minh và các phòng đọc sách, báo cấp đại đội, tiểu đoàn… Nơi đây lưu giữ hơn 1 ngàn hình ảnh, hiện vật của quân đội và lực lượng vũ trang tỉnh trong gần 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành. Hằng năm, có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập.

Đẩy mạnh học tập suốt đời cũng được ngành Văn hóa triển khai, nhân rộng trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB. Hiện nay, mạng lưới thư viện cấp xã đã phủ rộng khắp. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có thư viện, tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu đọc sách và tìm hiểu kiến thức của người dân. Số thư viện cấp huyện, cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ internet miễn phí đạt tỷ lệ trên 81%.

Theo Sở GD-ĐT, Chủ nhiệm Chương trình 11 về xây dựng xã hội học tập, chương trình đã được triển khai sâu rộng và tạo sức lan tỏa. Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tuyên truyền rộng rãi, phối hợp thực hiện các phong trào thi đua. Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia học tập suốt đời ở mỗi cá nhân, gia đình, đơn vị, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần xây dựng cộng đồng ngày càng văn minh, tiến bộ.

Ly Na

Tin xem nhiều