Báo Đồng Nai điện tử
En

Một thời chưa xa

10:12, 14/12/2018

Gặp các nhà văn ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, tôi thường được nghe kể về chuyện văn chương, viết lách, về cuộc sống khốn khó thời bao cấp, về những trải nghiệm thú vị khi tác nghiệp và có cả những thăng trầm ở những nghề khác, những nghề họ đã làm trước lúc viết văn.

Gặp các nhà văn ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, tôi thường được nghe kể về chuyện văn chương, viết lách, về cuộc sống khốn khó thời bao cấp, về những trải nghiệm thú vị khi tác nghiệp và có cả những thăng trầm ở những nghề khác, những nghề họ đã làm trước lúc viết văn. Nhà văn Bùi Quang Tú cũng là một người như vậy. Những câu chuyện trong tập tạp văn mới ra Tách cà phê và dòng ký ức của ông là những dòng hồi ức tác giả muốn chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp và học sinh về một thời đã qua, một thời đơn sơ, mộc mạc nhưng đầy chân tình, nhiệt huyết và rất đỗi tự hào của ngành giáo dục Đồng Nai.

Mở đầu tập sách là tác phẩm Ly rượu vang và ly rượu đế. Đây là tác phẩm viết về thời kỳ đầu sau giải phóng, về việc hòa nhập của một bên là giáo viên từ miền Bắc và chiến trường “chi viện” vào, một bên là giáo viên cũ tại các trường học ở Biên Hòa. Tưởng rằng sự hòa nhập của các giáo viên này sẽ khó khăn nhưng chỉ vài năm sau đã có sự chuyển biến rõ rệt, những mối quan hệ ban đầu từ lạ lẫm, giữ khoảng cách đến thân tình, cởi mở và coi nhau như ruột thịt. Những mối quan hệ đó còn mãi đến hôm nay.

Nằm trong chùm hồi ức sau giải phóng còn có Trải nghiệm đầu tiên, Phút bù giờ, Căng tin cô Lanchị Tuyết thủ quỹ. Mỗi câu chuyện đều có một góc nhìn khác biệt, đều thể hiện một giai đoạn điển hình của ngành giáo dục Đồng Nai.

Tập sách còn là những kỷ niệm, hồi ức của nhà văn về thời bao cấp được kể với tình tiết và ngôn từ hóm hỉnh như: Cái thời heo gà, Hai ký gạo nếp, Nồi cháo gà. Cuộc sống tuy khó khăn thiếu thốn nhưng tình người đối với nhau lại ấm áp vô cùng.

Với 22 tác phẩm, tập tạp văn của nhà văn Bùi Quang Tú mang đến cho người đọc những câu chuyện cuộc sống thú vị. Được viết dưới dạng hồi ức nhưng tác giả không kể lể đơn thuần mà qua mỗi câu chuyện, ông luôn rút ra một bài học cuộc sống, một nhận định khách quan không chút méo mó về một thời đã qua.

Tác giả tâm sự: “Người già hay nghĩ về quá khứ. Tôi cũng vậy. Có lúc bật lên trong đầu một kỷ niệm, một con người. Đôi khi gặp bạn bè, chỉ một lời gợi mở tôi bỗng òa lên, ôi chuyện hay thế mà mình lại quên. Tôi nhớ quê hương Nghệ Tĩnh, nhớ Hà Nội nơi mình đã sống thời tuổi trẻ, nhớ cha mẹ, anh em, nhớ những nơi mình đã đi qua, nhớ thời bom đạn ở Đồng Nai. Có một nỗi nhớ cồn cào, khi bập bùng như lửa cháy, khi dịu êm như dòng suối, đó là những năm tháng công tác trong ngành giáo dục Đồng Nai sau giải phóng…”.

Sách dày 156 trang, khổ 14,5 x 20,5 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2018. Giá bìa: 80 ngàn đồng.

(Nhân đọc tập tạp văn Tách cà phê và dòng ký ức của nhà văn Bùi Quang Tú)

Ngô Hường

Tin xem nhiều