Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự hào về ngôi trường 115 tuổi

10:12, 14/12/2018

Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi nổi bật nhất, rõ nét nhất chính là ngôi trường 115 tuổi (1903-2018) - Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Biên Hòa - Đồng Nai trong tôi nổi bật nhất, rõ nét nhất chính là ngôi trường 115 tuổi (1903-2018) - Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Di tích quốc gia Đài kỷ niệm (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa).
Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và Di tích quốc gia Đài kỷ niệm (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa).

Tôi về công tác tại trường từ cuối năm 1988, đến nay cũng vừa tròn 30 năm. Trường nằm ngay trung tâm thành phố, ở vị trí thật đắc địa, trên con đường 30-4 đông vui, sầm uất. Gần trường là hàng loạt các trường phổ thông nổi tiếng của Biên Hòa: tiểu học Trịnh Hoài Đức,THCS Trần Hưng Đạo, THPT Ngô Quyền. Đối diện trường là Công viên Đài Kỷ Niệm, xa hơn chút là Quảng trường tỉnh, là Nhà thi đấu...

Gắn bó với trường càng lâu, tôi càng hiểu thêm về truyền thống của trường. Đặc biệt năm 2003, tham gia viết kỷ yếu Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai - 100 năm hình thành và phát triển, tôi càng hiểu, càng thêm tự hào về trường nói riêng và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói chung.

Không tự hào sao được, ngay từ năm 1903, Trường dạy nghề Biên Hòa - tiền thân của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai được người Pháp thành lập trên cơ sở phát huy thế mạnh sẵn có của các nghề thủ công truyền thống địa phương và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, dồi dào của Đồng Nai. Từ đó đến nay, 115 năm qua trường đã 8 lần đổi tên cho phù hợp với mục đích và nội dung đào tạo. Tựu trung có 3 giai đoạn: Trường dạy nghề (1903-1964), Trường trung học nghề (1964-1998) và Trường cao đẳng nghề (1998 tới nay).

Trường dạy nghề Biên Hòa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Hằng năm trường đều có các sản phẩm trưng bày tại Hội Mỹ thuật Sài Gòn, tham dự triển lãm ở Hà Nội, các nơi trong và ngoài nước. Đặc biệt năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Balick, tốt nghiệp Trường mỹ thuật trang trí Paris làm hiệu trưởng và bà Mariette - vợ ông, tốt nghiệp Trường gốm Limoges làm phụ tá. Ông bà đã có những thay đổi quan trọng trong nội dung, phương pháp đào tạo và cả chế độ tuyển sinh. Bà Mariette cùng các đốc công bản xứ, từ các nguyên liệu nội địa đã tìm ra được loại men màu xanh đồng “Vert de Biên Hòa” đẹp nổi tiếng thế giới và bà còn chế ra được men đá đỏ độc đáo từ đá ong Biên Hòa. Các sản phẩm đúc đồng và gốm của trường được tham dự triển lãm tại Hội chợ quốc tế Paris, Hồng Kông, Nhật Bản, Indonesia,... được đánh giá rất cao. Trường được tặng nhiều huy chương vàng và bằng danh dự, góp phần đưa sản phẩm của trường ra thế giới. Có thể nói thời kỳ này đánh dấu bước nhảy vọt của Trường bá nghệ Biên Hòa.

Không tự hào sao được khi lịch sử đất nước trải qua bao biến cố nhưng truyền thống của trường vẫn được thầy trò duy trì và phát triển. Năm 1998, trường đã được nâng cấp thành trường cao đẳng với chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và cơ sở vật chất của trường cũng được nâng cấp, gắn với thực tiễn xã hội. Trường tuyển sinh trên toàn quốc và sinh viên được đào tạo thành những nhà thiết kế mỹ thuật chuyên nghiệp chứ không còn là những người thợ lành nghề như xưa.

115 năm, từ Trường dạy nghề Biên Hòa đến Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã cống hiến cho Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung biết bao công trình mỹ thuật có giá trị và một đội ngũ đông đảo những người làm công tác mỹ thuật góp phần đáp ứng được nhu cầu về cái đẹp trong cuộc sống của người dân trên cả nước. 115 năm, các công trình nổi bật do trường thiết kế - trang trí vẫn được nhắc đến như: Nhà chợ Bến Tre, nhà Hội Long Tuyền tỉnh Cần Thơ, đài phun nước công trường Thủ Dầu Một (Bình Dương), các bức phù điêu mặt tiền chợ Bến Thành Sài Gòn, đài phun nước trước Tòa đô chánh Sài Gòn (nay là UBND TP.Hồ Chí Minh), trụ gốm Cột biên giới Việt - Miên - Lào với hình 3 cô gái của 3 quốc gia, mặt rồng phun nước cho Nhà máy nước Thủ Đức, nhà Hội xã Bình Trước (nay là Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa); tượng đài Tài nguyên, đài phun nước Cá hóa long đặt tại Công trường Sông Phố; đài phun nước cho Bệnh viện tâm thần Biên Hòa, giảng đường Trường đại học khoa học Sài Gòn, Trường kỹ thuật Phú Thọ Sài Gòn (nay là Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh); nhiều tượng Phật các chùa, đặc biệt tượng Phật cao 6,3m ở chùa Xá Lợi (Sài Gòn), tượng Đức bà Maria ở Nhà thờ Biên Hòa...

Sau năm 1975, trường thực hiện tượng đài Võ Thị Sáu, tượng đài gốm Kỷ niệm chiến thắng Sân bay Biên Hòa, quần tượng gốm Chiến sĩ đặc công đánh tổng kho Long Bình, tượng đài Cuộc nổi dậy ở Nhà lao Tân Hiệp, phù điêu đất nung trang trí mặt tiền UBND tỉnh Đồng Nai, các tượng đài danh nhân như: Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức... Những năm gần đây, sinh viên của trường giành nhiều giải thưởng lớn về đồ họa, thiết kế thời trang, nữ trang trong nước và quốc tế...

115 năm, trường đã đào tạo được nhiều lớp thợ lành nghề, nhiều nghệ nhân với bàn tay vàng giúp cho nghề gốm mỹ nghệ lan tỏa khắp Nam bộ và biết bao nhà thiết kế đóng góp cho đời sống mỹ thuật ở các địa phương trên cả nước.

Không tự hào sao được, 115 tuổi, được miền đất trù phú và con người hiền hòa, khéo léo, cần cù cưu mang, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã “lên lão” nhưng diện mạo và thể lực vẫn tràn đầy sức trẻ, vẫn là một trong những điểm nhấn đẹp đẽ của TP.Biên Hòa thân yêu.

Lan Hương

Tin xem nhiều