Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng Bình Trước tôi yêu

09:12, 23/12/2018

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (trước đây là khu 4, xã Bình Trước, quận Đức Tu; nay thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) một vùng đất linh thiêng, nơi an nghỉ của người con xứ Trấn Biên, là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở làng Bình Trước, tỉnh Biên Hòa (trước đây là khu 4, xã Bình Trước, quận Đức Tu; nay thuộc phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) một vùng đất linh thiêng, nơi an nghỉ của người con xứ Trấn Biên, là một trong những niềm tự hào của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai: danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.

Nghi thức cúng đình ở đình Bình Trước. Ảnh: T.Thúy
Nghi thức cúng đình ở đình Bình Trước. Ảnh: T.Thúy

Có phải chăng vì là nơi “địa linh - nhân kiệt” nên trên địa bàn phường Trung Dũng ngày nay quy tụ khá nhiều di tích lịch sử, những cơ sở văn hóa, giáo dục. Đó cũng là những nơi mà tôi đã từng có thời gian gắn bó, có nhiều kỷ niệm và có may mắn được gặp gỡ, quen biết với khá nhiều nhân vật trong suốt thời gian 60 năm sinh sống ở nơi này.

Trước hết xin được nói về Trường THPT Ngô Quyền, ngôi trường đã có truyền thống hơn 60 năm, là ngôi trường trung học công lập đầu tiên của Biên Hòa - Đồng Nai vào thời điểm thành lập năm 1956. Nơi đây đã từng xuất hiện những nhân vật mà rất nhiều người ở Biên Hòa sinh ra vào thập kỷ 50 của thế kỷ trước đều biết đến như: thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (Nguyễn Hoàng Hải) đã nổi tiếng từ những năm còn học ở bậc trung học đệ nhị cấp với những bài thơ tình được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và khá phổ biến ở miền Nam thời bấy giờ; cựu học sinh Võ Văn Sen, sau này trở thành Phó giáo sư, Tiến sĩ - Hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Nhiều cựu học sinh của ngôi trường này hiện đang là những cán bộ chủ chốt ở thành phố và tỉnh. Tôi còn nhớ những ngày tháng 5-1975 khi tham gia sinh hoạt ở Hội Liên hiệp thanh niên TP.Biên Hòa (trụ sở lúc đó đặt tạm tại Trường Ngô Quyền) đã cùng với các anh chị sinh viên, học sinh lúc bấy giờ hát vang những bài ca cách mạng.

Cách đó không xa, Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai (trước năm 1975 là Trường Kỹ thuật Biên Hòa), nơi đã đào tạo rất nhiều tài năng: đó là những điêu khắc gia, họa sĩ, những nhà thiết kế đồ họa, những nghệ nhân ngành gốm… đã và đang thành danh ở trong và ngoài tỉnh.

Liền kề với ngôi trường này là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức - ngôi trường được vinh dự mang tên danh nhân văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (có một thời ngôi trường này đã phải tạm thay đổi chức năng hoạt động, đến năm 1998 đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, ngôi trường này đã được xây dựng mới, đồng thời cũng được trả lại tên gọi khi xưa là Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức).

Bên cạnh đó là ngôi trường THCS Trần Hưng Đạo (trước năm 1975 là Trường trung học Khiết Tâm - nơi tôi đã gắn bó suốt 7 năm theo học). Từ mái trường này, có những cô bé, cậu bé quàng khăn đỏ những năm 80 đầu năm 90 của thế kỷ trước, nay đã trở thành những nhà lãnh đạo, thủ lĩnh thanh niên thành phố, Bí thư đảng ủy phường, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo...

