Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa doanh nghiệp: Tạo nền tảng phát triển bền vững

08:05, 08/05/2021

Mới đây, Ban tổ chức cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã giới thiệu nội dung dự thảo Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Mới đây, Ban tổ chức cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã giới thiệu nội dung dự thảo Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam - Trưởng ban tổ chức triển khai cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam, phê duyệt và ban hành Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam trong đời sống xã hội.

Nét đẹp công nghiệp. Ảnh: Quốc Hưng
Nét đẹp công nghiệp. Ảnh: Quốc Hưng

Có thể nói, văn hóa DN đang được đề cập ngày càng nhiều hiện nay như một yêu cầu bức thiết đối với DN, doanh nhân nhằm tạo lòng tin và sự ủng hộ của người tiêu dùng và toàn xã hội, là một hướng đi để DN  phát triển bền vững.

* Coi người lao động là trung tâm

Bên cạnh thượng tôn pháp luật trong sản xuất kinh doanh, quan tâm chăm lo đời sống cho người lao động, hình thành các giá trị văn hóa, đạo đức kinh doanh, nhiều DN trên địa bàn Đồng Nai còn khẳng định văn hóa DN thông qua các hoạt động  vì cộng đồng, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững.

Xác định giá trị cốt lõi của DN là tin tưởng và tôn trọng con người, bên cạnh các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động được đánh giá cao, thời gian qua mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19 song Công ty Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) vẫn nỗ lực đảm bảo thu nhập, việc làm cho hơn 35 ngàn lao động toàn công ty. Trong thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu, Công đoàn cơ sở công ty đã chủ động nghiên cứu và đề xuất phương án sắp xếp lao động hợp lý với chủ DN. Từ đó khắc phục dần khó khăn, giúp công ty từng bước phục hồi và giữ được việc làm cho người lao động.

Mới đây, Công đoàn cơ sở và Ban giám đốc công ty cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình 75 ngàn sáng kiến vượt khó, phát triển năm 2021 do Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Trong đó phấn đấu sẽ có 100 sáng kiến, đề xuất của người lao động được triển khai ứng dụng vào sản xuất. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, làm lợi cho DN mà còn cho thấy sự coi trọng, phát huy trí tuệ, tinh thần sáng tạo của người lao động.

Là một trong những DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai được trao giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2020, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (TP.Biên Hòa) đã chú trọng phát huy vai trò của người lao động, xác định quan tâm đến đời sống người lao động cũng là đầu tư cho tương lai DN. Theo ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, tại Nestlé, con người được xem là tài sản quý giá nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quyết định đến mọi kế hoạch hành động và thành công của công ty. Vì thế để công ty có thể thành công, phát triển hay tăng trưởng, nhân viên cần được đảm bảo làm việc trong một môi trường an toàn và thuận lợi nhất cũng như được hưởng một chế độ phúc lợi tốt và cạnh tranh; đồng thời họ phải được trau dồi và tiếp cận những kiến thức và kĩ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc, từ đó có cơ hội thăng tiến và phát triển xa hơn trong nghề nghiệp.

Còn tại Công ty TOKIN Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa), môi trường làm việc luôn được chú trọng để người lao động cảm thấy thoải mái và được tôn trọng. Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Phan Tới Thọ Hiệp cho biết, bên cạnh các hòm thư góp ý, trao đổi trực tiếp với tổ trưởng Công đoàn và trưởng các bộ phận thì người lao động công ty còn có thể phản ánh các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua đường dây nóng của tập đoàn về môi trường làm việc, chất lượng bữa ăn giữa ca, văn hóa ứng xử của bộ phận quản lý, bạo lực, bất bình đẳng hay trộm cắp… “Thông qua trao đổi hai chiều, những phản ánh của người lao động được các bộ phận tiếp nhận và xử lý kịp thời nhằm xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, an toàn, thân thiện và văn minh” - ông Hiệp nói.

