Báo Đồng Nai điện tử
En

Đến bảo tàng tìm hiểu 320 năm Biên Hòa- - Đồng Nai

10:12, 14/12/2018

Tối 14-12, Bảo tàng Đồng Nai đã chính thức đón khách đến với 2 cuộc triển lãm chuyên đề: "Nữ lực lượng vũ trang Đồng Nai - chung bước quân hành", "Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay".

Tối 14-12, Bảo tàng Đồng Nai đã chính thức đón khách đến với 2 cuộc triển lãm chuyên đề: “Nữ lực lượng vũ trang Đồng Nai - chung bước quân hành”, “Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay”.

Mô hình nhà sàn người Mường được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai trong 2 triển lãm chuyên đề.
Mô hình nhà sàn người Mường được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai trong 2 triển lãm chuyên đề.

Đây là triển lãm ấn tượng nhất trong năm được Bảo tàng Đồng Nai thực hiện bởi số lượng hiện vật lớn, độc đáo.

* Kể chuyện Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay

Đúng như tên gọi, triển lãm chuyên đề: Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay với gần 300 hình ảnh tư liệu, hiện vật được chọn triển lãm lần này phản ánh quá trình hình thành, phát triển và hội nhập của vùng đất, con người Đồng Nai qua cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, mỹ thuật, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, dân tộc, lao động sản xuất, phong tục tập quán…

Bên cạnh đó là những hình ảnh thể hiện quá trình lao động, sản xuất, sinh hoạt của người dân Đồng Nai từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 thông qua những tranh vẽ, ảnh chụp đen trắng được phóng khổ lớn. Trong đó, phần nhiều là hình ảnh trồng, khai thác và chế biến cao su ở các đồn điền do thực dân Pháp quản lý. Ngoài ra, còn có một số hình ảnh về quá trình trồng, thu hoạch cây bông gòn ở huyện Long Thành; khai thác và chế biến gỗ; quá trình xây dựng, sửa chữa cầu đường, các công trình văn hóa, tôn giáo, quân sự tại Đồng Nai như: Thành Biên Hòa, đình Tân Lân, Nhà hội Bình Trước, cầu Ghềnh... Trong số này, có những bức không ảnh chụp nhiều vị trí tại Biên Hòa từ trên cao vào năm 1939.

2 triển lãm chuyên đề gồm: Nữ lực lượng vũ trang Đồng Nai - chung bước quân hành, Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay diễn ra từ ngày 16-12-2018 đến hết ngày 20-1-2019.

Ngoài ra, còn có những hình ảnh, hiện vật ghi lại thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Đồng Nai gắn với hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ tại Chiến khu Đ, trong chiến dịch Xuân Lộc, các trận đánh vào Tổng kho Long Bình, pháo kích Sân bay Biên Hòa, lễ mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công và chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa ngày 27-8-1945…

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Đồng Nai khẩn trương bắt tay vào xây dựng đời sống, kinh tế và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tất cả được thể hiện qua những hình ảnh lao động, sản xuất của con người, những cung đường mới, sự thay đổi tích cực trong diện mạo từ thành thị đến nông thôn.

Ấn tượng hơn cả trong cuộc triển lãm này có lẽ phải kể đến những mô hình nhà sàn, xưởng nấu mía đường, đúc gang được những người dân tộc thiểu số và người làm nghề thực hiện để giới thiệu đến người xem. Ông Nguyễn Đình Du (dân tộc Mường, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán), người đã bỏ công thực hiện mô hình nhà sàn và tái hiện sinh hoạt của người Mường trong mô hình có chiều dài 1,2m, rộng 0,5m, cao 0,75m cho hay, dù phải bỏ ra nhiều tháng để thực hiện mô hình nhưng ông rất vui vì được giới thiệu nét văn hóa của người Mường đến với công chúng.

* Phụ nữ Đồng Nai trong dòng chảy lịch sử

Trong những câu chuyện, nhân vật gắn với dòng chảy lịch sử 320 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai không thể không nhắc đến những cống hiến của lực lượng phụ nữ. Do vậy, theo ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, đơn vị đã lựa chọn 200 hình ảnh, hiện vật liên quan đến những người phụ nữ anh hùng trong kháng chiến, giỏi việc nước đảm việc nhà trong thời bình để giới thiệu đến người xem trong dịp này.

Ngoài hình ảnh, triển lãm còn giới thiệu đến người xem bộ sưu tập những chiếc khăn, gối có hình ảnh hoa văn, câu chữ được các cựu nữ tù cách mạng Nhà lao Tân Hiệp thêu tay trong thời gian bị chế độ cũ và đế quốc Mỹ giam cầm tại đây. Trong đó, có chiếc khăn tay có thêu hình phong cảnh bầy nai bên dòng suối của nữ cựu tù Côn Đảo là bà Lưu Thị Na (ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thực hiện năm 1960. Hay chiếc áo gối có thêu chữ Tươi Sáng, khăn tay thêu hình chùa Một Cột… của nữ cựu tù Nhà lao Tân Hiệp là bà Lưu Thị Ánh Tuyết (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, nay đã mất). Đây đều là những hiện vật quý được các nữ cựu tù nâng niu gìn giữ như kỷ vật bất ly thân của mỗi người.

Ông Lưu Văn Nghề, cháu của nữ cựu tù Nhà lao Tân Hiệp Lưu Thị Ánh Tuyết cho hay: “Gia đình tôi rất vui vì lần này những hiện vật của cô tôi được chọn triển lãm trong dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai”.

Bên cạnh những hiện vật được trưng bày trong 2 cuộc triển lãm, Bảo tàng Đồng Nai còn đón người xem đến xem, tìm hiểu hơn 21 ngàn hiện vật gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đang được trưng bày, lưu giữ tại đây.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều