Báo Đồng Nai điện tử
En

Không gian văn hóa công cộng ở Đồng Nai

10:05, 10/05/2021

Là tỉnh công nghiệp, dân cư đông, bên cạnh phát triển kinh tế, Đồng Nai đã và đang đầu tư các nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các không gian văn hóa công cộng (VHCC) phục vụ sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Là tỉnh công nghiệp, dân cư đông, bên cạnh phát triển kinh tế, Đồng Nai đã và đang đầu tư các nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các không gian văn hóa công cộng (VHCC) phục vụ sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Người dân vui chơi ở công viên Nguyễn Văn Trị (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Huy Anh
Người dân vui chơi ở công viên Nguyễn Văn Trị (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: Huy Anh

Các không gian VHCC không chỉ là nơi kết nối, giao lưu của cộng đồng dân cư mà còn tạo nên diện mạo mới cho không gian đô thị Biên Hòa - Đồng Nai lành mạnh, thân thiện, một điểm đến du lịch trong tương lai.

Bài 1: Dấu ấn không gian văn hóa công cộng

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần tại các không gian VHCC của người dân Biên Hòa - Đồng Nai ngày càng tăng cao. Việc mở rộng các không gian VHCC từ thành thị đến nông thôn đã và đang từng bước định hình cho một Đồng Nai kết nối và phát triển không ngừng.

* Từ trung tâm đô thị Biên Hòa…

Những năm qua, TP.Biên Hòa luôn dành những quỹ đất “vàng” để đầu tư và phát triển các địa điểm vui chơi công cộng. Những không gian này xuất hiện ngày càng nhiều hơn sau những lần quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Địa danh Vườn Mít vốn một thời gắn bó với người dân Biên Hòa nay đã trở thành ký ức và thay vào đó là Quảng trường tỉnh. Đây có thể xem là một trong những không gian VHCC quan trọng nhất của Đồng Nai. Đặc biệt, nơi đây có 3 thiết chế văn hóa lớn đang hoạt động hiệu quả, phát huy được giá trị văn hóa trong đời sống, gồm: Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh.

Quảng trường tỉnh hiện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, gắn liền với những sự kiện quan trọng mang tầm quy mô của Đồng Nai. Ngoại trừ những sự kiện chính trị trọng đại có yêu cầu an ninh cao người dân không được phép vào sinh hoạt, thì không gian văn hóa này hoàn toàn mở, tạo điều kiện cho người dân vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao miễn phí. Vào các dịp lễ, tết… Quảng trường tỉnh là địa điểm lý tưởng để người dân và du khách tham quan chợ hoa xuân, tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, quảng bá phát triển du lịch.

Không gian VHCC là không gian chung mà cộng đồng dân cư có quyền được tiếp cận và sử dụng chung miễn phí. Không gian này bao gồm: công viên, phố đi bộ, quảng trường, không gian mặt nước, vỉa hè, vườn hoa công cộng, khuôn viên nhà văn hóa, sân vườn các di tích kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng… Đó là nền tảng cho các hoạt động của cộng đồng, giúp gia tăng sự gắn kết giữa con người với con người và tạo ra nét đặc trưng của từng địa phương.

ThS Phan Đình Dũng, giảng viên Trường đại học Văn hóa TP.HCM cho biết, ngoài Quảng trường tỉnh, TP.Biên Hòa còn có nhiều không gian VHCC như: không gian xanh ở Đài kỷ niệm Biên Hòa (công trình được xếp hạng di tích cấp quốc gia, tọa lạc giữa giao lộ Nguyễn Ái Quốc và đường 30-4); công viên Tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa (P.Trung Dũng); công viên Tượng đài Chiến thắng Long Bình (P.Long Bình); công viên Biên Hùng (P.Trung Dũng); Nguyễn Văn Trị (P.Hòa Bình); Văn miếu Trấn Biên (P.Bửu Long)…

“Các công viên ở Biên Hòa hầu hết được tôn tạo với cảnh quan xanh mát, xung quanh có hồ, có sông được quy hoạch hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng mỹ quan đô thị văn minh. Trong đó, điểm nhấn là không gian VHCC tại công viên Nguyễn Văn Trị (phố đi bộ Nguyễn Văn Trị). Hằng năm, TP.Biên Hòa  tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa giải trí xoay quanh trục không gian này, nhằm biến bờ sông Đồng Nai thành điểm tham quan, thưởng lãm lý tưởng cho người dân và du khách” - ThS Phan Đình Dũng chia sẻ.

Mặc dù hình thành muộn hơn so với các công viên trên địa bàn TP.Biên Hòa nhưng Văn miếu Trấn Biên hiện thu hút khá đông người dân đến sinh hoạt, nhất là người trẻ đến tìm hiểu về văn hóa, lịch sử hơn 320 năm của Biên Hòa - Đồng Nai. Công viên được đầu tư khá bài bản về kiến trúc nghệ thuật, trong đó có khu vườn tượng được bài trí dưới những tán cây xanh. Theo các chuyên gia văn hóa, trong tương lai gần, khi khu đô thị nối liền khu vực Bình Thiền hoàn thành, không gian VHCC này không chỉ duy trì đặc điểm sinh thái hữu tình được bao bọc bởi núi Bửu Long, Bình Điện mà còn thu hút du khách hành hương, tín ngưỡng tâm linh.

