Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ Dốc Sỏi, tôi đi...

10:12, 12/12/2018

Cuối năm 1976, tôi từ Thanh Hóa lặn lội vào thăm người nhà ở Sân bay Biên Hòa. Mới đến chiều hôm trước thì sáng hôm sau, người chị họ tên Hạnh rủ tôi dạo phố và thăm chợ.

Cuối năm 1976, tôi từ Thanh Hóa lặn lội vào thăm người nhà ở Sân bay Biên Hòa. Mới đến chiều hôm trước thì sáng hôm sau, người chị họ tên Hạnh rủ tôi dạo phố và thăm chợ.

Chùa Cô hồn (Bửu Hưng tự) hiện tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng (KP.2, phường Quang Vinh,  TP.Biên Hòa).
Chùa Cô hồn (Bửu Hưng tự) hiện tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng (KP.2, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa).

Gần trưa, trời nắng nóng, hai chị em “tay xách nách mang” nên gọi một xích lô chở về. Xe lên gần nửa dốc bỗng khựng lại. Bác xích lô nhảy xuống, tôi liền quay lại hỏi: “Sao vậy bác?”. Đưa cánh tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên mặt, giọng bác hổn hển: “Quãng này là Dốc Sỏi, đường dốc lại nhiều đá sỏi lổm chổm như cóc bò, cản bánh xe nên tui đạp hổng nổi”. Thấy vậy, chúng tôi liền bước xuống cùng bác đẩy xe ngược dốc. Nhìn hai bên đường phố, nhà cửa lưa thưa èo uột, mái tôn rỉ sét, mặt đường hẹp, đất bụi lẫn đá sỏi. Tôi bất chợt thốt lên: “Giữa thành phố, sao lại có tên đường là Dốc Sỏi và mặt đường thì xấu tệ?”. Bác xích lô nhìn tôi, giọng chậm rãi: “Chắc từ hồi khai sinh con đường, do dốc cao lại nhiều sỏi, nên dân gian gọi là Dốc Sỏi, riết rồi thành quen, chứ bây giờ con đường mang tên cụ Phan Đình Phùng”. Ngưng một lát, bác nói tiếp: “Trong nội ô Biên Hòa, quãng đường này có độ dốc cao nhứt, từ Ngã Ba Thành qua Dốc Sỏi là vùng vành đai phi trường Biên Hòa. Trước giải phóng, Dốc Sỏi là điểm “nổi tiếng” về tệ nạn xã hội, như đĩ điếm, cướp giật, xì ke ma túy... Ban đêm nhiều người dân hổng dám qua đây một mình...”. Gần đến đầu dốc, bác đưa tay chỉ về phía ngôi chùa nép mình dưới bóng cây bồ đề: “Còn đây là chùa Cô Hồn, khởi thủy là cái miếu nhỏ thờ vong linh 9 vị nghĩa sĩ Lâm Trung Trại đứng lên chống giặc Pháp vào năm 1916. Cuộc khởi nghĩa thất bại, họ bị  giặc bắt, đem xử tử và vùi xác tại đây. Mấy năm sau, một số Phật tử chung tay xây dựng thành ngôi chùa thờ Phật, thờ 9 vị nghĩa sĩ và vong linh những người vô gia cư...”

Chia tay bác xích lô, vài hôm sau tôi tạm biệt Biên Hòa, nhưng câu chuyện về Dốc Sỏi của bác thì cứ ám ảnh trong tôi. 8 năm sau (1984), tôi chuyển công tác vào Đồng Nai, trở thành công dân của TP.Biên Hòa. Một buổi chiều, tôi đạp xe đi thăm người bạn ở gần cổng sân bay. Gặp lại quãng đường “Dốc Sỏi” bỗng dưng tôi cảm thấy bồi hồi. Đường vẫn dốc vẫn bụi và đá sỏi, gió ù ù bên tai gợi lại câu chuyện buồn về Dốc Sỏi năm xưa...

Do tính chất công việc, tôi thường có những chuyến đi công tác về các vùng đô thị trong tỉnh. Thời bao cấp, cuộc sống nhiều khó khăn, các thị xã, thị trấn như Long Khánh, Long Thành, Định Quán, Trảng Bom... hầu hết nhà ở của người dân, trụ sở cơ quan, xí nghiệp đều thấp nhỏ, nghèo nàn, đường phố chật hẹp, lắm ổ voi, ổ gà, bụi mù và sỏi đá. Những hình ảnh đó cứ làm tôi liên tưởng đến Dốc Sỏi, ấn tượng buổi ban đầu khi tôi đến Biên Hòa.

Năm 1988, gia đình tôi được UBND tỉnh cấp cho căn hộ mới tại chung cư A42, thế là từ đó, gần như ngày nào tôi cũng đạp xe qua Dốc Sỏi để đến cơ quan làm việc. Dốc Sỏi trong tôi trở thành một quãng đường thân thiết, khi chẳng may bị té xe, liền có người đến đỡ dìu. Lúc giữa đường bất chợt trời đổ mưa, tôi tạt vào nương mình dưới mái che của một căn nhà không quen biết...

Từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, bộ mặt cuộc sống không ngừng đổi thay. Và, Dốc Sỏi cũng thay da đổi thịt từng ngày. Tôi nhớ mãi cảm giác với niềm vui lâng lâng khi lần đầu tiên đạp xe trên quãng đường Dốc Sỏi vừa được mở rộng, trải nhựa phẳng lì, xe chạy bon bon chẳng còn lo cán phải sỏi đá. Rồi hai bên đường phố cứ lần lượt xuất hiện những nhà cao tầng mới xây bề thế. Nhà thờ Tin Lành và Trường tiểu học Lê Văn Tám cũng được xây mới, rộng rãi khang trang... Đặc biệt, chùa Bửu Hưng - nơi từng diễn ra hội nghị cán bộ Đảng chuẩn bị lãnh đạo nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, vào năm 1979 đã được UBND tỉnh xếp hạng di tích, được đầu tư phục dựng tạo vẻ tôn nghiêm. Sự đổi thay đã làm cho người dân nơi đây không mấy ai còn gọi tên cũ “chùa Cô Hồn”.

Đến nay, tôi vẫn có nhiều dịp cùng đồng nghiệp thực hiện những chuyến đi đến các đô thị mới. Dù khởi hành từ đâu, tôi vẫn có cảm giác như bắt đầu từ Dốc Sỏi. Bởi nơi đây đã tạo cho tôi ấn tượng để ghi nhận những đổi thay thần tốc và diệu kỳ sau hơn 30 năm đổi mới. Có thể nói: trong suốt chiều dài lịch sử 320 năm hình thành vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, chưa bao giờ có được sự đổi thay to lớn như vậy. Bộ mặt đô thị và nông thôn ở Đồng Nai mỗi ngày một thêm rạng rỡ.

Lê Hương Thơm

Tin xem nhiều