Thêm một ngôi trường phải kể đến là Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai, mà người có công lớn trong bước đầu thành lập là NGƯT, nhạc sĩ Nguyễn Văn Vy - một người thầy có dáng người mảnh khảnh rất được nhiều thế hệ học sinh của nhà trường quý mến, bởi thầy đã cùng tập thể thầy cô giáo nơi đây góp phần đào tạo nên những tài năng nghệ thuật. Nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã đạt nhiều giải thưởng cao trong các kỳ hội thi - hội diễn cấp khu vực và toàn quốc, nhiều người đã và đang thành danh, thành đạt trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước như các ca sĩ: Hoài Nam, Thanh Sử, Phương Thùy, Phương Tuyền; các biên đạo múa: Thiên Lãng, NSƯT Lâm Bảo Thịnh…

Cũng ở vùng đất địa linh nhân kiệt này, có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã được hình thành từ hàng trăm năm trước, có thể kể đến như: Mộ cổ Trịnh Hoài Đức, nơi mà căn cứ vào nội dung bia đá trong khu mộ cho thấy mộ của ông được xây dựng cùng với năm ông mất (năm 1825). Từ khi mộ Trịnh Hoài Đức được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990, chính quyền địa phương đã có các biện pháp bảo vệ nên di tích không còn bị lấn chiếm, xâm phạm. Năm 1998 đúng vào dịp kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai, phần chính của khu mộ là mộ song táng của Trịnh Hoài Đức (gọi là mộ Ông) và phu nhân Lê thị (mộ Bà) đã được trùng tu và hiện nay đã có người thường xuyên chăm sóc, bảo vệ.

Đối diện với các ngôi trường Trần Hưng Đạo, Trịnh Hoài Đức, Mỹ thuật trang trí là Đài Chiến sĩ (người dân quen gọi là Đài Kỷ niệm), di tích này do chính quyền thực dân Pháp xây dựng vào năm 1923. Đây là nơi ghi nhớ 8 vạn người dân Việt Nam bị cưỡng bức đi lính cho thực dân Pháp và đã bỏ mạng nơi những miền đất xa xôi (bên ngoài tổ quốc Việt Nam) trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918. Khác hoàn toàn với cảnh hoang phế trước đây, từ năm 1988 khi Đài Kỷ niệm được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi đây đã được trùng tu tôn tạo, trở thành công viên nơi người dân đến sinh hoạt và tập thể dục.

Đối diện Đài Chiến sĩ là một công trình mới được xây dựng sau này, đó là Tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa, nơi mà mỗi lần có dịp qua đây tôi chợt nhớ về vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Công An - người trực tiếp tham gia trận tập kích vào Sân bay Biên Hòa đêm 30 rạng sáng 31-10-1964 - một ông già Nam bộ bình dị mà những năm tháng cuối đời vẫn thường dành thời gian để chăm sóc khu tượng đài này, thỉnh thoảng lại tham gia thuyết minh về sự kiện chiến thắng Sân bay Biên Hòa cho đoàn khách và học sinh khi đến tham quan tượng đài.

Tôi cũng không quên con đường từ Cổng 1 đến Cổng 2 sân bay khi xưa (nay là cổng A42 và Cổng Trung đoàn 935). Từ một con đường nhỏ ven vành đai sân bay Biên Hòa khi xưa nay đã trở thành một trong những đoạn đường đẹp nhất của TP.Biên Hòa.

Vào những ngày cuối năm này, TP.Biên Hòa như khoác lên mình chiếc áo mới xinh tươi hơn, rực rỡ hơn để chào đón những ngày lễ hội kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy còn đó bộn bề của một thành phố đang trong quá trình hoàn thiện để xứng tầm là đô thị loại 1, nhưng tôi tin tưởng rằng vào một ngày không xa Biên Hòa thật sự trở thành một thành phố tươi đẹp để mai sau con cháu tôi sẽ luôn vinh dự, tự hào mỗi khi có dịp ghi tên quê quán cha ông: Biên Hòa - Đồng Nai, tự hào là một người dân của một phường địa linh nhân kiệt như 4 câu thơ của cô giáo Phạm Khoa Thị Anh Đào (Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức) cảm tác nhân sự kiện 320 năm Biên Hòa - Đồng Nai:

Ai về Trung Dũng - Biên Hòa

Viếng mồ quan Trịnh ngàn đời linh thiêng

Ba trăm hai chục năm liền

Mùa xuân nở thắm, đất Biên hào hùng.

Phạm Đức Vượng

Tin xem nhiều