Nói về tổ chức các hoạt động văn hóa trên địa bàn, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa Võ Thị Huỳnh Mai cho hay: “So với các thành phố lớn như ở Hà Nội hay TP.HCM, hoạt động văn hóa tại các không gian công cộng trên địa bàn Biên Hòa chưa thực sự sôi nổi. Tuy nhiên, về cơ bản các hoạt động đã được thành phố chú trọng đổi mới, đầu tư xứng tầm, phát huy lợi thế cảnh quan đẹp của thành phố. Không chỉ phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh mà nhiều hoạt động văn hóa còn thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách”.

* …Đến TP.Long Khánh và các vùng nông thôn

Trong cơ cấu hành chính trước năm 1975, Long Khánh là tỉnh lỵ. Hiện nay, địa giới Long Khánh đã thay đổi và chuyển mình lên đô thị với diện mạo của một thành phố trẻ nằm ở cửa ngõ phía Đông của Đồng Nai. Long Khánh có nhiều không gian VHCC như: công viên cây xanh (P.Xuân Trung), công viên Tượng đài Chiến thắng (P.Xuân An), công viên Vườn Dầu (P.Xuân Hòa) và phố đi bộ Long Khánh (P.Xuân An)… Hầu hết các không gian này tọa lạc ở những vị trí trung tâm, là nơi ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Không gian văn hóa mở tại Quảng trường tỉnh thu hút người dân và du khách đến sinh hoạt văn hóa, đọc sách báo. Ảnh: Ly Na
Không gian văn hóa mở tại Quảng trường tỉnh thu hút người dân và du khách đến sinh hoạt văn hóa, đọc sách báo. Ảnh: Ly Na

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh Phạm Văn Hoàng cho biết, tại Long Khánh có một không gian văn hóa được mệnh danh “Đà Lạt thu nhỏ của miền Đông” là Trung tâm Văn hóa Suối Tre (P.Suối Tre). Khu vực Suối Tre được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, khi những người Pháp đến Long Khánh lập đồn điền cao su. Sau năm 1954, khi người Pháp rút về nước, Suối Tre được giao lại cho nhiều chủ và hiện do Tổng công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Hiện Suối Tre có hơn 10 ngôi biệt thự nghỉ dưỡng của các ông chủ người Pháp trước kia, nay các công trình này vẫn là một tổng thể hoàn chỉnh có liên hệ mật thiết với cảnh quan.

Vài năm trở lại đây Tổng công ty Cao su Đồng Nai đã tích cực trùng tu các hạng mục và phục hồi nguyên vẹn giá trị văn hóa vốn có của khu vực Suối Tre. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm 2015 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Theo ông Trần Quốc Chí, Phó chánh Văn phòng Tổng công ty Cao su Đồng Nai, khu vực Suối Tre được người dân và du khách thập phương quan tâm, thường xuyên đến tham quan, cắm trại, tìm hiểu về văn hóa lịch sử. Vì thế, công ty đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các đoàn trải nghiệm và hòa mình vào không gian sống xanh của Suối Tre. Các đoàn đến đăng ký địa điểm, cắm trại qua đêm chỉ bỏ ra một khoản phí rất nhỏ cho tiền điện nước và dọn dẹp vệ sinh.

Ở các huyện: Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Long Thành, Vĩnh Cửu… đều có những không gian VHCC riêng gắn liền với các thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng; nhà văn hóa ấp, khu phố) phục vụ cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt, với các huyện có đông đồng bào dân tộc sinh sống, không gian văn hóa được bà con tập trung sinh hoạt chủ yếu ở nhà của già làng hoặc các nhà văn hóa dân tộc. Hằng năm, nơi đây tổ chức nhiều sinh hoạt cộng đồng như: mở lớp dạy cồng chiêng, dạy múa hát dân ca bằng tiếng dân tộc, dệt thổ cẩm, đan lát cho con em đồng bào dân tộc.

Già làng Điểu Liệt ngụ xã Túc Trưng (H.Định Quán) phấn khởi chia sẻ: “Bản thân già và bà con Chơro trong xã Phú Túc rất vui mừng khi địa phương xây dựng và tổ chức hoạt động nhà văn hóa của người Chơro. Từ chỗ bà con chỉ biết ở nhà xem phim hoặc ra xã để sinh hoạt văn nghệ thì nay đã có nhà văn hóa riêng để luyện tập cồng chiêng, tập múa và tập hát các điệu của dân tộc. Vui nhất là trong không gian ấy, có nhiều vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày như: cối, chày, trang phục, cồng chiêng… được lưu giữ để truyền lại cho con cháu mai sau”.

Có thể nói, với sự đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và những không gian văn hóa mở, Đồng Nai đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có môi trường sống tốt hơn. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng mà còn giúp níu chân du khách thập phương trong hành trình du lịch đến Đồng Nai.

Ly Na - Huyền Đinh

Bài 2: Ứng xử với không gian văn hóa công cộng

Tin xem nhiều