* Góp phần xây dựng thương hiệu, bản sắc DN

Mặc dù đang trong giai đoạn đầu nhưng việc xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng DN, doanh nhân, người tiêu dùng và toàn xã hội. Thực tế cho thấy, thực hiện tốt văn hóa DN sẽ giúp DN xây dựng được thương hiệu, bản sắc và đứng vững trên thương trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Người lao động là nguồn lực được nhiều doanh nghiệp coi trọng. Trong ảnh: Công nhân lao động Công ty TOKIN Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ nghỉ giữa ca. Ảnh: Nhật Hạ
Người lao động là nguồn lực được nhiều doanh nghiệp coi trọng. Trong ảnh: Công nhân lao động Công ty TOKIN Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) trong giờ nghỉ giữa ca. Ảnh: Nhật Hạ

Theo TS Bùi Quang Xuân, văn hóa DN là “cái neo” nhân văn trong thời cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão. Chính các doanh nhân sẽ là người thắp lửa và lo phần hồn và cốt cách cho DN, chăm lo các giá trị đạo đức, nhân văn của DN. Văn hóa DN không chỉ là kim chỉ nam cho ứng xử trong nội bộ công ty mà còn là nguồn lực DN, tạo lợi thế cạnh tranh thu hút nhân lực chất lượng cao và tạo nền tảng phát triển bền vững. Đó chính là lý do văn hóa DN được xem là bước đi đầu tiên, quan trọng trong hành trình chuyên nghiệp hóa của mỗi DN.

Trên thực tế, bên cạnh những DN coi trọng xây dựng văn hóa DN, nhận thức văn hóa DN là yếu tố quan trọng trong quản trị công ty, là tinh thần cốt lõi, dẫn dắt DN thì không ít doanh nghiệp vẫn xem nhẹ yếu tố này. Mặt khác, nhiều DN thực sự mong muốn xây dựng văn hóa DN nhưng không thành công hoặc chỉ có mô hình văn hóa trên giấy, mà không thể đi vào thực tiễn. “Văn hóa DN chính là xác định rõ tầm nhìn và hiện thực hóa tầm nhìn bằng các tiêu thức căn bản của sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Việc thực hiện văn hóa DN còn là yếu tố để gắn kết, kiểm soát và tạo động lực thúc đẩy lao động phát triển. Từ đó thúc đẩy sản sinh ra nhiều giá trị và sự khác biệt, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường” - TS Bùi Quang Xuân nhận định.

Không chỉ những DN lớn, văn hóa DN cũng đang được các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp chú trọng. Ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tư vấn du học Nhật ngữ - Trung tâm Nhật ngữ Taiyou (TP.Biên Hòa) cho rằng, văn hóa DN là một yếu tố song hành không thể thiếu đối với mỗi DN. “Chúng ta thường nghĩ đối với những DN quy mô nhỏ, lượng nhân viên ít thì văn hóa DN thường không được xem trọng và chủ yếu xoay quanh mối quan hệ giữa quản lý với nhân viên và giữa nhân viên với nhau nhưng điều này chưa thật đúng và đầy đủ. DN dù lớn hay nhỏ thì việc thiết lập định hướng, mục tiêu cốt lõi, và tạo môi trường làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp, mang lại giá trị cho DN, người lao động và xã hội là điều không thể thiếu. Và chính điều này sẽ tạo nên thương hiệu, bản sắc, văn hóa cho DN” - ông Tuyến nói.

Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam được xây dựng gồm 2 phần. Phần đầu gồm 5 tiêu chí đánh giá bắt buộc với việc kinh doanh của DN: không buôn lậu, không trốn thuế; không làm hàng giả, sản phẩm độc hại; không nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động; không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại người khác; không vi phạm pháp luật. Phần 2 gồm các tiêu chí xếp hạng, đánh giá ở 5 nhóm tiêu chí với 19 tiêu chí cụ thể về: lãnh đạo DN phát triển bền vững; xây dựng và thực thi văn hóa DN; thượng tôn pháp luật; đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.

Nhật Hạ

Tin xem nhiều