Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tìm lại bản sắc cho không gian văn hóa

10:05, 12/05/2021

Biên Hòa - Đồng Nai đang phát triển từng ngày. Nhiều không gian văn hóa công cộng (VHCC) được quan tâm, chú trọng bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc. Điều này góp phần tạo nên hồn cốt độc đáo của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Biên Hòa - Đồng Nai đang phát triển từng ngày. Nhiều không gian văn hóa công cộng (VHCC) được quan tâm, chú trọng bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc. Điều này góp phần tạo nên hồn cốt độc đáo của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển.

Những mảng tường “khoác áo mới” tạo nên không gian văn hóa thân thiện, nhiều màu sắc ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) . Ảnh: Ly Na
Những mảng tường “khoác áo mới” tạo nên không gian văn hóa thân thiện, nhiều màu sắc ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) . Ảnh: Ly Na

[links()]* Nhiều hành động đẹp, thiết thực…

Với mong muốn góp sức thay đổi diện mạo cho các không gian VHCC, TP.Long Khánh đã triển khai dự án Áo mới cho thành phố, vận động người dân cùng nhau làm sạch tường, quét sơn nền, trang trí đường nhằm tạo nên bức tranh phong cảnh sinh động cho phố thị. Từ tháng 7-2019, con đường Bùi Thị Xuân (P.Xuân Bình) đã khoác lên mình những bức bích họa độc đáo, có chiều dài gần 100m với sự tham gia của đông đảo sinh viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Ðồng Nai. Sau đó, P.Xuân An tiếp tục thực hiện con đường bích họa trên đường Nguyễn Văn Cừ với chiều dài khoảng 100m.

Sinh sống tại P.Xuân An đồng thời cũng là người tham gia thực hiện các bức họa tại đường Nguyễn Văn Cừ, họa sĩ Nguyễn Hồng Hoàng cho biết, trước đây đoạn đường khá cũ kỹ, nhếch nhác. Từ khi có đường bích họa, dường như cuộc sống êm đềm của người dân nơi đây có phần rộn ràng, tươi mới hơn. Những bức tranh về lịch sử, văn hóa, nông thôn gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều người được tái hiện sinh động trên các mảng tường rêu phong của thành phố.

Đối với các không gian cộng đồng tại các thiết chế văn hóa, Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Kim Bằng cho biết, ngành Văn hóa đã xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý, tổ chức các hoạt động. Với các thiết chế cấp tỉnh, ngành sẽ thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa; tích cực đưa các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí về cơ sở. Với các thiết chế cấp huyện, xã và thị trấn, phải từng bước khắc phục những khó khăn, tổ chức thường xuyên, liên tục và nâng cao hiệu quả của các hoạt động; đồng thời tiếp tục kêu gọi xã hội hóa, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả…

“Chúng tôi hy vọng, những mảng tường mà mình đã và đang thực hiện sẽ tiếp tục mang đến diện mạo mới cho các không gian VHCC nơi đây. Qua đó, giúp người dân và du khách khi đến TP.Long Khánh thêm yêu con người và vùng đất này, có ý thức hơn trong việc giữ gìn nếp sống văn minh, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp” - họa sĩ Nguyễn Hồng Hoàng chia sẻ.

Hiệu quả của những con đường bích họa ở TP.Long Khánh đã tạo được sự lan tỏa. Một số tuyến đường ở xã Cây Gáo (H.Trảng Bom); xã Thạnh Phú, TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu)... cũng được thực hiện vẽ tranh, tô điểm cho không gian sống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai và nhân rộng mô hình đường hoa Dân vận (chủ yếu trồng hoa hoàng yến, dừa cạn, bông giấy, cúc). Việc đưa các tuyến đường hoa, đoạn đường bích họa đi vào đời sống góp phần cổ vũ phong trào Xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Đầu năm 2021, TP.Biên Hòa đã phối hợp với Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đưa gốm Biên Hòa giới thiệu tại không gian phố đi bộ Nguyễn Văn Trị. Hơn 60 bình gốm với đa dạng các hoa văn, cảnh đẹp Biên Hòa - Đồng Nai hiện đang được trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Ngoài trang trí gốm để trưng bày, giảng viên của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai còn thực hiện xoay gốm trực tiếp tại phố đi bộ, tuyên truyền có hiệu quả về văn hóa, lịch sử vùng đất hơn 320 năm hình thành, phát triển.

Theo nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), hiện nay Đồng Nai có nhiều không gian văn hóa mở ở những khu vực khác nhau để thu hút người dân, đặc biệt là các bạn trẻ. Thời gian qua, Đồng Nai đã xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật tại các không gian văn hóa này, nhất là biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian, truyền thống của dân tộc.

