Báo Đồng Nai điện tử
En

Đất và người Nam bộ trên trang sách của Ca Văn Thỉnh

10:08, 16/08/2021

Viết về đất và người Nam bộ, đến nay đã có nhiều công trình, thế nhưng những nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất này từ những năm 1942-1943 của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh thì quả là rất sớm. Với 14 bài viết của ông được tập hợp trong cuốn Đất và người Nam bộ (NXB Trẻ ấn hành) cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức quý.

Viết về đất và người Nam bộ, đến nay đã có nhiều công trình, thế nhưng những nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất này từ những năm 1942-1943 của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh thì quả là rất sớm. Với 14 bài viết của ông được tập hợp trong cuốn Đất và người Nam bộ (NXB Trẻ ấn hành) cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức quý.

* Những trang sách quý

Mở đầu cuốn sách, Vũ Văn Ngọc - Lưu Hồng Sơn giới thiệu: “Kể về lượng thì quả là số trang viết của Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh để lại không nhiều, nhưng ông đã thấy và chỉ cho chúng ta thấy rõ mạch văn mối đạo cũng như tinh túy của cổ học Nam bộ thông qua các bài nghiên cứu công phu, khoa học, đầy tính phát hiện, thể hiện tài hoa và bầu nhiệt huyết của một người luôn quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc”.

Sách tập hợp 14 bài do tác giả viết, dịch, sưu tầm về đề tài Nam bộ xưa, trong đó có 9 bài đã đăng trên tạp chí trước năm 1945 gồm: Đền Đế Thiên đối với tiền nhơn ta; Minh bột di ngư, một quyển sách hai thi xã; Lễ kỷ niệm cụ Nguyễn Đình Chiểu - tác giả Lục Vân Tiên; Khổng học ở đất Đồng Nai; Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại hà và kinh Vĩnh Tế; Tiểu sử Nguyễn Văn Thoại (Thụy) (1761-1829); Đất và người Nam bộ; Hào khí Đồng Nai...

Trong các bài viết, nhiều lần Ngạc Xuyên đặt vấn đề, là vùng đất “sinh sau đẻ muộn”, liệu Nam bộ có một nền văn hóa, văn chương phong phú không? Ông đã cất công chứng minh là có, với những công trình khảo cứu về Khổng học ở đất Đồng Nai, Vạn thế sư biểu Võ Trường Toản và những văn nhân đất Nam bộ như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Phan Văn Trị…

Bên cạnh đó, cuốn sách còn có phần phụ lục dày 103 trang, từ trang 263-365 với 5 nội dung là: Truyện thơ dân gian yêu nước, Nguyễn Thông, Sơn thuyết, Câu chuyện yểm quỷ, Chân dung tác giả và Di bút. Nhiều bài viết trong cuốn sách này là những công trình nghiên cứu của tác giả đã đăng trên Đại Việt Tập chí tại Sài Gòn từ năm 1943-1944.

Theo nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh, Nam bộ là đất có lịch sử lâu đời, do người Việt khai khẩn và tạo dựng nên bằng con đường hòa bình, ông kêu gọi người Nam bộ hãy tìm hiểu, giữ gìn và yêu quý các di tích, lịch sử, văn hóa của mình. Về mặt văn học, ông cho thấy Nam bộ rõ ràng có một nền văn học quy mô, tổ chức hẳn hoi, với những tác phẩm tiêu biểu như: Thơ văn yêu nước Nam bộ cuối thế kỷ XX, Hào khí Đồng Nai… Về mặt nho học, ông khẳng định đất Nam bộ có một nền giáo dục vững chắc, lâu đời.

* Một con người tài hoa

Ca Văn Thỉnh sinh ra trong một gia đình nông dân lao động ở làng Thành Hóa (nay là xã Tân Thanh Bình, H.Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre), là thanh niên Nam bộ đã theo học Trường cao đẳng Sư phạm Đông Dương ở Hà Nội niên khóa 1925-1927. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Bến Tre và được bổ nhiệm làm Đốc học tỉnh Bến Tre. Không chỉ hoạt động cách mạng, ông còn quan tâm nghiên cứu văn hóa, văn học, nhất là của Nam bộ.

Với bút hiệu Ngạc Xuyên (có nghĩa là “rạch Cá Sấu”, tên một con rạch ngay tại quê nhà của ông), ông tích cực giới thiệu văn thơ yêu nước của các sĩ phu Nam bộ trên các báo chí cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi tập kết ra Bắc, ông vẫn cần mẫn nghiên cứu, dịch, giới thiệu thơ văn trên các báo văn nghệ, tạp chí văn học. Các bài viết, công trình của ông là những nghiên cứu chuyên sâu, thuyết phục về vùng đất, con người Nam bộ, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các nhà nghiên cứu đi sau trong các lĩnh vực văn học, nho học, sử học Nam bộ thế kỷ XVIII, XIX.

Mới đây, Bộ VH-TTDL công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2021 do hội đồng cấp cơ sở trình hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước để lấy ý kiến nhân dân. Trong số các tác phẩm được chọn xét giải có tác phẩm Hào khí Ðồng Nai (dày hơn 400 trang, với 19 bài viết). Tuyển tập này được ông Nguyễn Long Trảo (con rể của ông) tổng hợp từ các bài viết của cố học giả, gồm nhiều tác phẩm di cảo chưa từng được công bố.

Ca Văn Thỉnh (1902-1987) là một giáo sư, nhà giáo dục, nhà thơ, chính trị gia, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Ca Văn Thỉnh được xem là người đầu tiên trong nghiên cứu văn hóa Nam bộ. Ông là cha của những văn nghệ sĩ nổi tiếng như: giáo sư, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, họa sĩ Ca Lê Thắng, NSƯT Ca Lê Hồng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến).

Hồng Phúc

 

Tin xem nhiều