“Tôi đã đến rất nhiều địa phương như: Nhơn Trạch, Định Quán, Xuân Lộc… Ở đó họ tổ chức các đêm diễn đờn ca tài tử tại các khu vực trung tâm, ở công viên hay nhà văn hóa cộng đồng. Những chương trình nghệ thuật ấy thu hút khá đông người dân tham gia. Tôi quan sát thấy người dân không chỉ đến xem, nghe mà còn tương tác với chúng tôi để tìm hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật và giá trị văn hóa. Tôi hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật mang tính định kỳ được thực hiện tại các không gian VHCC” - nghệ nhân Phạm Lơ bộc bạch.

* Cộng đồng cùng chung tay

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các không gian VHCC lớn như: phố đi bộ, hệ thống các công viên giải trí, sân chơi cộng đồng đã và đang phát huy được hiệu quả tích cực. Tại các địa phương, hàng loạt những công trình đường hoa, sân chơi, điểm vui chơi mới đã và đang hình thành, ngày càng nhân rộng và lan tỏa. Các không gian VHCC đang trở thành nơi vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng sống cho người dân Đồng Nai.

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đô thị cho rằng, thời gian qua Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực mở rộng, phát triển không gian VHCC. Tuy nhiên, để phát huy hết được hiệu quả của các không gian này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh việc quy hoạch, ưu tiên quỹ đất đầu tư, xây dựng các không gian với quy mô lớn thì việc cải tạo, xây dựng các không gian VHCC đang hiện hữu phù hợp cho cộng đồng dân cư sinh hoạt, thư giãn và luyện tập là việc làm cần thiết. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xuống cấp tại các không gian VHCC này, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư, có một chế tài xử lý thống nhất, nghiêm minh.

Theo PGS-TS Nguyễn Công Hoan, Trưởng bộ môn Du lịch Trường đại học Tài chính - marketing (TP.HCM), không gian VHCC luôn phải đi kèm với bản sắc văn hóa mới có thể thu hút đông đảo người dân và khách du lịch khi đến với địa phương. Do đó, cần có các chiến lược phát huy không gian VHCC gắn với hoạt động dịch vụ, du lịch. Ngoài ra, việc kêu gọi xã hội hóa, đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ xung quanh sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động của các không gian, đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Chung tay xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị không gian VHCC hiện nay được xem là hướng đi đúng, phù hợp với đặc trưng của các đô thị nói chung, Đồng Nai nói riêng. Việc xây dựng, bảo tồn và phát huy đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Qua đó, tạo không gian sinh sống ngày một văn minh, sáng tạo và nối kết cộng đồng.


Bà Tôn Thị Thanh Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh: Tạo sự đa dạng, phong phú cho các không gian VHCC

Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh là đơn vị thường xuyên sử dụng các không gian VHCC để tổ chức hoạt động văn nghệ, hội thi, hội diễn nhằm tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nhân dân. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, trung tâm sử dụng hình thức tuyên truyền cổ động trực quan tại các không gian văn hóa này, chờ khi dịch lắng xuống, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tạo sự đa dạng, phong phú cho các không gian VHCC.

ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TPHCM: Tìm giải pháp phát huy giá trị

 Không gian VHCC của Đồng Nai rất đa dạng, gắn liền với cảnh quan, di tích, công trình văn hóa, kiến trúc, sinh hoạt của khu dân cư… là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, ngoài những hoạt động có tính chất sự kiện, cần sự quan tâm nhiều hơn để các không gian này hướng đến sự phát triển trong xu thế đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tôi cho rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động rất cần lấy ý kiến chuyên gia ở các lĩnh vực, cấp quản lý, người dân (tổ chức tọa đàm, hội thảo), nhận diện thực trạng và những hạn chế của không gian văn hóa công cộng ở từng địa bàn cụ thể. Trên cơ sở đó, chúng ta đề ra giải pháp hợp lý trong quản lý, quy hoạch, chỉnh trang, phát triển, tránh những lãng phí không đáng có.

Ông Đỗ Quang Tuyến (người dân  ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Thêm nhiều hoạt động để quảng bá văn hóa

Mỗi ngày sau giờ làm việc, tôi thường đạp xe từ P.Trảng Dài đến khu vực Trung tâm tổ chức hội nghị và sự kiện tỉnh để luyện tập thể dục thể thao. Ở không gian văn hóa này, có rất nhiều người dân đến sinh hoạt. Tôi cho rằng, để không gian VHCC phát huy hiệu quả hơn nữa, cần thêm những hoạt động mang tính chất quảng bá văn hóa nhằm tạo sự đa dạng, phong phú. Điều này đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.


Ly Na - Huyền Đinh

Tin xem nhiều